Phụ huynh bức xúc, nhà trường lên tiếng
Việc Trường Tiểu học Hải Thanh A (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) bị phản ánh chi gần 200 triệu đồng từ các nguồn quỹ phụ huynh và xã hội hóa cho các hoạt động trong năm học 2024–2025 đang làm dấy lên làn sóng tranh cãi dữ dội trong dư luận địa phương. Nhiều phụ huynh cho rằng các khoản chi thiếu minh bạch, có dấu hiệu lạm thu, trong khi nhà trường khẳng định đã làm đúng quy trình với đầy đủ hồ sơ, chứng từ.
Dòng tiền "ẩn" sau những khoản đóng góp
Cuối tháng 5, dư luận xôn xao với nhiều bài đăng phản ánh về các khoản thu chi tại Trường Tiểu học Hải Thanh A (xã Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn). Theo nội dung lan truyền, nhà trường đã sử dụng gần 200 triệu đồng từ các nguồn quỹ để chi tiêu cho các hạng mục được cho là chưa thực sự cần thiết hoặc không đúng chức năng.

Trường Tiểu học Hải Thanh A (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa)
Cụ thể, một danh sách được lan truyền cho thấy hơn 103 triệu đồng được dùng cho các công việc như mua bàn ghế học sinh, lắp đặt hệ thống điện, thay kính cửa sổ, lát gạch sân khấu, sửa ống nước, mua bồn đựng nước… Phụ huynh phản ánh rằng số tiền trên được trích từ quỹ phụ huynh dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục.
Ngoài ra, khoản quỹ phụ huynh gần 81 triệu đồng còn được chi cho nhiều nội dung gây tranh cãi như: mua chè phục vụ các cuộc họp (gần 8 triệu đồng), tặng quà Tết cho giáo viên (gần 19 triệu đồng), thưởng học sinh giỏi, hỗ trợ học sinh đi thi...
Một phụ huynh xin giấu tên bức xúc: “Mỗi lần họp phụ huynh, chúng tôi được thông báo là ‘tự nguyện’, nhưng thực tế thì rất khó để không đóng. Một số khoản chi hoàn toàn không cần thiết, hoặc đáng ra phải từ nguồn ngân sách nhà nước, chứ không thể lấy từ tiền của phụ huynh”.
Cũng theo vị phụ huynh này, điều khiến nhiều người không hài lòng nhất là việc thiếu công khai, minh bạch: “Không ai đưa cho tôi bản kế hoạch chi tiết các khoản thu chi, chỉ nói miệng hoặc dán qua loa trên bảng tin. Đến khi sự việc bị phản ánh trên mạng, chúng tôi mới biết cụ thể từng khoản”.
Trước phản ứng gay gắt từ cộng đồng, sáng 26.5, UBND thị xã Nghi Sơn đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT vào cuộc kiểm tra, làm rõ sự việc. Một lãnh đạo UBND thị xã cho biết: “Chúng tôi đã nắm được thông tin, yêu cầu kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm nếu có sai phạm”.
Nhà trường nói “chi đúng, có kế hoạch và hồ sơ”
Trước những phản ánh từ phụ huynh và sức ép dư luận, bà Lê Thị Quý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Thanh A, đã có báo cáo chính thức gửi UBND thị xã Nghi Sơn, đồng thời có giải trình chi tiết về các khoản thu chi.
Theo bà Quý, số tiền hơn 103 triệu đồng phản ánh trên mạng không phải từ quỹ phụ huynh mà là nguồn xã hội hóa giáo dục. Nhà trường đã lập kế hoạch vận động tài trợ cơ sở vật chất cho năm học 2024–2025, được UBND phường và Phòng Giáo dục phê duyệt. “Tất cả các hạng mục thực hiện đều có chứng từ, hiện vật và hồ sơ đầy đủ”, bà Quý khẳng định.
Với khoản quỹ phụ huynh hơn 81 triệu đồng, bà Quý cho biết đây là số tiền do Ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường thống nhất từ đầu năm học. Các khoản chi phục vụ hoạt động dạy, học, hỗ trợ học sinh, khen thưởng và tổ chức họp hành đều có sự bàn bạc với phụ huynh đại diện từng lớp.
“Trường có hơn 1.000 học sinh, 24 lớp. Chi phí mua nước uống, chè cho họp phụ huynh chia ra chưa đến 200.000 đồng mỗi lớp. Còn việc thưởng học sinh giỏi, hỗ trợ thi thể thao cấp thị xã, đều là đề xuất từ ban phụ huynh, nhà trường chỉ phối hợp thực hiện”, bà Quý lý giải.
Tuy vậy, nhiều phụ huynh vẫn chưa hài lòng với cách giải thích này. Một phụ huynh lớp 4 cho biết: “Việc bảo là đã bàn bạc, thống nhất thì đúng về hình thức, nhưng thực tế chúng tôi không hề có quyền từ chối. Nhiều cuộc họp diễn ra rất nhanh, ai nêu ý kiến trái chiều thì bị cho là ‘gây khó dễ’ cho nhà trường”.
Sự thiếu minh bạch trong các khoản thu, chi tại trường học không phải là câu chuyện mới. Tuy nhiên, trường hợp tại Hải Thanh A gây chú ý vì tổng số tiền lớn, danh mục chi tiêu dày đặc, trong khi vai trò giám sát của phụ huynh còn mờ nhạt.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Vinh Sơn (Hà Nội) nhận định: “Việc vận động tài trợ, thu các khoản ngoài học phí trong nhà trường phải dựa trên ba nguyên tắc: minh bạch, tự nguyện và đồng thuận. Nếu chỉ dừng ở việc có đủ hồ sơ, kế hoạch hành chính, nhưng thiếu sự đồng thuận thực chất từ phụ huynh thì rất dễ tạo ra tâm lý bị ép buộc, mất niềm tin”.
Hiện Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn đang làm việc với Trường Tiểu học Hải Thanh A để kiểm tra, xác minh từng nội dung phản ánh. Dư luận địa phương kỳ vọng vụ việc sẽ được làm rõ, xử lý công bằng, đồng thời là hồi chuông cảnh báo với các trường học trong việc huy động và sử dụng các khoản đóng góp từ phụ huynh, vốn là vấn đề nhạy cảm, dễ dẫn đến xung đột nếu thiếu công khai và minh bạch.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/phu-huynh-buc-xuc-nha-truong-len-tieng-137212.html