Phụ huynh trăn trở với bữa ăn học đường

Trước thềm năm học mới, bên cạnh cơ sở vật chất, giáo viên, môi trường giáo dục, nhiều phụ huynh rất quan tâm đến chất lượng bữa ăn học đường.

Bữa ăn nội trú của học sinh ở trường. Ảnh minh họa. NC.

Bữa ăn nội trú của học sinh ở trường. Ảnh minh họa. NC.

Nỗi lo chất lượng bữa ăn học được

Chuẩn bị vào năm học mới, ngoài những lo lắng về trường lớp, cơ sở vật chất, điều khiến chị Lê Diễm Hằng- phụ huynh có con năm nay vào trường tiểu học quận Cầu Giấy (Hà Nội) trăn trở là bữa ăn bán trú cho con.

“Tôi thường xuyên tự tìm hiểu thông tin về năng lực của đơn vị cung cấp bữa ăn cho con. Biết được đó là đơn vị tốt, uy tín, mới có thể nhẹ nhõm yên tâm. Năm nay con lên bậc tiểu học, tôi không biết nhà trường chọn đơn vị cung cấp nào, có đủ độ uy tín hay không? Lựa chọn theo tiêu chí nào? Bữa ăn học đường không chỉ đảm bảo cho học sinh đủ sức khỏe học tập cả ngày ở trường mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài tới học sinh đang ở tuổi ăn tuổi lớn” – chị Hằng bày tỏ.

Những lo ngại, những câu hỏi đặt ra của chị Hằng cũng là điều chị Hoàng Thị Xuân (quận Đống Đa, Hà Nội) - phụ huynh có con năm nay học lớp 3, trăn trở nhiều ngày. “Mỗi năm, nhà trường đều phát phiếu cho phụ huynh tự nguyện đăng ký ăn bán trú cho con em mình. Trong các cuộc họp đầu năm, giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo số tiền phải đóng và tên đơn vị tổ chức bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, thông tin về đơn vị cung cấp bữa ăn chỉ được thông báo lấy lệ. Phụ huynh như chúng tôi không hề biết đơn vị đó là ai hay năng lực của họ ra sao” - chị Xuân chia sẻ.

Những lo lắng, quan ngại của chị Hằng, chị Xuân hay nhiều phụ huynh khác là hoàn toàn có căn cứ. Bởi, mỗi năm học, vẫn còn những trường hợp ngộ độc hay suất ăn lèo tèo, không đảm bảo chất lượng, khiến dư luận xã hội bức xúc, phản ánh.

Chuẩn nhưng thực hiện chưa chuẩn

Năm 2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học; Quyết định số 4280/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh THCS..

Theo hướng dẫn này, thực đơn bữa ăn học đường cần bảo đảm đa dạng thực phẩm, nên đạt tối thiểu trên 10 loại thực phẩm khác nhau, có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó nhóm chất béo là bắt buộc. Thực đơn phải mang tính khả thi, chế biến hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, phù hợp theo quy định, điều kiện của từng cơ sở.

Các trường có thể lựa chọn các hình thức hoạt động của bếp ăn trong trường học như: Bếp ăn do nhà trường trực tiếp quản lý, điều hành; Bếp ăn do đơn vị cung cấp dịch vụ nấu tại trường và cung cấp cho học sinh; đặt suất ăn từ đơn vị cung cấp dịch vụ từ bên ngoài.

Dù đã có các quy định cụ thể về bữa ăn học đường, nhưng để đảm bảo an toàn và dinh dưỡng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng thực phẩm, bảo quản, chế biến và giám sát. Chỉ một mắt xích không đảm bảo có thể gây ảnh hưởng đến cả chuỗi. Ví dụ, việc không tuân thủ mô hình bếp ăn một chiều hoặc nhân viên không đảm bảo vệ sinh có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS-BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký - Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng bữa ăn học đường rất quan trọng đối với sức khỏe trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non và tiểu học khi hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện và dễ bị rối loạn tiêu hóa. Ngoài việc cung cấp năng lượng cho các hoạt động thường ngày, bữa ăn này còn giúp trẻ tăng trưởng chiều cao.

Đức Duy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phu-huynh-tran-tro-voi-bua-an-hoc-duong-post692148.html