Phụ huynh cũng 'khát' thành tích thì căn bệnh trầm kha này đến bao giờ mới khỏi?

Nói đến giáo dục, người ta nhắc nhiều nhất là thành tích - căn bệnh trầm kha chưa có thuốc trị dứt điểm. Tuy nhiên, không chỉ người trong ngành liên quan trực tiếp mà một bộ phận phụ huynh cũng vì 'khát' thành tích đã gây áp lực cho giáo viên, nhà trường.

Liều thuốc nào cho bệnh thành tích trong giáo dục? (Nguồn: VOV)

Liều thuốc nào cho bệnh thành tích trong giáo dục? (Nguồn: VOV)

Năm học sắp kết thúc cũng là lúc thầy cô bù đầu với biết bao công việc đánh giá xếp loại giáo viên và học sinh. Thế nhưng, giáo viên vất vả và chịu nhiều áp lực nhất chính là việc xét khen thưởng cho học sinh ở bậc tiểu học theo Thông tư 22.

Nếu như hai bậc học trung học cơ sở và trung học phổ thông, xét khen thưởng học sinh sẽ dựa vào điểm tổng kết thì bậc tiểu học xét khen thưởng “cứ tù mù”. Chính vì điều này, giáo viên đôi khi cũng khó trả lời những thắc mắc của một số phụ huynh đang đặt kì vọng vào con khá lớn.

Khen thưởng cảm tính và "hên - xui"

Học sinh bậc tiểu học có 2 mức khen thưởng. Mức hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện khi có kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên.

Mức thứ hai là khen thưởng từng môn học được quy định: Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

Nếu như học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập đã có minh chứng là các môn học được đánh giá hoàn thành tốt, những môn có điểm số đạt 9 điểm trở lên, năng lực phẩm chất cũng được đánh giá hoàn hành tốt nên hầu như không có phụ huynh thắc mắc, phân bì giữ con mình với con người khác.

Việc xét khen thưởng học sinh theo mức 2, khen một môn nổi trội nào đó thường không làm vừa lòng một số phụ huynh đang đặt kỳ vọng lớn vào con. Đã có những phụ huynh khi con không nằm trong tốp khen thưởng đã chất vấn giáo viên theo kiểu: “Tại sao con tôi học giỏi thế nhưng không đạt học sinh xuất sắc mà chỉ được khen theo môn học?”.

Giáo viên đã giải thích điều kiện để đạt học sinh xuất sắc phải là tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét phải đạt Tốt. Những môn đánh giá bằng điểm số phải đạt từ 9 điểm trở lên. Thế nhưng môn Âm nhạc của con chị chỉ xếp H (hoàn thành) thì không đủ điều kiện nhận danh hiệu học sinh xuất sắc.

Vị phụ huynh này lập tức đi gặp cô giáo dạy Âm nhạc tiếp tục lên tiếng: “Cô đánh giá làm sao mà em M. (con tôi) chỉ được xếp hoàn thành? Tôi thấy con tôi hát hay, múa dẻo lắm cơ mà?”.

Dù giáo viên có giải thích bao nhiêu, phụ huynh này vẫn khăng khăng: “Cô đánh giá không chính xác. Con tôi, môn nào nó cũng Hoàn thành tốt, môn Âm nhạc chỉ xếp hoàn thành có phải là thiệt thòi cho nó không?”.

Đó không phải trường hợp ngoại lệ, một số phụ huynh cũng tìm thầy dạy Mỹ thuật, cô dạy Thủ công, Thể dục để “hỏi cho ra nhẽ”… Có người còn tỏ ra coi thường những môn học ấy: “Những môn Toán, Văn mới khó đạt điểm giỏi chứ mấy môn phụ đó có quan trọng gì mà thầy cô khó khăn thế?”.

Ví như học sinh được khen nổi trội về môn Toán, tiếng Việt, Anh văn…hay khen về năng lực, phẩm chất…để công nhận em nào được khen, giáo viên chủ nhiệm không chỉ căn cứ vào kết quả bài thi cuối năm mà phải xem xét cả quá trình học tập, rèn luyện của các em.

