Phù Đổng đầu tư cho phát triển xanh, bền vững

Xã Phù Đổng được thành lập trên cơ sở sắp xếp đơn vị hành chính gồm toàn bộ quy mô dân số của thị trấn Yên Viên, các xã: Yên Viên, Yên Thường, Ninh Hiệp, Phù Đổng, Thiên Đức và một phần diện tích tự nhiên của xã Cổ Bi, Đặng Xá.

Toàn bộ các xã trước khi sáp nhập đều đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, 3 xã: Phù Đổng, Yên Thường, Ninh Hiệp (cũ) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp nối thành tựu, xã Phù Đổng phấn đấu trở thành một trong những địa phương tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát huy giá trị văn hóa, lịch sử…

Đền Gióng - Di tích quốc gia đặc biệt tại xã Phù Đổng. Ảnh: Nguyễn Sơn

Đền Gióng - Di tích quốc gia đặc biệt tại xã Phù Đổng. Ảnh: Nguyễn Sơn

Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Đào Đức Minh cho biết, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, Đảng bộ và nhân dân xã Phù Đổng không ngừng phấn đấu vươn lên, khai thác các nguồn lực, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ: Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, có mức tăng trưởng khá; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được tăng cường. Trên địa bàn xã có một số cụm làng nghề tập trung như: Yên Thường, Yên Viên, Thiên Đức, Ninh Hiệp, Phù Đổng và 2 làng nghề nổi tiếng là làng nghề truyền thống thuốc nam, thuốc bắc Ninh Giang - Ninh Hiệp, làng nghề cây cảnh hoa giấy Phù Đổng…

Xã Phù Đổng còn là quê hương của Thánh Gióng - một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Từ năm 2021, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 4728/QĐ-UBND về việc công nhận Điểm du lịch Phù Đổng. Theo đó, thôn Phù Đổng 2 là điểm đến trong hành trình tour du lịch Phù Đổng kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn Thủ đô. Với định hướng lâu dài xây dựng Điểm du lịch Phù Đổng, thôn Phù Đổng 2 trở thành “địa chỉ đỏ” để du khách thập phương tham quan di tích lịch sử đền Phù Đổng với lễ hội Gióng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”; thăm mô hình vườn đồng của các hộ dân..., đây cũng là cơ hội để các loại hình dịch vụ, thương mại trên địa bàn xã phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phù Đổng Đặng Thị Huyền thông tin, Phù Đổng có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, với 101 di tích lịch sử văn hóa, 4 di tích cách mạng kháng chiến. Trong đó, có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, 19 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp thành phố. Ngoài ra, còn có các di tích tiêu biểu như: Đình Xuân Dục, chùa Phúc Nương, đền thờ Quận công Nguyễn Đình Huấn, đình Hạ Thôn, chùa Nành; đình, chùa Ninh Giang, Từ vũ Nguyễn Thọ Tràng…

Xã Phù Đổng hiện có nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thực hiện các mô hình điểm du lịch vườn đồng, du lịch trải nghiệm, nhà vườn... đạt kết quả cao, doanh thu hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Nhiều mô hình thu hút đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm, như: Công ty cổ phần Phù Đổng Green Park, nhà vườn Ngọc Thu, nhà vườn Huy Trang, mô hình trưng bày điểm của làng nghề hoa giấy, cây cảnh Phù Đổng…

Tại thôn Xuân Dục có đình Xuân Dục là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, được khởi dựng vào thời Hậu Lê, cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII với nhiều họa tiết kiến trúc khắc đậm dấu ấn nghệ thuật thời Lê - Mạc; lưu trữ nhiều di sản quý, trong đó có bức hoành phi “Mỹ tục khả phong” do Vua Tự Đức ban phong năm 1872. Đình, chùa Xuân Dục, lễ hội của thôn Xuân Dục cũng thu hút đông đảo khách du lịch tham quan, vãng cảnh…

Cũng theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phù Đổng Đặng Thị Huyền, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xã Phù Đổng xác định tầm nhìn xa với bước phát triển mới, định hướng cụ thể nhằm huy động, khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư cho phát triển xanh, bền vững. Xã tập trung phát triển các cụm công nghiệp tập trung, công nghệ cao, công nghiệp sạch, dịch vụ logistics; hình thành các tổ hợp công trình văn hóa, công viên sinh thái, hoạt động vui chơi giải trí, không gian xanh ven sông Đuống, bảo tồn cảnh quan tự nhiên, phát triển du lịch nông nghiệp đô thị sinh thái, du lịch trải nghiệm. Đồng thời, xã Phù Đổng tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển ngành công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu du lịch xứng tầm giá trị của các di sản quốc gia và thế giới.

Ánh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phu-dong-dau-tu-cho-phat-trien-xanh-ben-vung-709438.html