Phú Mỹ - Biên khu quân và dân anh hùng

Ngày 15/5, dưới cái nắng bỏng rát trên biên khu Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, đoàn công tác Hội Nhà báo Hà Nội cùng các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn thắp nén nhang thơm tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, thăm Mẹ Việt Nam anh hùng, nâng đỡ thăm hỏi con em đồng bào còn khó khăn.

Các nhà báo của Hội Nhà báo Hà Nội cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) làm lễ tri ân trước Đài Tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ. Ảnh: TTH

Các nhà báo của Hội Nhà báo Hà Nội cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) làm lễ tri ân trước Đài Tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ. Ảnh: TTH

Trước Đài Tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ. