Phụ huynh Thủ đô chung tay trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ

Những ngày qua, sự ra đi của em P.H.A (học sinh lớp 9A1, Trường phổ thông Quốc tế Việt Nam, quận Hà Đông, TP Hà Nội) do bị đuối nước trong giờ học bơi, chỉ một ngày sau đó, một học sinh lớp 7 ở TP Vinh (Nghệ An) cũng bị đuối nước tại bể bơi một trường THPT trên địa bàn khiến nhiều người xót xa. Các sự việc trên như một hồi chuông đáng báo động về thực trạng 'phổ cập bơi' vẫn còn ngổn ngang trên giấy, để rồi những vụ đuối nước thương tâm cứ nối tiếp nhau xảy ra, phần lớn nạn nhân đều là các em trong độ tuổi tới trường.

Chính vì vậy, cho trẻ học bơi là vô cùng cần thiết, bơi lội không chỉ giúp các em phát triển thể chất, tăng chiều cao, kỹ năng vận động, giúp trẻ tự tin hơn mà còn giúp trẻ rèn luyện khả năng tự bảo vệ bản thân trước nguy hiểm khi phải xuống nước. Tuy nhiên chỉ học bơi thôi là chưa đủ, trẻ còn cần được trang bị kỹ năng chống đuối nước. Theo đó, suốt chặng hành trình dài trang bị kỹ năng bơi lội, tự cứu của con trước những mối nguy về đuối nước đều vô cùng gian nan và vất vả. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải có sự kiên trì, nỗ lực cùng nhau biến “phổ cập bơi” trên giấy đi đến thực hành.

Cha mẹ kiên trì - Chuyện có dễ?

Nhận thấy tầm quan trọng của kỹ năng bơi lội, nên ngay từ khi con hơn 3 tuổi, đều đặn mỗi tuần 3 buổi, chị Nguyễn Mai Lan (42 tuổi, quận Đống Đa) lại cho các con của mình tới bể bơi đăng ký lớp bơi “vỡ lòng”.

Chị Lan cho biết, bạn bè của mình sinh sống định cư ở nước ngoài có con cái đều biết bơi từ khi còn rất sớm. Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ có hơn 30% trẻ em từ 6-14 tuổi biết bơi. Do đó, chị muốn 3 con của mình được trang bị đầy đủ về kỹ năng bơi lội, chống đuối nước.

“Trước đây cháu rất sợ bể bơi vì đã có lần bị đuối nước. Điều đó càng thôi thúc tôi phải cho con đi học, giúp con chiến thắng nỗi sợ của chính mình. Sau thời gian học bơi, bé đã có sự tự tin, tận mắt chứng kiến con bơi được các kiểu cơ bản tôi cảm thấy rất hạnh phúc”, chị Lan bày tỏ.

Cũng được gia đình trang bị kỹ năng bơi lội từ sớm, bé út 3,5 tuổi nhà chị Lan trong buổi đi bơi đầu tiên, con rất dạn dĩ và bạo nước.

Cũng được gia đình trang bị kỹ năng bơi lội từ sớm, bé út 3,5 tuổi nhà chị Lan trong buổi đi bơi đầu tiên, con rất dạn dĩ và bạo nước.

Chị Nguyễn Thị Hương Giang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết gia đình chị đầu tư cho con học bơi từ khá sớm bởi anh chị muốn trang bị một kỹ năng sống cơ bản cho con. Nếu con biết bơi ngay từ nhỏ thì khi gặp nguy hiểm dưới nước, con có thể tự cứu sống chính mình hoặc đưa bản thân vào vùng an toàn để nhận được hỗ trợ.

Chị cho biết con gái chị, bé Thanh Nhã (34 tháng tuổi), sau khi học bơi sinh tồn thì thay đổi rất nhiều, con dạn dĩ hơn, tự tin hơn. "Quan trọng nhất là bây giờ con có thể nổi được dưới nước, nằm ngửa vài phút hít thở và nói chuyện; con có thể bơi được 1 đoạn khá xa và không còn hoảng sợ khi xuống nước. Mình thấy sau 9 buổi học bơi sinh tồn thì con trưởng thành hơn rất nhiều", chị Giang chia sẻ.

 Thanh Nhã (34 tháng tuổi) được trang bị kỹ năng bơi lội từ rất sớm, con rất hào hứng đi bơi.

Thanh Nhã (34 tháng tuổi) được trang bị kỹ năng bơi lội từ rất sớm, con rất hào hứng đi bơi.

