Phụ huynh nên ứng xử thế nào với khủng hoảng tâm lý của con sau khi biết kết quả thi?
Thời điểm nặng nề nhất với mỗi thí sinh chính là đợi điểm thi và sau khi biết kết quả thi không được như mong muốn.
Hôm nay, trên một fanpage có nhiều phụ huynh tham gia đã đăng dòng trạng thái tìm con mất tích mong mọi người giúp đỡ. Trong đó thông tin: con biết kết quả thi không tốt nên đã bỏ ăn rồi viết thư để lại chào tạm biệt gia đình và đi khỏi nhà từ ngày 9/7.
Còn một phụ huynh khác thì chia sẻ: "là một người mẹ có con trai cọ xát trong cuộc chiến khốc liệt này, chứng kiến 2h đêm con lang thang, cô độc nơi cổng trường và cô độc suy tư nhìn ra hồ... "
Theo PGS. TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, thời điểm sau khi công bố kết quả thi, sẽ có nhiều học sinh nhận được được kết quả không như ý.
"Đó sẽ là một sang chấn tâm lý lớn khiến các em rơi vào trạng thái tiêu cực như lo lắng, thất vọng, xấu hổ tự trách và xuất hiện một số suy nghĩ sai lầm về bản thân như mình là kẻ thất bại, mình thật vô dụng, mình vô ơn vì đã phụ công cha mẹ… Thời điểm này, các em có xu hướng thu mình lại, chỉ tương tác với thế giới thông qua so sánh bản thân mình với những bạn khác có thành tích cao để rồi càng chìm sâu vào cảm giác tiêu cực hơn", PGS Trần Thành Nam nêu thực tế.
Do đó, theo PGS Nam, cha mẹ cần hiểu rằng đây là thời điểm rất nhạy cảm và dễ tổn thương với con. Nó có thể dẫn tới những phản ứng tiêu cực gây hủy hoại tương lai của con như một cách chạy trốn khỏi những “đau đớn” về tinh thần. Con có thể trốn tránh cha mẹ, bỏ mặc tất cả; có em chìm vào game, sử dụng rượu bia hoặc chất gây nghiện; có những bạn có thể tự làm đau cơ thể mình để làm xao lãng đi những cảm xúc tiêu cực; có em xuất hiện suy nghĩ tự sát.
Do vậy, cha mẹ cần nhận ra sớm để hướng dẫn các em xử lý những cảm xúc tiêu cực một cách lành mạnh như có một không gian riêng để trải nghiệm những cảm xúc “tôi buồn”, “tôi thất vọng”, và “tôi buồn vì kết quả không như mong đợi”. Nhưng sau đó, cần giúp các em coi những cảm xúc khó chịu đó làm động lực để tránh lặp lại trong tương lai.
Cha mẹ dành thời gian để con chia sẻ cảm xúc tiêu cực, cùng đi dạo hoặc giao nhiệm vụ để con chăm sóc cây, thú cưng. Khuyến khích con “tử tế với bản thân” "Thời điểm này, cha mẹ cũng tránh không nên để con tiếp cận với quá nhiều thông tin trên mạng xã hội vì rất có thể trẻ sẽ tiếp tục so sánh mình với những thành công của người khác và chìm vào suy nghĩ mình vô dụng, mình là kẻ thất bại", PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Khi chia sẻ, PGS Nam lưu ý cha mẹ hãy tìm ra những "niềm tin phi lý" từ các con để điều chỉnh nó. Ví dụ có em suy nghĩ rằng thất bại trong kỳ thi này có nghĩa mình là kẻ vô dụng hoặc sẽ chẳng bao giờ thành công trong tương lai...
Và thời điểm này, cha mẹ hãy tìm cho con một tấm gương. Hãy để con đọc những thất bại của người nổi tiếng để thấy rằng vĩ nhân cũng gặp nhiều thất bại, thậm chí thường xuyên thất bại.
Cuối cùng, cha mẹ hãy nói chuyện nghiêm túc với các con về con đường tiến về phía trước. Có nhiều con đường để tới thành ROME nên hãy sẵn sàng thảo luận với với con sắp tới sẽ làm gì để có có động lực vượt qua khó khăn hiện tại.
Nhưng cũng đừng khoe "quá đà"
Về thái độ của cha mẹ với việc đăng khoe thành tích của con lên mạng khi đạt được mong đợi, theo PGS Trần Thành Nam cha mẹ nên ý thức được rằng đây cũng gây ra nhiều áp lực khiến cho việc đối diện với những thất bại trong tương lai của con trở nên khó khăn hơn; cảm giác thất bại trở nên khó chấp nhận hơn với những đứa trẻ "quen thành công".
"Cha mẹ cũng không thể chắc chắn rằng con cái không bao giờ thất bại. Một người đối diện với thất bại trong khi vây quanh toàn là thành tích cao của những người bạn thì con của chúng ta sẽ có cảm giác gì. Cha mẹ hãy suy nghĩ đến những tình huống như thế để kiểm soát những thông tin chia sẻ trên mạng. Đã đến lúc cần hiểu rằng thông tin về thành tích, điểm số của con là những thông tin riêng tư", PGS Trần Thành Nam nhắc nhở.