Phụ huynh dạy con 'đầu tư' thu lãi từ tiền lì xì

Tết Nguyên đán, trẻ thường được người lớn lì xì một khoản tiền với lời chúc tốt đẹp khởi đầu năm mới. Tuy nhiên, hướng dẫn trẻ làm gì với số tiền đó luôn là vấn đề được phụ huynh quan tâm.

Theo phong tục truyền thống, đầu năm mới, người lớn thường dành tặng trẻ con phong bao lì xì thể hiện sự quan tâm với lời chúc may mắn, khỏe mạnh, học giỏi. Số tiền trẻ nhận được sau mỗi cái Tết có thể từ vài trăm, vài triệu lên tới hàng chục triệu đồng. Tùy từng gia đình lâu nay có cách xử lý tiền mừng tuổi khác nhau.

Chị Đặng Ngọc Mai, ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) có 3 con cho biết, hằng năm gia đình thường để cho trẻ tự quản lý số tiền được mừng tuổi. Bố mẹ cũng không quan tâm con nhận được bao nhiêu tiền.

Đầu năm mới, trẻ thường được lì xì một khoản tiền.

Đầu năm mới, trẻ thường được lì xì một khoản tiền.

“Sau Tết, các con cho tiền vào ví riêng và tự chi tiêu vào những việc cá nhân như: mua thêm giày dép, quần áo hoặc mua đồ ăn vặt. Có một khoản tiền để tự chi tiêu, các con rất vui mừng, phấn khởi. Mình cũng nói với con, nếu biết chắt chiu, số tiền đó có thể dùng được lâu dài còn bạn nào chi mạnh tay thì nhanh hết”, chị Mai nói.

Cũng có phụ huynh dạy con chia nhỏ số tiền để chi tiêu cho các mục đích khác nhau như: chi tiêu cá nhân, dành mua quà tặng sinh nhật cho bố mẹ, người thân trong gia đình trong năm; dành quyên góp ủng hộ các bạn học sinh vùng khó, khoản chi mua sách, đồ dùng học tập…

Tiết kiệm, đầu tư bằng cách mua vàng

Trong khi đó, một số phụ huynh dạy con cách tiết kiệm, giữ tiền lì xì vì với trẻ con tiền triệu hay hàng chục triệu là số tiền lớn.

Chị Nguyễn Hà Phương, có 2 con học lớp 7 và lớp 3 tại Hà Nội cho biết, từ nhỏ, hằng năm mỗi Tết số tiền lì xì con nhận được thường dao động từ 15-20 triệu đồng. Sau Tết bố mẹ thường nhét tất cả tiền đó vào lợn đất để khi lớn con có một khoản riêng. Sau nhiều năm, số tiền của mỗi bạn tăng lên khá nhiều, chị Phương gom thành một sổ tiết kiệm nhưng tiền lãi thu về không đáng là bao.

Năm ngoái, tiền lì xì của hai con chị Phương tổng cộng được 35 triệu đồng. Sau khi tổng kết, chị đã trao đổi với con về việc đổi hướng mua vàng để tích lũy. Được sự đồng ý của con, chị Hà Phương bù thêm 4 triệu để có số tiền 39 triệu đủ mua 6 chỉ vàng với giá 6,5 triệu đồng/chỉ.

Chị Hà Phương khoe số vàng mua được cho mỗi con sau Tết nguyên đán năm ngoái với giá 6,5 triệu đồng/chỉ.

Chị Hà Phương khoe số vàng mua được cho mỗi con sau Tết nguyên đán năm ngoái với giá 6,5 triệu đồng/chỉ.

"Và mỗi bạn có 3 chỉ vàng, được mẹ ghi tên và giữ hộ. Đến Tết năm nay, giá vàng nhẫn bán ra ở mức 9,55 triệu đồng/chỉ, chị giải thích với con nếu bán số vàng năm ngoái đã có thể lãi 15 triệu đồng. Các con rất bất ngờ, phấn khởi vì số tiền lì xì đã biết đẻ ra tiền. Do đó, năm nay dù giá vàng cao hơn nhưng các con vẫn tiếp tục nhờ mẹ mua vàng để tiếp tục tích lũy”, chị Phương nói.

Tương tự chị Phương, không ít phụ huynh cho rằng, việc giao cho trẻ một số tiền lớn để tự tiêu vặt khi các em đang còn quá nhỏ là lãng phí. Do đó, họ dạy trẻ cách tiết kiệm từng khoản nhỏ để có khoản lớn trong tương lai.

Sau Tết nguyên đán năm nay, một số phụ huynh đã gom tiền mừng tuổi của con để gửi tiết kiệm, đi mua vàng trước ngày vía thần tài.

“Dù giá vàng đã ở mức rất cao nhưng mình chỉ mua 1-2 chỉ lấy vía may mắn và tích lũy tiền cho con nên không phải băn khoăn, suy nghĩ nhiều”, chị Thanh Dung, quận Ba Đình (Hà Nội) nói.

Dạy con quản lý tiền

PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, dịp Tết trẻ được nhận được khoản tiền lì xì nhất định và nhân cơ hội này, cha mẹ cần dạy con về văn hóa ứng xử lẫn cách quản lý số tiền đó.

Trước hết, cha mẹ phải giải thích cho trẻ hiểu tiền rất quý giá, là công sức lao động vất vả của người lớn. Và vì sao họ đã dành số tiền để mừng tuổi con trẻ. Khi nhận được phong bao lì xì, các con cũng cần thể hiện sự biết ơn, gửi lời chúc tốt đẹp lại người tặng.

"Với số tiền lì xì khá lớn trẻ nhận được sau Tết, nếu cha mẹ giao cho con toàn quyền chi tiêu quá sớm khi các em chưa có kỹ năng, nhận thức được giá trị của đồng tiền có thể chi tiêu bừa bãi vào những thứ độc hại, gây ảnh hưởng tới trẻ", PGS.TS Trần Thành Nam.

Thứ hai, cha mẹ cũng cần trao đổi, hướng dẫn con quản lý tài chính bằng cách tính tổng tiền lì xì, dự toán cho các khoản cần chi tiêu cần thiết trong một năm như: Tiền đầu tư cho giáo dục, tiết kiệm, thiện nguyện…

“Thậm chí, cha mẹ cũng có thể dạy con tư duy tài chính đơn giản bằng cách bảo con gửi tiền tiết kiệm để có thêm tiền lãi, mua vàng…. Khi đó trẻ sẽ thấy được rằng, mình mua đồ vặt, chi tiêu phung phí số tiền sẽ hết rất nhanh nhưng nếu được đầu tư sẽ sinh lời", ông Nam nói.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phu-huynh-day-con-dau-tu-thu-lai-tu-tien-li-xi-post1714190.tpo