Đồng thời, thầy cô phải tham khảo ý kiến của một số giáo viên cùng dạy trong lớp ở những môn học khác suốt một năm trời. Thế nhưng vẫn không tránh khỏi "tiếng bấc tiếng chì" rằng thầy cô thiên vị, thương em này nên chiếu cô hơn em kia…

Khen bao nhiêu cho đủ?

Thông tư 22 không quy định việc khống chế số lượng khen thưởng học sinh trong từng lớp. Thế nên số lượng học sinh được khen thưởng ở nhiều trường học phụ thuộc vào Ban Giám hiệu nhà trường thích khen nhiều hay ít.

Ở một số thành phố lớn, sĩ số học sinh được khen thưởng thường chiếm khoảng 2/3 số học sinh trong lớp, thậm chí có lớp số lượng học sinh được khen gần 100%. Không khen xuất sắc thì khen từng môn học hoặc khen về hạnh kiểm.

Một số vùng lại quy định khen khoảng 50%, có trường chỉ cho phép khen từ 15-20%. Thế nên, trong cùng một địa bàn nhưng các trường có số lượng học sinh được khen lại quá khác nhau. Trường cho phép một lớp khen không quá 20 em, trường chỉ hơn 10 em, có trường chỉ khen từ 5 đến 6 em/lớp.

Điều này đã gây không ít thắc mắc cho phụ huynh. Người so bì trường này với trường kia, người chê bai nơi này dạy dở, nơi kia thầy cô dạy tốt… Nhưng nguy hại nhất là nhiều giáo viên đã bị phụ huynh không có con được khen đặt điều nói xấu. Rằng cô thiên vị, thầy không công bằng khi con tôi học giỏi hơn mà không được khen và ngược lại.

Nếu thầy cô có giải thích chuyện khen thưởng học sinh nổi trội phải căn cứ vào cả một quá trình rèn luyện phấn đấu, phải được thầy cô bộ môn đánh giá, phải được học sinh trong lớp bình chọn… rất dễ nhận được câu trả lời “cái đó chỉ là hình thức", "thầy cô chủ nhiệm thích ai được khen mà chẳng được”.

Bởi thế câu hỏi: “Vì sao con tôi không được khen?”; “Vì sao cháu không được học sinh xuất sắc?”; “Vì sao học lớp 2 được khen nay lên lớp 3 học với cô lại không được?”.

Có phụ huynh lên trường hỏi, người gọi điện thoại và chất vấn giáo viên liên tục. Cũng có một số phụ huynh trực tiếp xin thầy cô chiếu cố để con họ được khen vì những lý do "trời ơi đất hỡi".

Đó là việc “ở cơ quan con ai cũng được khen còn con mình lại không thì bẽ mặt lắm”; “Không có giấy khen sẽ mất tiền thưởng của dòng họ, khu phố thì uổng”; “Có giấy khen để động viên tinh thần cho con cố gắng".

Rất nhiều người trong chúng ta đều lên án bệnh thành tích trong giáo dục, đều bất bình khi nghe đến chuyện xin điểm, chuyện học sinh ngồi nhầm lớp, đều bất bình khi tỷ lệ học sinh giỏi một lớp nào đó xấp xỉ 100%, đều thở dài khi nghe được những báo cáo đẹp về các chỉ tiêu luôn chạm ngưỡng.

Đã ai trong số đó từng lên tiếng hỏi giáo viên vì sao con tôi không được khen? Từng một lần xin điểm khi con bị điểm thấp? Từng phân bì, so sánh con mình với học sinh khác? Bệnh thành tích luôn ẩn trong người mỗi chúng ta.

Xóa bỏ bệnh thành tích, ngoài giáo viên, nhà trường thì vai trò của từng phụ huynh cũng vô cùng quan trọng. Hãy đặt niềm tin vào thầy cô, khi các bé chưa được khen nghĩa là các con chưa xứng đáng. Nếu vì quyền lợi cá nhân để tạo áp lực lên giáo viên và nhà trường, bệnh thành tích sẽ ngày một sinh sôi, nảy nở.

*Giáo viên ở Bình Thuận. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn.

Ngọc Huyền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phu-huynh-cung-khat-thanh-tich-thi-can-benh-tram-kha-nay-den-bao-gio-moi-khoi-144459.html