Phù điêu Kala hơn 700 năm tuổi ở Phú Yên trở thành bảo vật quốc gia

Ngày 1-4, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia phù điêu Kala - Núi Bà (ảnh), có niên đại trên 700 năm tuổi. Phù điêu Kala được phát hiện vào năm 1993 tại hố khai quật di tích Núi Bà (thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên).

Phù điêu Kala - Núi Bà là tác phẩm điêu khắc đá, được tạo tác trên một khối đá hình lá nhĩ, đế bằng, đỉnh nhọn; cao 60cm, rộng 44cm, dày 17cm, nặng 105kg… Phía mặt trường phù điêu khắc hình tượng mặt Kala, là một biểu hiện của thần Siva (vị thần hủy diệt và tái tạo vũ trụ trong văn hóa Ấn Độ giáo). Kala nghĩa là thời gian, tượng trưng cho sự hủy diệt, sự chết: hủy diệt để tái tạo; sự chết để tái sinh. Phù điêu Kala thường được người Chăm Pa đặt ở các đền tháp trong khu vực thánh địa cao nhất của một tiểu quốc. Thông thường, 1 tiểu quốc Chăm Pa có cấu trúc phân chia đô thị, gồm: trung tâm cảng thị - kinh thành - thánh địa…

Theo giới khảo cổ học, phù điêu Kala - Núi Bà là hiện vật độc nhất thuộc phong cách nghệ thuật điêu khắc Tháp Mẫm (phong cách Bình Định) được phát hiện có niên đại vào thế kỷ XIV.

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phu-dieu-kala-hon-700-nam-tuoi-o-phu-yen-tro-thanh-bao-vat-quoc-gia-post788740.html