Phụ huynh tiếp tục tố trường Phổ thông dân tộc nội trú Quan Hóa tuyển sinh sai quy định

Sau khi Báo Bảo vệ pháp luật đăng tải loạt 3 bài 'Trục lợi chính sách của học sinh miền núi huyện vùng cao biên giới' phản ánh việc hội đồng tuyển sinh của huyện Mường Lát (Thanh Hóa) xét tuyển không đúng đối tượng vào học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Mường Lát; đáng nói, trong số đó có nhiều trường hợp là con, cháu lãnh đạo cấp phòng, hiệu trưởng, giáo viên; mới đây, Phụ huynh học sinh ở huyện vùng cao Quan Hóa tiếp tục gửi đơn tới Báo phản ánh về tình trạng trên cũng xảy ra tại địa phương này.

Từ đơn thư của phụ huynh học sinh ở huyện vùng cao, biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa), phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã tiến hành điều tra, xác minh để làm rõ những nội dung mà bạn đọc cung cấp.

Trường nội trú có ưu ái con giáo viên trong trường?

Tại kỳ xét tuyển học sinh vào lớp 6, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) năm học 2019-2020 có 60 chỉ tiêu, nhưng phụ huynh tố Hội đồng tuyển sinh của huyện này tuyển một nửa trường hợp sai quy định, gây bức xúc cho người dân.

Xin nhắc lại, theo quy định tại Thông tư 01 năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế tổ chức, hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú, nêu rõ: "Nhiệm vụ của trường phổ thông dân tộc nội trú là tuyển sinh đúng đối tượng và chỉ tiêu được giao hàng năm. Đối tượng tuyển sinh là thanh niên, thiếu niên người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành…".

Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Quan Hóa.

Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Quan Hóa.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, trường hợp cháu Đ.T.T, con của bà Đỗ Thị Hồng Thủy, Giáo viên dạy âm nhạc của Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Quan Hóa sinh ra và lớn lên tại khu 4, thị trấn Quan Hóa, theo học tại Trường Tiểu học thị trấn Quan Hóa nhưng lại trúng tuyển vào trường nội trú của huyện năm học 2019-2020.

Tương tự, cháu B.T.N cũng sinh ra và lớn lên tại khu 4, thị trấn Quan Hóa, theo học tại Trường tiểu học Hồi Xuân, bố mẹ đều là giáo viên. Đặc biệt, mẹ cũng là con giáo viên trong Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Quan Hóa. Đó là bà Bùi Như Quỳnh, giáo viên dạy bộ môn Sinh - Hóa. Cháu N. trúng tuyển vào trường nội trú của huyện năm học 2019-2020.

Cháu Đ.M.L, có bố là Đỗ Mạnh Tuấn và mẹ là Nguyễn Thị Thanh Vân, đều là giáo viên Trường Tiểu học Nam Xuân (Quan Hóa). Mặc dù cháu L. sinh ra tại xã Nam Xuân và học lớp 1,2,3 tại Trường Tiểu học Nam Xuân. Tuy nhiên, lớp 4,5 cháu L. đã theo bố mẹ ra khu 4 thị trấn Hồi Xuân sinh sống và theo học lớp 4,5 tại Trường Tiểu học thị trấn Quan Hóa nhưng cháu L. vẫn được trúng tuyển vào trường nội trú của huyện năm học 2020-2021.

Được biết, tại Quyết định 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/4/2017 về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 thì khu 4, thị trấn Quan Hóa không thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Giai đoạn này, đối với thị trấn Quan Hóa chỉ có khu 6 là thuộc vùng đặc biệt khó khăn.

Chiếu theo tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế tổ chức, hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú thì những trường hợp nêu trên đã không đúng vùng tuyển, không phải đối tượng được tuyển sinh vào Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Quan Hóa. Như vậy, việc phản ánh của người dân là có cơ sở. Điều đáng nói, các cháu đều là con của cán bộ giáo viên, thậm chí là giáo viên ngay tại trường nội trú, càng tạo ra bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn.

Ngoài những trường hợp nêu trên, theo tìm hiểu của phóng viên, tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Quan Hóa vẫn còn nhiều học sinh có dấu hiệu được xét tuyển vào lớp 6 năm học 2019-2020 không đúng quy định, trong đó cũng có cháu là con của cán bộ, giáo viên...

