Phù điêu bản đồ Việt Nam - mô hình ý nghĩa trong trường học

Đất nước Việt Nam ta không chỉ giàu truyền thống lịch sử mà còn được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết được vẻ đẹp của non nước quê nhà, nhất là ở độ tuổi học sinh. Vì vậy, công trình phù điêu bản đồ Việt Nam đặt tại các trường học trên địa bàn huyện Cần Giuộc là việc làm ý nghĩa, một cách làm sáng tạo trong công tác dạy và học.

Công trình phù điêu bản đồ Việt Nam tại Trường THPT Đông Thạnh được khánh thành từ nguồn vận động đoàn viên học sinh

Công trình phù điêu bản đồ Việt Nam tại Trường THPT Đông Thạnh được khánh thành từ nguồn vận động đoàn viên học sinh

Đặt chân đến Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Trường Tiểu học Phước Lý hay Trường THPT Đông Thạnh (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), giáo viên, học sinh, phụ huynh,... đều ấn tượng bởi công trình phù điêu bản đồ Việt Nam tại 3 trường học trên. Hầu hết vị trí được chọn để đắp phù điêu thường là những nơi dễ nhìn thấy.

Việt Nam được mệnh danh là đất nước đẹp với nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên, cấu trúc địa hình khác nhau. Có lẽ, điều này đã tạo nên một sức hút kỳ lạ khi nhìn vào bản đồ Việt Nam. Những dãy núi trập trùng cùng nhiều dòng sông lượn quanh lãnh thổ, cộng thêm lợi thế về những đồng bằng, đã tạo nên một bức tranh bản đồ Việt Nam đẹp tuyệt vời. Công trình phù điêu bản đồ Việt Nam tại Trường THPT Đông Thạnh được đắp tại một góc tường ở khu hành chính. Ở vị trí này, không chỉ giáo viên, học sinh khi vừa đặt chân vào khuôn viên trường có thể nhìn thấy mà ngay cả người đi đường hoặc phụ huynh đứng trước cổng trường cũng có thể quan sát được. Công trình này được khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Bí thư Đoàn trường THPT Đông Thạnh - Huỳnh Trung Hiếu thông tin: “Chúng tôi nhận thấy ở các trường học trên địa bàn huyện đều có mô hình về cột mốc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nên trường muốn làm một mô hình có tính khác biệt so với những trường học khác. Từ năm học trước, trường có ý định thực hiện nhưng vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên tạm ngưng. Chúng tôi thuê đơn vị thi công đắp phù điêu trong thời gian khoảng 10 ngày. Công trình được hình thành mang thông điệp giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc, không chỉ bảo vệ chủ quyền biển, đảo mà còn về lãnh thổ trên đất liền”.

Trên công trình này, Đoàn trường THPT Đông Thạnh còn yêu cầu thợ đắp phù điêu thể hiện 4 cực: Đông, Nam, Tây, Bắc và đường biên giới với các quốc gia để học sinh dễ nhận biết. Tổng kinh phí thực hiện công trình là 45 triệu đồng từ nguồn vận động đoàn viên, học sinh trong trường đóng góp.

Em Nguyễn Thụy Ngọc Thy - học sinh lớp 12A3, Trường THPT Đông Thạnh, chia sẻ: “Em nhận thấy đây là mô hình hay, mới, lạ. Vì vậy, khi Đoàn trường phát động thực hiện công trình này, chúng em tích cực hưởng ứng. Mỗi lần đến trường, nhìn thấy hình ảnh phù điêu bản đồ Việt Nam là chúng em thêm yêu, tự hào về đất nước mình”.

Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương cho biết, hiện nay, tuổi trẻ Cần Giuộc thực hiện được 3 công trình phù điêu bản đồ Việt Nam - mô hình hỗ trợ công tác tuyên truyền, giáo dục trong đoàn viên, thanh niên, học sinh. Với mong muốn đổi mới các hình thức tuyên truyền, nhất là tăng cường sử dụng hình ảnh trực quan sinh động để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, học sinh, công trình phù điêu bản đồ Việt Nam đã được xây dựng và đưa vào hoạt động phục vụ tuyên truyền, giáo dục, kết hợp với kiến thức chuyên môn của giáo viên Địa lý. Từ đó, cung cấp cho học sinh nhiều thông tin, kiến thức bổ ích và cần thiết, nhất là các kiến thức cơ bản về chủ quyền biên giới, biển, đảo Việt Nam, góp phần vun đắp, bồi dưỡng tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của thanh, thiếu nhi đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Thanh Nga

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phu-dieu-ban-do-viet-nam-mo-hinh-y-nghia-trong-truong-hoc-a134097.html