Phụ huynh phải làm gì khi biết con bị xâm hại tình dục?
Chuyên gia tâm lý đã đưa ra những kiến thức mà phụ huynh nào cũng phải biết khi trẻ em bị xâm hại tình dục.
Trả lời VTC News, tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích cho phụ huynh sau hàng loạt vụ trẻ bị xâm hại tình dục xảy ra trong thời gian vừa qua.
- Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị xâm hại tình dục như thế nào, thưa ông?
Trẻ bị xâm hại thường bộc lộ một số dấu hiệu khác với thường ngày với hy vọng người lớn sẽ bắt được tín hiệu nên cha mẹ sẽ dễ nhận ra những điều đó nếu quan tâm tới con
TS Trần Thành Nam
Trẻ bị xâm hại thường bộc lộ một số dấu hiệu khác với thường ngày với hy vọng người lớn sẽ bắt được tín hiệu nên cha mẹ sẽ dễ nhận ra những điều đó nếu quan tâm tới con.
Những dấu hiệu có thể rất đơn giản từ hành vi lóng ngóng không tự nhiên khi kẻ xâm hại đến gần. Kiếm “cớ” né tránh khi phải đến nhà kẻ xâm hại.
Ngoài ra, tùy theo độ tuổi, trẻ có thể có một số các biểu hiện như:
Mùi cơ thể quá nồng, xây xước quanh miệng hoặc ở vùng riêng tư hoặc vùng kín. Biểu hiện đau rát khi tiểu tiện, viêm nhiễm đường tiết niệu, đái dầm trở lại…
Biểu hiện về cảm xúc như lo âu, hay sợ hãi. Trẻ hay bám chặt bố mẹ, mè nheo khóc lóc quá nhiều, tỏ ra bí mật, cảm xúc thay đổi đột ngột, dễ nổi nóng.
Biểu hiện hành vi không phù hợp như trẻ có thể quá quan tâm đến bộ phận sinh dục của mình hay người khác. Trẻ hay có hành vi động chạm vào hoặc so sánh với bộ phận sinh dục của trẻ khác.
Trẻ đầu têu hoặc xúi bẩy trẻ khác chơi trò chơi giới tính, có những hành vi giới tính không phù hợp như thủ dâm, nhét đồ vật vào hậu môn, âm đạo, phô bày bộ phận sinh dục trong những hoàn cảnh không phù hợp.
Trẻ có xu hướng dùng các từ tục tĩu, kể chuyện, vẽ tranh hoặc nặn đất liên quan đến hành vi tình dục.
- Khi biết trẻ bị xâm hại tình dục, các phụ huynh sẽ phải xử lý như thế nào để không tổn thương đến trẻ nhưng vẫn đưa được những tên tội phạm ra pháp luật?
Khi biết con mình bị xâm hại tình dục, phụ huynh cần ngay lập tức thiết lập một môi trường an toàn cho con, đánh giá để loại trừ tất cả các mối nguy tiềm năng có thể ảnh hưởng đến con.
Bài liên quan
Vì sao nạn nhân bị xâm hại tình dục thường im lặng?
Đề xuất 'thiến hóa học' kẻ xâm hại tình dục trẻ em: Luật sư nói gì?
Cha mẹ cũng cần học cách tự chăm sóc mình để vượt qua cú sốc khi nhận tin để đảm bảo khả năng chăm sóc hỗ trợ con trong thời gian này.
Trong một môi trường an toàn và quan tâm, cha mẹ bắt đầu trao đổi với trẻ theo cách thể hiện mình tin tưởng con và những điều con làm khi tiết lộ là rất dũng cảm. Những điều con làm rất giá trị vì có thể giúp được nhiều người khác.
Cha mẹ cũng có thể giúp trẻ tự động viên mình bằng những câu nói như: "Mọi người đều quan tâm và tin tưởng mình; Mình sẽ vượt qua được chuyện này; Mọi chuyện có thể rất khó chấp nhận lúc đầu nhưng về sau sẽ dễ dàng hơn..."
Tóm lại, bằng một cách nào đó, cha mẹ cần bình thường hóa những phản ứng sau chấn thương của trẻ.
Nếu trẻ không thể tìm thấy sự an toàn trong môi trường thực tế, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tìm đến sự an toàn trong tưởng tượng. Cha mẹ hãy giúp trẻ tưởng tượng ra một khung cảnh an toàn, trẻ được phép bố trí mọi thứ theo ý thích trong không gian tưởng tượng đó.
Được mang vào không gian tưởng tượng bất cứ ai làm trẻ tin tưởng và bình tâm. Quan trọng hơn, nói với trẻ đây là không gian của riêng con, tuyệt đối an toàn vì không ai có thể vào nếu không có sự cho phép của con.
