Phủ kín mạng lưới cấp nước sạch, xây dựng đô thị văn minh

Với mục tiêu 100% số hộ dân được sử dụng nước sạch, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đang nỗ lực mở rộng hệ thống cấp nước đến những vùng xa nhất Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là địa bàn huyện Cần Giờ cũ, nơi giao thông còn nhiều cách trở.

Học sinh Trường tiểu học Lý Nhơn, xã An Lợi Đông sử dụng nước máy của thành phố, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt ổn định và an toàn.

Học sinh Trường tiểu học Lý Nhơn, xã An Lợi Đông sử dụng nước máy của thành phố, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt ổn định và an toàn.

Cùng với đó, Sawaco đã triển khai hệ thống trụ nước uống tại vòi đặt ở khu vực trung tâm, phục vụ người dân và du khách, góp phần xây dựng hình ảnh đô thị hiện đại, thân thiện và tiện ích.

Từ nỗ lực đưa nước sạch về vùng sâu...

Hơn 10 năm qua, Sawaco đã kiên trì đầu tư thay thế, mở rộng mạng lưới cấp nước tại các khu vực chưa có hệ thống ống dẫn hoặc sử dụng nước qua các trạm cấp nước vệ tinh tại huyện Cần Giờ cũ. Đến nay, hơn 200 km đường ống đã được triển khai tại các xã Bình Khánh, Cần Giờ, An Thới Đông, Thạnh An, góp phần bảo đảm cung cấp nước sạch ổn định cho hàng nghìn hộ dân.

Ông Ngô Văn Tặng, ngụ ấp 4, xã An Thới Đông vui mừng chia sẻ: “Từ 6 tháng nay, nước máy đã về tận nhà, áp lực mạnh và ổn định, tôi không còn phải mua nước giá cao từ xe bồn hay lấy qua đồng hồ tổng như trước. Giờ đây, gia đình tôi trả tiền nước theo đúng giá quy định của thành phố, không còn lo hao hụt”.

Không chỉ các hộ dân, nhiều đơn vị giáo dục cũng hưởng lợi từ hệ thống nước sạch được đầu tư bài bản. Trường mầm non Lý Nhơn (xã An Thới Đông) với gần 150 cô trò trước đây phải mua nước với giá 70.000 đồng/m³ từ xe bồn, nay đã có nước máy trực tiếp với áp lực ổn định. “Chi phí sinh hoạt giảm rõ rệt, không còn cảnh thiếu nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày như trước đây”, đại diện Ban giám hiệu nhà trường cho biết.

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân xã Bình Khánh, điều kiện địa lý Cần Giờ vốn đặc thù, địa bàn rộng, dân cư thưa, hệ thống kênh rạch chằng chịt, giao thông hạn chế khiến cho việc bao phủ mạng lưới cấp nước gặp không ít khó khăn. Trước năm 2011, nguồn nước chủ yếu được vận chuyển bằng sà-lan và bơm vào các trạm cấp nước vệ tinh, nhưng vài năm trở lại đây, nhờ hệ thống ống dẫn đồng bộ và lắp đặt đồng hồ nước đến từng hộ, nước sạch đã thật sự đến với người dân vùng sâu.

Ông Trần Văn Túc, Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ cho biết: “Tính đến tháng 6/2025, Xí nghiệp đã cấp nước sạch cho hơn 6.000 hộ dân tại bốn xã thông qua đồng hồ tổng của năm trạm vệ tinh. Trong đó, khoảng 6.000 đồng hồ nước thông minh đã được lắp đặt ở những khu vực có hệ thống cấp nước do xí nghiệp quản lý ”.

Bên cạnh đó, ba trạm bơm tăng áp đã được đưa vào vận hành nhằm tăng cường áp lực nước cho các khu vực xa. Sawaco cũng triển khai hệ thống đo đếm từ xa, cho phép người dân theo dõi lượng nước sử dụng qua ứng dụng điện thoại, đồng thời mở rộng các kênh thu tiền nước qua đối tác thu hộ, giúp khắc phục khoảng cách giữa các xã và văn phòng giao dịch, có nơi cách xa đến 30 km.

Đáng chú ý, Sawaco đang lên phương án đầu tư hệ thống cấp nước máy trực tiếp cho xã đảo Thạnh An, địa phương có hạ tầng hạn chế nhất tại Cần Giờ, đây được xem là bước tiến quan trọng, góp phần bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch bình đẳng cho người dân vùng sâu, vùng xa.

...Đến uống nước tại vòi

Không chỉ mở rộng mạng lưới đến vùng sâu, Sawaco còn tiên phong ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý và nâng cao trải nghiệm của người dân. Một trong những giải pháp được triển khai hiệu quả là lắp đặt đồng hồ nước thông minh, cho phép đơn vị cấp nước giám sát lưu lượng sử dụng từ xa, cảnh báo rò rỉ, thất thoát và giúp khách hàng theo dõi chỉ số nước dễ dàng.

Phó Tổng Giám đốc Sawaco Bùi Thanh Giang cho biết: “Chúng tôi đã thí điểm gắn hơn 40.000 đồng hồ nước thông minh tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, trong đó có các xã tại huyện Cần Giờ. Dữ liệu từ đồng hồ được truyền về trung tâm, giúp cải thiện hiệu quả quản lý và phục vụ khách hàng”.

Cùng với đó, nhằm nâng cao chất lượng sống và lan tỏa hình ảnh thành phố hiện đại, ngành cấp nước thành phố đã lắp đặt các trụ nước uống tại vòi tại nhiều địa điểm công cộng. Hiện tại đã có chín trụ được lắp tại các điểm, trong đó có: Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Vòng xoay Công trường Quốc tế, Bệnh viện Mắt thành phố…

Theo ghi nhận tại trụ đặt trong khuôn viên Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, trụ nước thường xuyên có đông khách du lịch tiếp cận sử dụng. Một hướng dẫn viên du lịch nhận xét: “Dù trụ nước không lớn, không quá phô trương, nhưng lại thể hiện sự chu đáo, quan tâm đến nhu cầu cơ bản của người dân và du khách; điều này góp phần xây dựng hình ảnh thành phố hiếu khách, văn minh và hiện đại”.

Các trụ nước uống tại vòi đều được quản lý bằng phần mềm, có QR code để tra cứu thông tin và giám sát chất lượng nước. Định kỳ hằng tháng hoặc quý, các chỉ số vi sinh đều được kiểm tra theo quy chuẩn. Thời gian tới, Sawaco sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các khu dân cư như phường Tân Hưng, chung cư Hà Đô (phường Hòa Hưng) và nhiều địa điểm khác.

Việc cấp nước sạch đến từng hộ dân không chỉ là trách nhiệm an sinh mà còn là biểu tượng của sự phát triển bền vững. Mạng lưới cấp nước không còn là đường ống, là van khóa, mà đang trở thành một phần của “hạ tầng sống”, nơi bảo đảm điều kiện sống tối thiểu và văn minh cho người dân, ở cả vùng trung tâm lẫn vùng sâu, vùng xa.

Việc triển khai nước uống tại vòi, hệ thống đồng hồ thông minh và nền tảng quản lý số là minh chứng cho cách làm đổi mới, sáng tạo, lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Những nỗ lực của ngành cấp nước thành phố không chỉ nâng cao chất lượng sống, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh một đô thị văn minh, nơi từng giọt nước đều mang theo tinh thần sẻ chia, tiện ích và phát triển bền vững.

Bài và ảnh: QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phu-kin-mang-luoi-cap-nuoc-sach-xay-dung-do-thi-van-minh-post892340.html