Cộng đồng phụ huynh đưa con đi học bơi hiện nay đều rất hào hứng và tích cực. Tuy nhiên, sự kiên trì của cha mẹ cũng đồng nghĩa quãng thời gian trong ngày cũng phải được phân chia một cách hợp lý. Từ việc đưa đón con ra bể bơi, ngồi theo dõi từng chuyển động của con, đến hết buổi học cũng phải mất từ 2-3 giờ đồng hồ.

Chị Vũ Hương Giang (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) cho biết gia đình chị coi bơi lội như một thói quen, nên các con của chị đều được học bơi sinh tồn từ sớm, hiện nay các bé đều có thể bơi và bơi rất giỏi. "Nhà chị có ba bạn, mỗi bạn một lịch trình học dày đặc khác nhau, bởi các bé đều thích thể thao và hoạt động. Đều đặn nhiều năm nay, mỗi tuần các bé đều duy trì 3 buổi học bơi, cả mùa đông cũng như mùa hè", chị Giang cho biết.

Bé Phương Linh con của chị Giang năm nay vào lớp 1, nhưng con đã có thâm niên bơi lội được 2,5 năm. Đến nay con đã có thể bơi ếch, bơi sải thành thạo và đạt nhiều thành tích ở các giải thi của câu lạc bộ.

Điều đặc biệt là bé thứ ba nhà chị bị hội chứng bàn chân bẹt, bé sinh non và khá yếu, phải hạn chế vận động. Nhưng từ khi học bơi, sức khỏe của con tốt lên rất nhiều, con khỏe mạnh hơn, dạn dĩ hơn.

"Vợ chồng mình nhiều khi rất mệt mỏi vì đưa đón các con, bởi mỗi đứa mỗi lịch học khác nhau, nhiều khi thèm được ăn cơm sớm và lên nhà nghỉ ngơi thay vì những bữa cơm lúc 20 giờ tối hằng ngày, nhưng vì các con rất thích học, và nhớ lịch học của mình nên hai vợ chồng mình lại cố gắng", chị Giang chia sẻ.

 Bé Phương Linh (áo đen) giành giải 3 Giải bơi Câu lạc bộ Tuổi trẻ năm 2023.

Bé Phương Linh (áo đen) giành giải 3 Giải bơi Câu lạc bộ Tuổi trẻ năm 2023.

 Bé Phương Linh (ngoài cùng bên phải) giành giải 3 Giải bơi Thanh thiếu niên nhi đồng quận Hoàng Mai năm 2023.

Bé Phương Linh (ngoài cùng bên phải) giành giải 3 Giải bơi Thanh thiếu niên nhi đồng quận Hoàng Mai năm 2023.

“Phổ cập bơi” là môn bắt buộc - có khả thi?

Ông Đoàn Minh Trung, Giám đốc tổ chức Swim Việt Nam cho biết, việc “phổ cập bơi” cho học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở ở các thành phố lớn và nông thôn hiện gặp không ít khó khăn, bởi 2 nguyên nhân.

Thứ nhất, về cơ chế, quy định đối với việc sử dụng hồ bơi: Đa phần các trường có hồ bơi nhưng khó vận hành giảng dạy cho học sinh. Nguyên nhân chính do các trường lo ngại về trách nhiệm và rủi ro khi vận hành hồ bơi.

Thứ hai, cách vận hành chương trình dạy bơi gặp khó khăn như: Xử lý nước hồ bơi, nghiệp vụ giáo viên giảng dạy, cách tổ chức, bố trí thời gian học sinh tham gia như thế nào, quản lý và giám sát an toàn khi học sinh tham gia học bơi.

Ông Đoàn Minh Trung, Giám đốc tổ chức Swim Việt Nam nhấn mạnh: "Một em biết kỹ năng bơi lội an toàn là bớt đi một em bị đuối nước". Ảnh nhân vật cung cấp

Ông Đoàn Minh Trung, Giám đốc tổ chức Swim Việt Nam nhấn mạnh: "Một em biết kỹ năng bơi lội an toàn là bớt đi một em bị đuối nước". Ảnh nhân vật cung cấp

Ông Trung cho biết để bơi lội là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là rất khả thi trong tình hình hiện nay, bởi bơi lội giúp các em tự tin hơn khi ở gần môi trường nước. Tuy nhiên biết bơi cũng chưa chắc các em sẽ được an toàn, nên cần trang bị cho các em thêm kiến thức an toàn dưới nước và kỹ năng bơi lội an toàn như: Nổi, đứng nước và các kiểu bơi đơn giản.

Nhìn nhận về sự việc đáng tiếc xảy ra ở trên, ông Trung bày tỏ sự đau lòng và cho biết, không một ai trong chúng ta mong muốn nó xảy ra. Cá nhân ông sẽ không bàn về trách nhiệm hay lỗi thuộc về ai.

"Đối với một người làm trong lĩnh vực giáo dục an toàn nước lâu năm, tôi mong muốn qua sự việc đau lòng này, tất cả chúng ta, đặc biệt là những người đang tham gia trực tiếp vào chương trình giáo dục phòng, chống đuối nước sẽ nhìn nhận lại và ý thức được sự nguy hiểm luôn tiềm ẩn quanh môi trường nước. Chỉ cần một vài giây lơ đễnh sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Một em biết kỹ năng bơi lội an toàn là bớt đi một em bị đuối nước. Chúng ta nên bắt đầu từ nhận thức của cộng đồng, nhằm sớm đưa bơi lội và kỹ năng an toàn vào môi trường học đường", ông Trung nhấn mạnh.

Với 18 năm kinh nghiệm bơi lội chuyên nghiệp, 4 năm là vận động viên đội tuyển bơi lội quốc gia, 5 năm kinh nghiệm dạy bơi sinh tồn, Kiện tướng bơi lội Nguyễn Duy Thiện cho biết: "Độ tuổi thích hợp nhất để học bơi sinh tồn là từ 8 tháng đến 3,5 tuổi. Trẻ được trang bị kỹ năng bơi lội từ sớm sẽ phát triển chiều cao, tăng sự tự tin cũng như tránh được tình trạng đuối nước. Khó khăn lớn nhất trong dạy bơi sinh tồn đó chính là giao tiếp với trẻ, bởi trẻ còn quá nhỏ, nhiều khi khó hợp tác khi thấy người lạ, và thời gian học cũng dài hơn các khóa bơi khác, khoảng từ 20 đến 30 buổi. Đây cũng là một trong những hạn chế bởi không phải phụ huynh nào cũng có thể đồng hành cùng con trong quá trình học bơi".

Kiện tướng bơi lội Nguyễn Duy Thiện hiện giờ đang là huấn luyện viên của hàng trăm em nhỏ ở câu lạc bộ.

Kiện tướng bơi lội Nguyễn Duy Thiện hiện giờ đang là huấn luyện viên của hàng trăm em nhỏ ở câu lạc bộ.

Ngoài ra, huấn luyện viên Phạm Mỹ Anh (Huấn luyện viên tại trung tâm Ilike Fitness, quận Đống Đa) khuyến cáo, yếu tố hàng đầu trong bơi lội là đảm bảo an toàn bơi cho cả học viên và giáo viên. Trẻ chỉ được phép bơi ở những bể an toàn, có người lớn đi cùng, cứu hộ giám sát và được công nhận biết bơi khi có thể bơi được 25m liên tục và tự làm nổi ít nhất 5 phút.

Huấn luyện viên Phạm Mỹ Anh và học trò trong giờ học.

Huấn luyện viên Phạm Mỹ Anh và học trò trong giờ học.

Theo huấn luyện viên Trần Trí Linh (Huấn luyện viên tại trung tâm Ilike Fitness, quận Đống Đa), việc được trang bị các kỹ năng bơi lội sớm sẽ giúp trẻ có phản xạ cần thiết trong các trường hợp nguy hiểm. Hiện các bậc phụ huynh đều rất quan tâm tới trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ. Theo đó, chỉ riêng tại trung tâm Ilike Fitness đang mở 12 lớp dạy bơi cho khoảng hơn 200 trẻ có độ tuổi từ 8 tháng đến 16 tuổi.

Huấn luyện viên Trần Trí Linh và các học viên khởi động trước giờ học.

Huấn luyện viên Trần Trí Linh và các học viên khởi động trước giờ học.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, giai đoạn 2018-2022, Sở đã phối hợp với UBND 30 quận, huyện, thị xã mở 5.397 lớp dạy bơi với 224.692 học sinh tham gia và có 162.912 chứng chỉ bơi được trao.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn cứu hộ, huấn luyện cứu đuối cho cán bộ, hướng dẫn viên các địa phương, góp phần ngăn chặn tai nạn đuối nước, giảm thiểu rủi ro cho người dân, học sinh, sinh viên... nhằm góp phần chung tay “phổ cập bơi” cho con trẻ.

Phụ huynh Thủ đô chung tay trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/phu-huynh-thu-do-chung-tay-trang-bi-ky-nang-boi-loi-cho-tre-740484