Phụ huynh Hà Nội ngại đưa con ra ngoài vì sợ lây bệnh
Trước sự gia tăng số lượng trẻ mắc bệnh đường hô hấp vào thời điểm giao mùa, nhiều phụ huynh tại Hà Nội đã có những biện pháp chủ động phòng bệnh cho con.
Thời gian gần đây, thời tiết tại Hà Nội thay đổi khiến nhiều phụ huynh lo lắng khi chứng kiến nhiều trẻ xung quanh liên tục mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp. Vợ chồng chị Việt Ánh (31 tuổi, sống tại Hà Nội) cũng có cùng nỗi lo trên.
“Mùa này, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng bị bệnh. Tôi đọc tin tức thấy nhiều trẻ nhỏ nhập viện. Gia đình tôi hiện tại vẫn ổn nhưng không dám chủ quan do cách đây một tháng, con tôi mới bị sốt và viêm phế quản nhẹ”, chị Ánh tâm sự với Zing.
Hạn chế đưa con ra ngoài
Thời gian gần đây, thấy mọi người xung quanh đều bị cảm cúm, chị Việt Ánh lo lắng, sợ con trai 2 tuổi của mình bị lây bệnh.
Kể từ lần con mắc viêm phế quản, chị Ánh chú trọng hơn vào chế độ ăn để tăng cường sức đề kháng cho con. Mỗi bữa ăn, chị đều cân bằng đủ các nhóm dinh dưỡng gồm đạm, xơ, tinh bột và xen kẽ thêm vài bữa phụ với hoa quả, sữa, sữa chua cho bé.
“Lo bụng con yếu, khi nấu đồ ăn, tôi không cho nhiều gia vị hay dầu mỡ. Các thực phẩm đều sơ chế cẩn thận, nấu chín và tất cả là đồ tươi mới. Bên cạnh đó, tôi cũng hạn chế cho con ra ngoài”, chị Ánh cho hay.
Chị Ánh chia sẻ thêm mỗi ngày chị thường pha muối vào nước tắm để tránh con bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, sau khi ra ngoài về, vợ chồng chị chú ý rửa tay, vệ sinh thân thể sạch sẽ, sau đó mới tiếp xúc với bé. Việc gặp gỡ mọi người là điều khó tránh nhưng chị sẽ cố gắng để phòng ngừa lây lan cho con.
Cũng giống như gia đình chị Việt Ánh, anh Thành Đạt (28 tuổi, sống ở Hà Nội) bắt đầu lo ngại mỗi khi thời tiết chuyển mùa.
“Con trai tôi mới được 9 tháng tuổi, mặc dù chưa phải đi nhà trẻ, đồng nghĩa với việc tiếp xúc ít nguồn bệnh hơn, cả nhà tôi vẫn không ai dám chủ quan. Bình thường, vợ chồng tôi sẽ đưa con xuống sảnh chung cư chơi. Nhưng với tình hình hiện tại, chúng tôi chỉ cho con ở nhà, không dám đưa ra ngoài”, anh Đạt chia sẻ.
Từ ngày có con, vợ chồng anh mua thêm máy lọc không khí tích hợp chức năng khử khuẩn và máy hút ẩm để môi trường trong nhà thoáng mát, dễ chịu hơn. Ngoài ra, anh Đạt cho biết trong nhà luôn có sẵn nước muối sinh lý để vệ sinh mắt, mũi cho con; các loại thuốc cơ bản như hạ sốt, long đờm, sổ mũi, tiêu chảy… để đề phòng các trường hợp khẩn cấp.
“Do cả gia đình vợ tôi đều làm nghề y, mỗi khi con có vấn đề là được khám bệnh và điều trị ngay. Một lưu ý của gia đình tôi là hạn chế cho con uống kháng sinh. Việc uống nhiều thuốc này có thể khiến con bị kháng kháng sinh, không tốt cho sức khỏe sau này của con”, anh Đạt cho biết.
Không chủ quan với bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào
Trao đổi với Zing về tình hình bệnh tại Hà Nội, TS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), cho biết thời gian này chưa phải là mùa bùng phát các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em. Giai đoạn có nguy cơ lây lan nặng nhất ở miền Bắc là vào mùa đông, khi thời tiết lạnh nhiều.
“Tuy nhiên, hiện nay, tình hình các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn ở đường hô hấp diễn biến khá phức tạp. Mặc dù một số bệnh đã có vaccine như Covid-19, người dân vẫn nên chủ động phòng ngừa, không được chủ quan”, bác sĩ Công chia sẻ.
Đối với nhóm bệnh truyền nhiễm nói chung, đặc biệt là virus hợp bào hô hấp (RSV), các trường hợp diễn biến nặng thường xảy ra ở trẻ dưới 6 tháng tuổi và người cao tuổi có bệnh nền nặng.
Theo vị chuyên gia, bên cạnh việc gây ra phản ứng viêm đường thở như các virus hô hấp khác, RSV còn tăng tiết nhầy, đặc, dính và khiến người bệnh khó ho hay khạc ra.
Cấu trúc đường thở của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện như người lớn. Vì vậy, khi bị viêm, phế quản của trẻ dễ mất tính đàn hồi và xẹp lại, kết hợp thêm với dịch nhầy, trẻ có thể bị ngạt mũi, khó thở, thậm chí suy hô hấp.
Để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác nói chung, bác sĩ Công khuyến cáo người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trẻ nhỏ và người lớn tuổi cần ăn uống điều độ, vận động hợp lý và kiểm soát tốt bệnh nền. Ngoài ra, trong giai đoạn này, mọi người nên hạn chế tụ tại tập phòng kín hay phòng lạnh trong thời gian dài.
“Cho đến hiện nay, RSV chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, người dân vẫn nên chủ động phòng ngừa theo biện pháp 2K (khẩu trang và khử khuẩn). Ngoài ra, các bé có tiền sử nhiễm trùng như viêm phổi, viêm phế quản nên hạn chế đến nơi đông người để hạn chế bị lây lan”, bác sĩ Công nói thêm.
Bên cạnh đó, nếu trẻ không may bị nhiễm các loại virus hô hấp, phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách sau:
- Thường xuyên cho trẻ hút mũi, rửa mũi.
- Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và uống nhiều nước.
- Dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
- Dùng thêm các thuốc loãng đờm nếu trẻ có biểu hiện viêm phế quản trong trường hợp mắc RSV.
Nếu phát hiện trẻ có các triệu chứng nặng như sốt cao khó kiểm soát (uống thuốc không giảm), lừ đừ, ăn uống kém, bỏ bú, khò khè, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được đánh giá và chăm sóc đúng.