Phù điêu Kala - Bảo vật quốc gia mang dấu ấn Champa
Phù điêu Kala của Phú Yên là một trong 33 bảo vật quốc gia vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký quyết định công nhận trong năm 2024.
Phù điêu Kala là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá thuộc nền văn hóa Champa. Đây là một nền văn hóa đặc sắc từng giữ vị trí quan trọng trong suốt một thời gian dài trên dải đất miền Trung. Những giá trị của văn hóa Champa đã góp phần tạo nên một nền văn hóa phong phú, đa dạng của các cộng đồng dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
Ngày nay, những di sản văn hóa Champa là một bộ phận của di sản văn hóa Việt Nam và di sản văn hóa thế giới. Trong đó, nghệ thuật điêu khắc Champa đã để lại cho nhân loại nhiều kiệt tác, là những tinh hoa di sản mang giá trị vĩnh hằng.
Độc bản
Theo thuyết minh hồ sơ bảo vật quốc gia của Bảo tàng tỉnh (Sở VHTT&DL), phù điêu Kala là tác phẩm điêu khắc đá thời Champa, chất liệu đá túp riolit đaxit; cao 60cm, rộng 44cm, dày 17cm; trọng lượng 105,5kg.
Phù điêu Kala được phát hiện tại di tích Núi Bà, thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa. Sau đó được đưa về lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh. Khi công trình Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh được xây dựng mới và đi vào hoạt động năm 2012, hiện vật được giới thiệu tại gian trưng bày về văn hóa Champa.
Núi Bà cao khoảng 60m, nằm bên bờ Nam sông Đà Rằng, đối diện với núi Ông và di tích Thành Hồ. Người Champa đã xây dựng một ngôi tháp tại đây để phục vụ sinh hoạt tôn giáo. Từ đầu thế kỷ XX, kiến trúc sư người Pháp H.Pacmentier đã khảo sát di tích và ghi chép về một quả gò cao 50-60m, thuộc chùa Bà, với dấu tích ngôi chùa Chàm.
Ông đã phát hiện nhiều hiện vật kiến trúc, điêu khắc, trong đó có 6 hiện vật đáng chú ý như tượng Phật, lá nhĩ hình sư tử và tượng thần Siva. Năm 1990, Bảo tàng tỉnh và Viện Khảo cổ học đã khảo sát và phát hiện nền móng tháp Champa cùng 22 hiện vật hình đuôi phụng. Năm 1993, cuộc khai quật khẩn cấp đã xác định nền móng tháp hình vuông 9,5m, thu được 191 hiện vật, bao gồm phù điêu Kala.
Từ các kết quả nghiên cứu, có thể khẳng định hiện vật phù điêu Kala phát hiện ở núi Bà có niên đại vào thế kỷ XIV, thuộc phong cách nghệ thuật điêu khắc Tháp Mẫm (hay còn gọi là phong cách Bình Định). Đây là hiện vật duy nhất, thuộc phong cách Tháp Mẫm muộn, là chiếc đầu Kala cuối cùng, có niên đại muộn nhất. Đến nay, chưa phát hiện được chiếc đầu Kala nào có niên đại sau thế kỷ XIV. Điều này tạo nên giá trị độc bản của phù điêu Kala phát hiện ở Phú Yên, nó mang ý nghĩa đại diện cho một phong cách nghệ thuật điêu khắc Champa.
Văn hóa Champa chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Ấn Độ giáo, đặc biệt là trong nghệ thuật điêu khắc với nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ thần thoại Ấn Độ. Một hình tượng nổi bật trong nghệ thuật này là Kala, biểu hiện của thần Siva, tượng trưng cho thời gian và sự hủy diệt để tái tạo. Kala thường được miêu tả với hai sừng, mắt lồi, mũi sư tử và hàm răng lởm chởm, không có hàm dưới, biểu thị cho sự vô tận của thời gian. Hình tượng này thường xuất hiện trong kiến trúc đền tháp Ấn Độ giáo, trang trí ở các tầng tháp, mi cửa và chân tháp. Các tác phẩm điêu khắc về Kala được chế tác từ đá và đất nung, chủ yếu tìm thấy tại khu thánh địa Mỹ Sơn, Phú Yên và Bình Định.
Tại Phú Yên và Bình Định, các tác phẩm thuộc phong cách Tháp Mẫm, nổi bật với hình khối rõ nét và sự hoang đường hóa trong hình ảnh các con vật. Phù điêu Kala ở Bình Định có hai kiểu trang trí: Trên mi cửa và ở góc tháp, với đặc điểm là mặt Kala chia thành hai phần vuông góc và có chi tiết cánh tay người bên cạnh.