Trẻ sẽ ít có khả năng phát triển các chứng rối loạn tâm thần nếu hiểu rõ logic và chấp nhận câu chuyện vì vậy những buổi tiếp theo cha mẹ cần giúp trẻ tái tổ chức lại câu chuyện về những gì đã xảy ra.
Đây cũng sẽ là những bằng chứng giúp gia đình có thêm thông tin để tố cáo tội phạm.
Cha mẹ có thể cùng chơi với trẻ, yêu cầu trẻ vẽ lại một bức tranh về sự kiện sau đó kể lại câu chuyện (cha mẹ có thể ghi âm).
Trong đó cha mẹ có thể đặt các câu hỏi để định hướng em nhớ lại như: "Điều gì đã xảy ra trước sự cố?; Con đã nhận ra dấu hiệu bất ổn như thế nào? Điều gì đã xảy ra sau đó? Con đã phản ứng như thế nào? Thủ phạm đã làm những gì sau khi kết thúc? Khoảng khắc khủng khiếp nhất là gì?".
Để giảm sự tổn thương và tăng tính trị liệu, cha mẹ có thể yêu cầu trẻ nói thêm như : "Sau tất cả câu chuyện, điều con tự hào nhất là gì? Nếu đây là một câu chuyện, con sẽ muốn cái kết của nó như thế nào?".
Cha mẹ cũng đừng nóng vội, hãy tiến hành vài lần như vậy để cuối cùng có một bản mô tả sự kiện đầy đủ, chính xác và chi tiết nhất.
Video: Mẹ đau đớn kể lại giây phút con gái 8 tuổi bị xâm hại tình dục
Một trong những vấn đề trẻ bị xâm hại hay gặp nhất đó là chất lượng giấc ngủ và ác mộng. Cha mẹ có thể bảo vệ con bằng cách giúp vệ sinh giấc ngủ và kiểm soát ác mộng.
Ví dụ trẻ thường mất ngủ vì sợ các suy nghĩ, hình ảnh xuất hiện trong đầu. Trước khi đi ngủ, cha mẹ yêu cầu con viết các suy nghĩ sợ hãi có thể xuất hiện ra giấy, vo tròn nó lại hoặc xé nó đi (một nghi thức tượng trưng).
Sau đó con tự nhủ giờ sẽ ngủ sâu và nhanh vì những suy nghĩ đáng sợ đã xuất hiện và đã được vứt vào thùng rác rồi.
Với những trẻ gặp ác mộng, trước khi đi ngủ, cha mẹ có thể chơi với con trò đạo diễn phim
TS Trần Thành Nam
Với những trẻ gặp ác mộng, trước khi đi ngủ, cha mẹ có thể chơi với con trò đạo diễn phim. Coi cơn ác mộng như một bộ phim, con sẽ đạo diễn cho một nhân vật anh hùng xuất hiện vào thời điểm đáng sợ nhất để giải cứu tất cả.
Yêu cầu con nhẩm lại kịch bản giấc mơ trước khi đi ngủ và tự nhủ nếu gặp ác mộng thì mình sẽ mơ như vậy.
Đương đầu với những cảm giác sợ hãi khi thức, cha mẹ có thể hướng dẫn và cùng thực hiện với con một số phương pháp gây xao lãng như yêu cầu cháu đeo một sợi dây chun ở cổ tay, mỗi khi có suy nghĩ lo lắng thì kéo căng sợi dây chun và thả ra. Khi cảm thấy đau, trẻ tự nhủ đây là suy nghĩ gây hại và mình sẽ dừng lại.
Cha mẹ cũng có thể hướng dẫn con viết ra những lý do suy nghĩ lo lắng của con có thể xảy ra hoặc sẽ không xảy ra.
Một cách gây xao lãng có hiệu quả khác trẻ có thể sử dụng khi lo lắng là đánh vần tên các thành viên trong gia đình theo thứ tự ngược hoặc suy nghĩ sắp xếp tên các quốc gia trên thế giới mình biết theo thứ tự ABC.
Trẻ cũng có thể có những hành vi né tránh như tránh né các địa điểm, tình huống, con người, âm thanh cụ thể.
Trước tiên, cha mẹ có thể cùng con nhận diện những yếu tố thường gợi lại sang chấn ở trẻ. Giúp trẻ tiếp cận, phơi nhiễm dần với những kích thích gây sợ hãi đó qua trò chuyện, tưởng tượng trước khi thực hiện trên thực tế.
Để làm được những điều này, cha mẹ sẽ cần sự trợ giúp và giám sát của các nhà tâm lý chuyên môn.
Xin cảm ơn ông!
Tiến sĩ Trần Thành Nam, giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên của trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông được đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chuyên sâu về Tâm lý học lâm sàng tại trường Đại học Vanderbilt của Mỹ.