Phụ huynh Trung Quốc bị xuất huyết não, trầm cảm vì dạy con học
Khi dạy con trai học bài, người đàn ông 45 tuổi liên tục nóng giận và bị đau đầu.
Ở độ tuổi nào, bài tập về nhà cũng là trở ngại của học sinh lẫn phụ huynh. Nhiều phụ huynh không giữ được bình tĩnh, thậm chí bị rơi vào tình trạng nguy kịch trong quá trình dạy con học.
Xuất huyết não, nhồi máu cơ tim vì con
Sohu dẫn tin tức về trường hợp ông Xia (45 tuổi, ở Ích Dương, Hồ Nam, Trung Quốc) lên cơn đau đầu khi đang dạy con làm bài tập về nhà. Người cha này có tiền sử cao huyết áp 10 năm. Con trai (14 tuổi) có biểu hiện chểnh mảng, không tập trung nên ông rất tức giận mỗi khi dạy học.
Sau nửa tháng gặp tình trạng trên, ông Xia tới viện kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán ông bị xuất huyết não. Gia đình đã chuyển ông đến Bệnh viện Nhân dân số 2 tỉnh Hồ Nam để điều trị. Tại đây, ông Xia được chẩn đoán tụ máu cấp tính thùy chẩm trái và nhồi máu cơ tim.
Sau một thời gian điều trị, bệnh tình của ông Xia thuyên giảm. Tuy nhiên, khi nằm viện, ông luôn lo lắng về việc học của con mình. Điều đó khiến ông ngủ không ngon giấc.
Các bác sĩ kết luận người đàn ông này bị trầm cảm sau đột quỵ. Bệnh rất dễ tái phát, lâu dần sẽ dẫn tới mất ngủ, trầm cảm nặng, nguy hại cho sức khỏe.
Không ít phụ huynh gặp tình trạng như ông Xia. Cuối tháng 9, NY Post đưa tin về ông Liu (45 tuổi, ở Thâm Quyến, Trung Quốc) suýt mất mạng khi dạy con trai học lớp 3 làm toán. Mỗi khi giảng bài, ông bố này không thể giải thích cho con hiểu các công thức, cách làm. Thậm chí, nhiều bài toán đơn giản nhưng phải dạy theo phương pháp dành cho trẻ lớp 3 khiến Liu "bó tay". Điều này khiến ông Liu căng thẳng, ngực trái co giật.
Một lần, ông lên cơn đau ngực dữ dội, khó thở và bất ngờ ngất xỉu. Ngày hôm sau, ông tới khám tại Bệnh viện Nhân dân số 3 (Thâm Quyến). Tại đây, nam bệnh nhân bất ngờ co giật, sùi bọt mép trước khi ngất lần thứ 2. May mắn, người đàn ông này đã được cứu chữa kịp thời.
Qua thăm khám, bác sĩ kết luận ông Liu bị nhồi máu cơ tim, tắc ống động mạch chính. Tình trạng này có thể gây đứt mạch máu não, dẫn đến tử vong. Nguyên nhân của vấn đề này đến từ việc ông Liu quá căng thẳng khi dạy con làm bài tập về nhà. Cảm xúc khiến huyết áp của Liu tăng vọt, tổn thương tới mạch máu và tim.
Tháng 3, Sina cũng đưa tin về trường hợp bà mẹ ở Thượng Hải nhảy cầu vì mâu thuẫn với con trong quá trình dạy kèm tại nhà.
Cách xử trí khi con chậm hiểu
Theo The Asian Parent, tập trung là kỹ năng quan trọng giúp trẻ đạt được kết quả học tập cao nhất. Tuy nhiên, trẻ càng nhỏ càng khó tập trung.
Nghiên cứu đã chỉ ra thời gian trẻ có thể tập trung lâu nhất là 13-20 phút. Trẻ ở độ tuổi mầm non, tiểu học khó làm bài liên tục trong một giờ.
Nhiều trẻ không thích học bài, dễ sa đà vào các thú vui khác như điện thoại, máy tính bảng. Với trường hợp này, phụ huynh nên ra quy định không cho con sử dụng thiết bị điện tử trong giờ học.
Một số trẻ sẽ lấy lý do cần bút, thước kẻ, tập vở, dễ khiến gián đoạn quá trình học. Cha mẹ nên quan sát và chuẩn bị các dụng cụ học tập đầy đủ cho con. Ngoài ra, phụ huynh có thể nhờ trẻ làm một số việc nhà nhằm rèn cho con tính tự giác, tránh ỷ lại.
Khi học bài, một số trẻ mắc “bệnh cao su”. Cha mẹ không nên chỉ trích hay quát mắng con, thay vào đó, có thể đưa một số phần thưởng để trẻ tích cực, tăng tốc độ. Phụ huynh nên cùng con giao hẹn, thiết lập quy ước, rèn cho trẻ tính cam kết, trách nhiệm.
Việc đặt mục tiêu cho trẻ đóng vai trò quan trọng. Chẳng hạn, khi làm xong bài tập trong thời gian quy định, trẻ sẽ được chơi ván game nhỏ hay xem video. Điều này giúp các con hứng khởi hơn, rèn tính kỷ luật, nỗ lực để chinh phục mục tiêu.
Ngoài ra, đọc sách cho con nghe mỗi ngày cũng là một cách rèn cho trẻ thói quen tập trung lâu hơn thông qua các câu chuyện hấp dẫn. Xen kẽ với các hoạt động đọc, học bài là thời gian nghỉ ngơi, vận động.
Cha mẹ nên tránh việc phàn nàn bài tập nhiều hay khó. Bởi điều này dễ ấn định tâm lý ngại cho trẻ khi chưa bắt đầu học. Nhiều phụ huynh mất kiên nhẫn thường chọn cách làm bài tập hộ con. Điều này là không nên. Chúng ta nên khuyến khích con chinh phục các bài toán khó, thử thách, rèn tính kiên trì. Nếu con gặp trở ngại, cha mẹ có thể dùng một số gợi ý nhỏ nhưng không nên chọn cách làm thay.
Khi con có ý kiến và phản biện riêng, phụ huynh nên tôn trọng quan điểm của trẻ thay vì chỉ trích và ngay lập tức phản bác. Chúng ta nên tìm cách giảng giải cho con hiểu, tìm ra lý do trẻ làm sai để xử lý tận gốc vấn đề.