Ngược lại, phù điêu Kala tại Phú Yên được tạo tác trên đá hình lá nhĩ, không có cánh tay người, nhưng thể hiện ở kỹ thuật xử lý chất liệu, kỹ thuật chế tác tinh xảo, đường nét chạm khắc tỉ mỉ, đầy đủ đến từng chi tiết; cách phân chia bố cục, tạo hình khối hài hòa, cân xứng, trên một diện tích nhỏ nhưng thể hiện đa dạng về chi tiết, tạo ấn tượng mạnh, biểu đạt rõ ràng thần thái của khuôn mặt Kala. Đây chính là thủ pháp tạo hình riêng biệt với tư duy thẩm mỹ đạt đến đỉnh cao, tạo nên nét độc đáo về mặt hình thức của phù điêu Kala phát hiện ở Phú Yên.
Giá trị đặc biệt
Trong di sản văn hóa Champa, điêu khắc là thành phần quan trọng, gắn kết chặt chẽ với kiến trúc, tạo nên chỉnh thể thống nhất. Điêu khắc không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn thể hiện tư tưởng, tôn giáo. Mỗi công trình kiến trúc đều có tác phẩm điêu khắc đi kèm. Nghệ thuật điêu khắc Champa trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài, phản ánh nhận thức thẩm mỹ và nhu cầu tín ngưỡng của từng thời kỳ.
Các nhà nghiên cứu đã phân chia nghệ thuật Chăm thành nhiều phong cách, như: Phong cách Mỹ Sơn E1 (thế kỷ VII-VIII); phong cách Đông Dương (thế kỷ IX - đầu thế kỷ X); phong cách Mỹ Sơn A1 (thế kỷ X); phong cách Khương Mỹ (cuối thế kỷ X); phong cách Trà Kiệu (thế kỷ XI); phong cách Chánh Lộ (cuối thế kỷ XI); phong cách Tháp Mẫm hay còn gọi là phong cách Bình Định (thế kỷ XII-XIII); phong cách muộn (thế kỷ XIV-XVII).
Đối với di tích Tháp Núi Bà, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa Champa nhận định: “Về nghệ thuật kiến trúc, tháp Núi Bà có nhiều nét tương đồng với các tháp thuộc phong cách nghệ thuật Bình Định nhưng có xu hướng giản lược hơn. Các đá điểm góc thô hơn, các trụ nóc có xu hướng lùn xuống...
Nhưng so với hệ thống tháp thuộc phong cách nghệ thuật muộn thì các hiện vật trang trí tháp Núi Bà được thể hiện chi tiết hơn, hình khối đỡ thô hơn và có sức sống hơn. Về nghệ thuật điêu khắc, nếu so sánh các đề tài bệ thờ tháp Núi Bà như hoa văn cánh sen, núm vú, dễ nhận thấy chúng mang ảnh hưởng có tính kế thừa của phong cách nghệ thuật Tháp Mẫm, với hình khối to, khỏe, đầy sức sống nhưng không kém phần mềm mại.
Sự giản lược về chi tiết trong trang trí thể hiện xu hướng đi dần đến phong cách nghệ thuật giai đoạn muộn… có thể xếp ngôi tháp này vào giai đoạn chuyển tiếp từ phong cách nghệ thuật Bình Định sang phong cách nghệ thuật muộn hơn sau đó”.
Di tích Núi Bà ở Phú Yên là một công trình kiến trúc Champa lớn, chứng minh sự phát triển văn hóa Champa qua các thời kỳ. Các di tích như Bia Chợ Dinh, Thành Hồ, Tháp Nhạn và Núi Bà có niên đại từ thế kỷ IV-XVI, cho thấy sự liên tục của nền văn hóa này. Vương quốc Champa bao gồm nhiều tiểu quốc, với các trung tâm cảng thị, kinh thành và thánh địa, trong đó Núi Bà đóng vai trò quan trọng.
Ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Với ý nghĩa đó, phù điêu Kala phát hiện tại di tích Núi Bà Phú Yên là một hiện vật chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học. Phù điêu Kala là một tác phẩm điêu khắc có hình thức đạt đến hoàn mỹ, có nội dung biểu đạt sâu sắc về giá trị tư tưởng, triết lý nhân sinh. Phù điêu Kala xứng đáng là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu trong kho tàng các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Champa”.
“Bản thân mỗi hiện vật hàm chứa những giá trị lịch sử, văn hóa của một thời kỳ, vùng đất. Vì vậy, phù điêu Kala được công nhận bảo vật quốc gia cùng với thực hiện các giải pháp số hóa, bảo vật không chỉ phục vụ tốt công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, mà còn góp phần lan tỏa tinh hoa di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng”, ông Nguyễn Hữu An nhấn mạnh.
Phù điêu Kala phát hiện tại di tích Núi Bà Phú Yên là một hiện vật chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học. Phù điêu Kala là một tác phẩm điêu khắc có hình thức đạt đến hoàn mỹ, có nội dung biểu đạt sâu sắc về giá trị tư tưởng, triết lý nhân sinh. Phù điêu Kala xứng đáng là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu trong kho tàng các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Champa.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Hữu An
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/324989/phu-dieu-kala-bao-vat-quoc-gia-mang-dau-an-champa.html