Phụ huynh điên đầu với 'ma trận' sách tham khảo
Năm học mới đã chính thức được gần 1 tháng, bên cạnh sắm sửa đồ dùng học tập, sách giáo khoa, nhiều phụ huynh cũng đang 'hoa mắt' trước vô vàn loại sách tham khảo được bày bán ở khắp nơi, với giá không rẻ, trong khi chất lượng lại… chưa được kiểm chứng.
"Ma trận" sách tham khảo
Dạo qua một số nhà sách nổi tiếng tại Hà Nội như: Nhà sách Trí Tuệ (Giảng Võ), nhà sách Tiền Phong (Ba Đình)... điều dễ dàng nhận thấy đó là số lượng SGK chính thức được bày bán khá khiêm tốn, trong khi những cuốn sách tham khảo chiếm phần lớn trên các kệ bày, mỗi một nhà sách lại có những bộ sách tham khảo khác nhau do hệ thống phát hành khác nhau. Tại nhà sách Tiền Phong, ngay cả những trẻ "tiền lớp 1" cũng có vô số các cuốn sách kiểu học mà chơi, làm quen với các con chữ, số thông qua hình ảnh, biểu tượng… Đối với bậc học phổ thông, mỗi một môn học cho từng lớp sẽ có thêm nhiều sách bài tập đến cẩm nang giúp học sinh học tốt môn học. Thậm chí, có những cuốn sách tham khảo được chia theo khung độ tuổi.
Tại nhà sách Trí Tuệ, khi ngỏ ý muốn tìm sách tham khảo cho con, nhân viên nhiệt tình chỉ dẫn tới khu vực có những cuốn sách để khách hàng lựa chọn. Theo lời giới thiệu của nhân viên này, các bộ sách ở nhà sách đều toàn của nhà xuất bản tên tuổi, các tác giả nổi tiếng, có kinh nghiệm viết sách… Tại đây, theo quan sát, các sách tham khảo khá đa dạng, chỉ tính ở cấp tiểu học, với mỗi một môn học có những sách kèm như sách bài tập, sách hướng dẫn, tổng hợp những bài tập, bài văn mẫu. Trong đó sách lớp 5 có nhiều sách tham khảo nhất, riêng môn Toán và Tiếng Việt có đến gần 10 loại bao gồm sách rèn kỹ năng, đánh thức khả năng học, nâng cao và phát triển…
Còn tại nhà sách ADCBook Linh Đàm (ở Hoàng Mai, Hà Nội), khu vực bày bán sách tham khảo dành cho học sinh chiếm một lượng lớn của nhà sách. Đáng chú ý nhất là các môn học chính của học sinh cuối cấp, số lượng mỗi môn có cả chục cuốn tham khảo. Ví dụ, Toán lớp 9 có các loại sách: "Tài liệu dạy học Toán 9", "Các chuyên đề chọn lọc Toán 9", "Phân loại chi tiết các bài tập Toán", "Toán nâng cao và các chuyên đề hình học", "Củng cố và ôn luyện Toán 9",… Ngữ văn 9 có các loại sách tham khảo: "Bình giảng văn 9", "Để học tốt Ngữ văn 9", "Những bài văn chọn lọc 9", "Giúp em học tốt Ngữ văn 9"... Ở lớp 12, ngoài sách tham khảo có thêm nhiều bộ đề thi, kỹ năng làm bài thi phục vụ kỳ thi.
Băn khoăn khi chọn mua sách tham khảo cho con đang học lớp 5, anh Nguyễn Văn Tiến (đường Nguyễn Xiển, Hà Nội) cho hay: "Con đi học cô ít giao bài tập về nhà nên cũng muốn mua thêm sách tham khảo cho con đọc, làm bài vào dịp cuối tuần… nhưng quá nhiều loại sách, đọc tên chỉ muốn mua luôn nhưng lại chưa biết mua có phù hợp hay không. Cho nên cả tiếng đồng hồ xem hết sách này đến sách kia mà chưa quyết mua được cuốn nào. Năm trước mua một đống rồi bỏ không, nên năm nay cũng hết sức thận trọng trong chọn mua sách tham khảo".
