Phú Hòa phát triển bền vững nghề trồng nấm

Người dân xã Hòa Trị sản xuất nấm. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Từ những hộ trồng nấm nhỏ lẻ, tự phát, đến nay huyện Phú Hòa đã có hơn trăm hộ chuyên sản xuất nấm. Nghề này đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thu nhập ổn định

Theo UBND huyện Phú Hòa, nghề trồng nấm được hình thành đầu tiên tại thôn Phụng Tường 1, xã Hòa Trị vào khoảng năm 1993. Khi đó, một số hộ dân ở đây vào miền Nam học nghề rồi mang phôi nấm rơm về sản xuất tại địa phương. Ban đầu chỉ một, hai hộ làm, sau đó bà con tự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ phôi nấm cho nhau để cùng sản xuất. Đặc biệt, từ sau khi một số hộ dân xã này nắm bắt được kỹ thuật sản xuất meo nấm (nguyên liệu chính để cấy phôi trồng nấm) thì nghề trồng nấm bắt đầu phát triển mạnh cho đến nay.

Ông Nguyễn Văn Nguyện, hộ trồng nấm tại xã Hòa Trị cho biết: Tính đến nay, tôi đã có thâm niên hơn 20 năm trồng nấm rơm nên có đủ kinh nghiệm, kỹ thuật để tự làm phôi trồng. Hiện trại nấm của tôi mỗi tháng trồng được 6.000 phôi, cho sản lượng khoảng 600kg nấm. Cũng theo ông Nguyện, so với các nghề sản xuất khác thì trồng nấm mang lại thu nhập tương đối khá. Bình quân mỗi tháng, từ trồng nấm, ông có lãi khoảng 20 triệu đồng. Đặc biệt, nghề trồng nấm không xả thải ra môi trường, toàn bộ vật liệu trong quá trình sản xuất nấm đều được sử dụng nhiều lần, nguyên liệu rơm sau trồng nấm có thể bán lên Đắk Lắk để ủ vườn.

Chủ tịch UBND xã Hòa Trị Nguyễn Trường Thi cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 40 hộ chuyên sản xuất nấm rơm với tổng sản lượng thu hoạch khoảng 200kg/ngày. Đặc biệt nhiều hộ còn đầu tư máy móc để sản xuất phôi nấm cung cấp cho các hộ trồng nấm trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, nghề trồng nấm không chỉ phát triển ở xã Hòa Trị mà còn phát triển ở hầu hết các xã, thị trấn ở huyện Phú Hòa. Theo ông Sáu Khánh ở xã Hòa Quang Bắc, nhờ được những hộ trồng nấm ở xã Hòa Trị hướng dẫn nên gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư trại sản xuất nấm. Hiện nay, bình quân, mỗi tháng gia đình ông trồng được 7.000-8.000 phôi. Nhờ đất rộng nên gia đình ông luân phiên thay đổi vị trí trồng, có thời gian cho đất phơi nắng nên nấm đạt sản lượng khá tốt, khoảng 1kg/10 phôi. Từ nghề trồng nấm mỗi năm ông thu nhập trên 100 triệu đồng.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, toàn huyện hiện có khoảng 115 hộ trồng nấm với các loại nấm rơm, bào ngư, nấm dược liệu, tập trung ở các xã Hòa Trị, Hòa Quang Bắc, Hòa Quang Nam, Hòa An, Hòa Thắng.

Mở rộng thị trường tiêu thụ

Bên cạnh những hiệu quả nghề trồng nấm mang lại, hiện nay, khó khăn nhất của người dân là đầu ra chưa ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Bà Châu Thị Lời ở xã Hòa Trị cho biết: Hiện trại nấm của tôi trồng được 4.000 phôi, với sản lượng khoảng 200kg/tháng. Toàn bộ nấm đều bán cho thương lái tại chợ Tuy Hòa với giá khoảng 70.000-80.000 đồng/kg, mang lại thu nhập 16 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí đầu tư phôi nấm, công chăm sóc, hái, tưới nước... thì còn lãi được một nửa, khoảng 8 triệu đồng/tháng. Còn theo bà Ngô Thị Hạnh ở xã Hòa An, để tăng lợi nhuận, gia đình bà tính toán vụ trồng sao cho kỳ hái nấm rộ rơi vào các ngày đầu tháng và rằm khi thị trường tiêu thụ mạnh thì sẽ bán được giá 100.000 đồng/kg.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Trị Nguyễn Trường Thi, hiện xã đã thành lập Tổ hội nghề trồng nấm để giúp các hộ sản xuất có nơi giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, mới đây Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh khảo sát vùng trồng nấm tại xã Hòa Trị để tiến đến liên kết, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm mối đen và bao tiêu đầu ra. Nếu thực hiện được việc này thì đây sẽ là hướng đi mới cho nghề trồng nấm tại địa phương.

Hiện nay Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên đang tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật sản xuất phôi trồng nấm mối đen từ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Sau khi làm chủ công nghệ, đơn vị sẽ tiến đến việc sản xuất, cung cấp phôi nấm và chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Cùng với đó, trung tâm cũng tính đến chuyện xây dựng thương hiệu, bao tiêu sản phẩm để đưa ra thị trường. Hiện nấm mối đen là mặt hàng có giá thành khá cao, được tiêu thụ mạnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác nên đầu ra đang rất rộng mở.

ThS Phạm Quốc Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển

nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/249410/phu-hoa-phat-trien-ben-vung-nghe-trong-nam.html