Phụ huynh lo lắng học sinh nội thành trở lại trường khi số ca F0 Hà Nội tăng cao

Trong khi số ca F0 tại Hà Nội những ngày gần đây lên tới gần 4.000 ca/ngày, Hà Nội 'chốt' thời điểm cho học sinh nội thành trở lại trường từ 21/2 khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phụ huynh thấp thỏm khi số ca mắc COVID-19 trong trường học cao

Ngày 15/2, Trường Phổ thông liên cấp Đa Trí Tuệ (Hà Nội) phải đóng cửa trường học vì số học sinh mắc COVID-19 tăng cao. Có lớp học tại đây thậm chí được xác định trở thành ổ dịch khi có 7 F0/ hơn 30 học sinh.

Tương tự, tại trường THPT Phan Huy Chú (huyện Quốc Oai), nhà trường cho cả lớp 12A3 nghỉ học trực tiếp, chuyển học online. Nguyên nhân là bởi lớp có tổng 40 học sinh thì 15 em được xác định F0 qua test nhanh; hầu như tất cả học sinh còn lại trong lớp được xác định là F1.

Trong khi đó, UBND TP Hà Nội đồng ý đề xuất của Sở GD&ĐT cho trẻ tiểu học và lớp 6 ở 12 quận nội thành là nhóm học sinh phổ thông cuối cùng ở Thủ đô được trở lại trường.

Việc tổ chức học trực tiếp được thực hiện theo nguyên tắc: chỉ tổ chức dạy trực tiếp tại các địa bàn dịch cấp độ một và hai. Theo đánh giá cấp độ dịch công bố tối 11/2, toàn thành phố không có địa bàn cấp độ ba và bốn.

Như vậy, toàn bộ 1,6 triệu học sinh phổ thông ở Hà Nội đã được cho phép học trực tiếp, sau hơn 9 tháng ở nhà học trực tuyến. Lớp 1-6 ở nội thành chỉ học một buổi, chưa được tổ chức bán trú khi học trực tiếp.

Tuy nhiên, quyết định này khiến nhiều phụ huynh lo lắng khi số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội vẫn đang ở mức cao. Trên mạng xã hội, chị Nguyễn Lê Huyền nêu quan điểm không đồng tình cho các con đi học trực tiếp thời điểm này. Chị Huyền lý giải, các con chưa được tiêm vaccine, lại đang ở bậc tiểu học nên chưa thể giữ gìn vệ sinh thật tốt để tránh lây lan được tốt. Từ lớp 7 đến 12 được tiêm phòng rồi đến trường còn nhiễm F0 nữa là các con chưa được tiêm.

“Các con đi học là tốt, tuy nhiên vừa nghỉ tết xong nguy cơ bùng dịch rất cao. Bé nhà tôi đi học được 4 buổi, ngày mai lại phải ở nhà vì thành F1, do trong lớp có nhiều bạn đang bị nhiễm”, anh Nguyễn Tuân chia sẻ.

Trong khi nhiều phụ huynh cho rằng việc học sinh trở lại trường nhưng không tổ chức ăn bán trú bố mẹ rất khó khăn. “Đi học phải cho bán trú chứ không đánh đố phụ huynh. Nhà tôi lại mất thêm 3 triệu tiều thuê đón với trông bé buổi chiều nếu như không cho học bán trú”, anh Giang Nam cho biết.

Đồng quan điểm, Phong Nhân viết: “Tôi thấy việc học online vẫn đảm bảo chất lượng, tại sao lại đi học trực tiếp trong khi dịch bệch còn nguy hiểm, vaccine cho các cháu chưa được tiêm, thống kê về tỷ lệ nhiễm của các cháu không rõ ràng. Ngoài ra học 1/2 ngày tăng gánh nặng đến phần lớn phụ huynh, đến nhà trường như vậy cũng là tăng gánh nặng xã hội. Quyết định này theo tôi không hợp lý”.

Giáo viên căng mình khi kết hợp “on – off”

Trong khi đó, phụ huynh lo lắng thì với giáo viên dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch dạy học. Từ khi học sinh trở lại trường, cô Hồng Lương, giáo viên THPT ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã phải dạy trực tuyến do học sinh thuộc diện F0; số còn lại là F1 hoặc những em được cha mẹ xin cho học trực tuyến tại nhà.

Cô Lương được nhà trường trang bị hệ thống camera ghi hình tiết dạy, sau đó kết nối với thiết bị dạy học trực tuyến để các em không tới trường vẫn có thể theo dõi bài giảng tại nhà.

Tuy nhiên, việc vừa dạy học trực tuyến, vừa dạy học trực tiếp, theo cô Lương, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Không giống như trước đây, các bài giảng được thiết kế phù hợp với cách thức học trực tuyến, giờ đây khi kết hợp “on – off”, những học sinh không đến trường ít nhiều sẽ bị hạn chế trong việc tiếp thu bài giảng theo giáo án dạy trực tiếp của giáo viên. Giáo viên cũng không thể “phân thân” để dạy riêng cho những em này theo cách thiết kế của bài giảng trực tuyến.

Do đó, giáo viên sẽ vất vả hơn khi phải dạy bổ sung miễn phí cho những học sinh học trực tuyến vào một số buổi nhất định trong tuần.

Chưa kể, theo cô Lương, giáo viên cũng “rất mệt” khi phải vừa dạy học trên bục giảng, vừa theo dõi học sinh thông qua màn hình máy tính.

“Khi đang giảng bài, giáo viên không thể theo dõi hết xem các em học online có đang lắng nghe được hay không. Nhiều khi vì gián đoạn kết nối, các em không nghe rõ lời cô hoặc không thể nhìn thấy chữ viết trên bảng. Nếu học sinh không tự giác phản ánh hoặc hỏi lại giáo viên, thầy cô cũng không thể nắm bắt được. Việc quan tâm đến những nhóm đối tượng này bị hạn chế nên dù giáo viên phải làm việc vất vả hơn, nhưng rất có thể vẫn có học sinh bị bỏ rơi phía sau”, cô Lương nói.

Còn cô giáo Hoàng Minh Trang, đồng nghiệp của cô Lương lại gặp phải khó khăn khác khi nhiều ngày trong tuần phải “chạy sô” giữa hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến.

“Đôi khi, vừa kết thúc tiết dạy trực tiếp cho khối 7, giáo viên phải chuyển ngay sang dạy học trực tuyến cho khối 6. Việc phải đảm nhiệm “nhiều vai” như thế khiến giáo viên gặp một chút quá tải vì phải liên tục vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học khác nhau, dù rằng nhà trường cũng đã rất chu đáo chuẩn bị phòng máy để thầy cô không bị chậm trễ khi chuyển giao giữa các tiết dạy

L.Ngọc (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phu-huynh-lo-lang-hoc-sinh-noi-thanh-tro-lai-truong-khi-so-ca-f0-ha-noi-tang-cao-post434069.html