Phú Lũng khó khăn trong duy trì các tiêu chí Nông thôn mới

BHG - Phú Lũng là xã biên giới đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) và là xã thứ hai của huyện Yên Minh được công nhận trong giai đoạn 2015 – 2020. Tuy nhiên đến nay, một số tiêu chí NTM không đạt theo bộ tiêu chí mới.

Người dân xã Phú Lũng làm đường bê tông nông thôn.

Người dân xã Phú Lũng làm đường bê tông nông thôn.

Qua hơn 10 năm xây dựng NTM và được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017, bộ mặt nông thôn ở Phú Lũng đã thực sự đổi khác, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nâng lên đáng kể: 100% đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 81% đường thôn và liên thôn được cứng hóa, 85% đường ngõ, xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm; 98,2% số hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 13/13 thôn có nhà văn hóa, có điểm vui chơi và đạt danh hiệu làng văn hóa; trên 70% lao động nông thôn được đào tạo, 28,3% có bằng cấp, chứng chỉ nghề; tỷ lệ huy động trẻ 6 – 14 tuổi đi học đạt 98%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; 95,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 98,6% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; 74,2% số hộ có 3 nhà tắm, nhà tiêu, thiết bị chứa nước sinh hoạt đảm bảo 3 sạch. Đặc biệt trên 90% số hộ có nhà ở đạt tiêu chí nhà ở nâng cao, đảm bảo “cứng nền, cứng tường, cứng mái”, là xã biên giới duy nhất của tỉnh hiện đạt tiêu chí này.

Cán bộ xã kiểm tra mô hình hỗ trợ lợn tạo sinh kế cho người dân thôn Páo Cờ Tủng

Cán bộ xã kiểm tra mô hình hỗ trợ lợn tạo sinh kế cho người dân thôn Páo Cờ Tủng

Tuy nhiên, theo rà soát, hiện xã Phú Lũng chỉ còn đạt 15/19 tiêu chí NTM. Các tiêu chí không đạt là: Thu nhập; Hộ nghèo; Giáo dục và đào tạo; Y tế. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2022 đạt 29,6 triệu đồng/người/năm, trong khi theo bộ tiêu chí mới, thu nhập bình quân cần đạt từ 39 triệu đồng/người trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo hiện là 27,17%, để đạt chuẩn là từ 13% trở xuống. Trong tiêu chí Giáo dục và đào tạo, tiêu chí thành phần về đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề của xã chưa đạt. Tiêu chí Y tế có 2 tiêu chí thành phần là tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao, cân nặng) và tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử cũng chưa đạt.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lũng Hầu Mí Chơ cho biết: Khó thực hiện nhất vẫn là 2 tiêu chí Thu nhập và Hộ nghèo. Bởi theo chuẩn nghèo đa chiều 2022, ở khu vực nông thôn, hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên thì là hộ nghèo. Với chuẩn nghèo cũ là 700 nghìn đồng/người/tháng. Như vậy chuẩn nghèo mới đã cao hơn 2,15 lần so với trước đây. Trong 3 năm đại dịch Covid – 19 bùng phát, số lao động đi làm việc ngoại tỉnh và qua biên giới hầu hết trở về địa phương, thu nhập giảm sâu, khiến tỷ lệ hộ nghèo tăng.

Vợ chồng ông Mua Mí Thào, thôn Mẻo Ván không thể đi làm việc ngoại tỉnh từ khi dịch Covid - 19 bùng phát khiến thu nhập giảm.

Vợ chồng ông Mua Mí Thào, thôn Mẻo Ván không thể đi làm việc ngoại tỉnh từ khi dịch Covid - 19 bùng phát khiến thu nhập giảm.

Xã Phú Lũng sau khi công nhận đạt chuẩn đã được chuyển từ vùng III về vùng I, các nguồn đầu tư, hỗ trợ bị cắt giảm. Đặc biệt là nguồn lực từ chương trình xây dựng NTM để duy trì và nâng cao các tiêu chí rất hạn chế. Những năm gần đây, xã chủ yếu được hỗ trợ xi măng làm đường bê tông theo hình thức “Nhà nước và nhân dân” cùng làm. Không những thế, hiện các chế độ hỗ trợ học sinh ở bán trú của các trường cũng không còn. Những học sinh nhà xa, ở lại trường buổi trưa các gia đình phải đóng góp kinh phí để nhà trường tổ chức nấu ăn cho các em. Đây là một khoản chi tiêu lớn đối với các hộ. Đây là những khó khăn hiện hữu của xã trước mục tiêu giữ vững các tiêu chí NTM.

Để các tiêu chí NTM đạt theo bộ tiêu chí mới, đặc biệt là thu nhập và hộ nghèo, xã Phú Lũng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đi làm việc ngoài tỉnh khi dịch Covid – 19 được kiểm soát. Hiện, toàn xã có gần 400 lao động đang đi làm việc ngoài tỉnh. Ngoài ra, huyện Yên Minh đã hỗ trợ kinh phí cho một HTX chăn nuôi, tổng hợp phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương; hỗ trợ 2 mô hình trồng trọt và chăn nuôi; sửa chữa nhà lớp học Trường Mầm non xã. Năm 2022 và 2023, huyện phê duyệt hỗ trợ mô hình chăn nuôi lợn sinh sản cho 15 hộ dân và làm đường bê tông thôn Páo Cờ Tủng theo Chương trình phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho 27 hộ và trên 900 triệu cho hộ nghèo của 6 thôn trên địa bàn, 1 công trình điện thôn Sủng Lìn… từ nguồn Chương trình giảm nghèo bền vững. Đối với 2 tiêu chí Giáo dục và đào tạo, Y tế xã đang rất cần huyện Yên Minh tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ, lồng ghép các nguồn lực để đạt chuẩn theo tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025.

Bài, ảnh: Lương Hà

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202304/phu-lung-kho-khan-trong-duy-tri-cac-tieu-chi-nong-thon-moi-67d3111/