Riêng đối với trường hợp cháu Đ.M.L. nói trên, người dân còn phản ánh việc nhà trường đã tắc trách để xảy ra tình trạng "đánh trống ghi tên". Cụ thể, cháu L. có năng khiếu về môn bóng bàn nên đã có thời gian dài (trên 1 năm), cháu thường xuyên đi thi đấu cũng như học tập ngoài Hà Nội; Tuy nhiên, vẫn được lưu danh sách ở trường nội trú và hàng tháng vẫn nhận tiền theo chế độ chính sách của nhà nước.

Người trong cuộc nói gì?

Liên quan đến trường hợp cháu L., phụ huynh Nguyễn Thị Thanh Vân, giáo viên Trường Tiểu học Nam Xuân cho biết: "Con tôi cuối lớp 4 mới chuyển về học Trường Tiểu học thị trấn, trước đó thì học ở Trường Tiểu học Nam Xuân. Gia đình tôi mua nhà từ năm 2019 nhưng chưa chuyển khẩu. Học kỳ II, lớp 7 cháu mới chuyển ra Hà Nội học dự thính và đến đầu lớp 9 thì chuyển hẳn."

Về phía Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Quan Hóa thông tin, học sinh Đ.M.L có tài năng môn bóng bàn, khi đang theo học tại trường thì em có công văn của Trung tập huấn luận Thể dục thể thao ngoài Hà Nội. Vì vậy, nhà trường cũng tạo điều kiện cho em phát triển tài năng, khi ra Hà Nội luyện tập, trung tâm có trách nhiệm liên hệ cho em theo học tại trường THCS ngoài đó, rồi kết quả học tập gửi về, trường nội trú sẽ hoàn tất hồ sơ về học tập cho em.

 Ông Ngô Phi Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Nam Xuân (thời điểm năm học 2019-2020 giữ chức vụ Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Hóa).

Ông Ngô Phi Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Nam Xuân (thời điểm năm học 2019-2020 giữ chức vụ Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Hóa).

Đối với những trường hợp học sinh có dấu hiệu tuyển sinh sai, ông Ngô Phi Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Nam Xuân (thời điểm năm học 2019-2020 giữ chức vụ Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Hóa) cho biết, ông chuyển công tác lâu rồi nên cũng không nhớ, những văn bản không còn lưu giữ nên phải kiểm tra ở trường hoặc Phòng Giáo dục. Việc các cháu T., N., L. nêu trên, xét tuyển có đúng không thì cũng phải xem lại hồ sơ. Tuy nhiên, chỉ tiêu hàng năm giao cho trường nội trú tuyển sinh là 60 em nhưng thường những năm giai đoạn đó không đủ. Vì vậy, Hội đồng tuyển sinh sẽ đề xuất huyện, xin ý kiến để tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Anh Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa nói: "Theo quan điểm cá nhân của tôi thì năm 2019, độ phủ của vùng đặc biệt khó khăn tại Quan Hóa là rất lớn, trong 18 xã thì có tới 16 xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, tôi mới chuyển công tác sang vị trí này nên cũng phải kiểm tra lại để có thông tin chính xác, khi đó sẽ phản hồi lại với cơ quan báo."

 Ông Phạm Anh Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa trao đổi với phóng viên.

Ông Phạm Anh Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa trao đổi với phóng viên.

Trường nội trú không chỉ là nơi học tập mà còn là môi trường sống và rèn luyện cho học sinh đồng bào thiểu số vùng đặc biệt khó khăn. Vì vậy, việc tuyển chọn học sinh vào trường này cần được thực hiện một cách công bằng, minh bạch và nghiêm túc. Phụ huynh học sinh ở huyện Quan Hóa đề nghị cơ quan chức năng huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vào cuộc thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh tại trường này năm học 2019-2020 và trường hợp cháu Đ.M.L trúng tuyển năm học 2020-2021 để thực hiện chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn đúng quy định; đồng thời, trả lời cho người dân được biết, chấm dứt tình trạng đơn thư kéo dài.

Thiết nghĩ, việc xử lý nghiêm sai phạm trong công tác tuyển sinh vào trường nội trú còn phải được kết hợp với việc cải thiện chất lượng giáo dục toàn diện. Khi chất lượng giáo dục được nâng cao, học sinh sẽ có nhiều cơ hội học tập tốt hơn mà không phải tìm mọi cách để vào trường nội trú.

Đinh Huê

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-luat-ban-doc/dieu-tra-theo-don-thu/phu-huynh-tiep-tuc-to-truong-pho-thong-dan-toc-noi-tru-quan-hoa-tuyen-sinh-sai-quy-dinh-161898.html