Sách tham khảo đang làm khó phụ huynh
Chia sẻ lý do vì sao sách tham khảo ngày càng "loạn", thầy Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Toán (Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho biết: Sách tham khảo theo đánh giá của tôi là khá "hỗn loạn", mỗi môn có hàng chục loại sách tham khảo khác nhau, điều này xuất phát lại chưa phải là từ nhu cầu học sinh mà chính từ tác giả. Trước đây, để xuất bản SGK rất khó, trải qua nhiều công đoạn thẩm định thì giờ thì ngay nhà xuất bản tìm đến mình, bản thân tôi đã từng nhận được lời đề nghị viết hoặc tập hợp để xuất bản sách. Một số tác giả chưa có đầu sách nào lại muốn có cuốn sách mang dấu ấn của mình, nay nhận được đề nghị thì tham gia viết sách. Ngoài ra, có tác giả xuất bản sách rồi, nay lại đổi tên, thêm bớt chút nội dung rồi xuất bản ở nơi khác… Đó là nguyên nhân khiến cho nhiều sách xuất hiện trên thị trường.
Cũng theo thầy Trần Mạnh Tùng, từ việc có quá nhiều sách tham khảo gây ra những khó xử đối với phụ huynh, học sinh trong việc lựa chọn. Ở khía cạnh học sinh, khi mua sách phải có sự quan tâm, tự mình trải nghiệm, thấy phù hợp thì mới mua. Nếu chưa tự lựa chọn, hãy nhờ sự tư vấn của bạn bè, cách hiệu quả nhất là hỏi thầy cô hướng dẫn vào đầu năm học giúp mình mua được những cuốn bổ ích. Ngoài ra xem đánh giá từ Internet xem xã hội đánh giá về sách thế nào. Phụ huynh muốn mua cũng phải trải nghiệm về sách tại hiệu sách để mua. Thầy Mạnh Tùng lưu ý, chọn sách của nhà xuất bản có uy tín, tránh mua những cuốn sách kém chất lượng, tiền mất tật mang. Bởi bản thân thầy từng gặp một số cuốn sách có những chi tiết sai.
"Nhiều phụ huynh muốn con học giỏi, thi đạt điểm cao nên hay đi mua sách tham khảo cho con, điều này là chính đáng, song nhiều phụ huynh cũng sẽ bị choáng ngợp trước những tên sách bắt mắt như: "30 giây hạ nockout một câu trắc nghiệm", "Công phá, một bước thành tài"… Nếu mua sách thì nên tham khảo ý kiến của con, sử dụng sách như thế nào phải dựa trên năng lực thực tế của con, không nên tạo áp lực giao phải hoàn thành số bài, số trang… Giai đoạn ôn thi chuyển cấp vào lớp 10, 12, mỗi em nên có một hai quyển sách tham khảo để tăng cường việc học. Phải có kế hoạch sử dụng hợp lý, ôn tập từ đầu, chứ chờ lúc sắp thi ôn dồn dập là không nên", thầy Trần Mạnh Tùng đưa ra lời khuyên.
Đối với cấp tiểu học, nhiều giáo viên cũng đưa ra lời khuyên phụ huynh không nên lạm dụng sách tham khảo. "Học sinh được học hai buổi/ngày nên có thời gian làm bài tập ở trên lớp vào các buổi chiều, nên cô không giao bài tập về nhà. Nếu con chưa nắm chắc kiến thức, làm bài tập chưa tốt phụ huynh có thể phối hợp với giáo viên trong kèm cặp, hoặc cũng có thể làm bài trong sách bài tập, luyện đọc, viết ở nhà là đủ", cô Vân Anh, giáo viên dạy tiểu học ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã có công văn gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2019 - 2020. Theo đó, Bộ đề nghị các Sở GD&ĐT triển khai tới các đơn vị thực hiện nghiêm túc Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT của Bộ quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp hoặc gián tiếp buộc học sinh phải mua xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.