Phú Hộ: Đẩy mạnh dịch vụ, ngành nghề nông thôn

PTĐT - Trong những năm qua, xã Phú Hộ thị xã Phú Thọ đã khuyến khích các hộ dân phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn để thúc đẩy phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26/ NQ-TW (Hội nghị Trung ương 7, khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Người dân xã Phú Hộ đã biết áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn từ khâu trồng, chăm sóc đến chế biến…

Người dân xã Phú Hộ đã biết áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn từ khâu trồng, chăm sóc đến chế biến…

Bí thư Đảng ủy Trần Xuân Nghĩa cho biết: “Đảng bộ, chính quyên xã đã tập trung lãnh, chỉ đạo nhân dân phát huy nguồn lực sẵn có để phát triển kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiêp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ...”Từ một ngành chiếm tỷ trọng thấp trong nền kinh tế, đến nay công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ ở Phú Hộ được duy trì và phát triển khá về số lượng. Trên địa bàn xã hiện có 121 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hoạt động thương mại dịch vụ có bước chuyển biến tích cực; hệ thống bán buôn, bán lẻ, vận tải ngày cảng mở rộng; khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng. Toàn xã có 543 hộ kinh doanh buôn bán hàng hóa, nhà hàng và dịch vụ. Các ngành nghề trên giải quyết trên 2.000 lao động tại địa phương với mức thu nhập 4,5 - 5 triệu/người/tháng. Năm 2019 giá trị thương mại, dịch vụ của xã đạt trên 48 tỷ đồng; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt gần 54 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 21 tỷ đồng.

Công đoạn vò, xao, sấy chè.

Công đoạn vò, xao, sấy chè.

Phát huy vai trò, giá trị của kinh tế tập thể, HTX sản xuất chế biến chè Phú Thịnh có 130 hộ trồng và chế biến chè các loại. Các hộ trong khu đầu tư trồng các loại chè cành giống mới như: Lai 1, Lai 2, Kim Tuyên, Ô Long, Bát Tiên... Vừa điều khiển máy sao chè, máy vò chè, bà Nguyễn Thị Lan Cho biết: “Người dân Phú Thịnh đã trồng chè từ cách đây hơn 100 năm. Ngày trước chúng tôi là chè rất thủ công, nhưng từ khi được công nhận “Làng nghề sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh”, chúng tôi đầu tư máy móc, giống; vì vậy đời sống của người dân làng nghề có những thay đổi, số hộ khá giàu ngày càng tăng”. Các hộ dân đã biết áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn từ khâu trồng, chăm sóc đến chế biến để cho ra lò những sản phẩm chè chất lượng tốt, đảm bảo an toàn, hương thơm, vị đượm đặc trưng riêng của chè Phú Thịnh. Từ trồng và chế biến chè, thu nhập bình quân của người dân trong làng nghề là 38 triệu đồng/người/năm. Không những vậy, nhiều hộ đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào ươm bầu chè giống. Hiện nay chè giống của làng không chỉ có mặt ở Phú Thọ mà còn được khách hàng ở rất nhiều tỉnh như Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lâm Đồng… tìm mua.

Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới được Đảng ủy, UBND xã tập trung lãnh, chỉ đạo bằng nghị quyết, kế hoạch. Các tiêu chí nông thôn mới được nhân dân đồng tình ủng hộ, hạ tầng cơ sở được đầu tư, hệ thống giao thông nông thôn được cứng hóa, các thiết chế văn hóa được củng cố và nâng cấp, rác thải sinh hoat cơ bản được thu gom xử lý. 5 năm (2015-2020), xã đã huy động được trên 30 tỷ đồng để làm mới nhiều công trình; trong đó đã sửa chữa, nâng cấp gần 11km đường giao thông nông thôn. Năm 2017, xã Phú Hộ được công nhận đạt xã đạt chuẩn nông thôn mới.Có thể nói, chủ trương phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn theo tinh thần Nghị quyết 26 của Trung ương đã và đang tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn xã Phú Hộ nói chung và thị xã Phú Thọ nói riêng ngày một khá giả.

Anh Nguyên

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202007/phu-ho-day-manh-dich-vu-nganh-nghe-nong-thon-171899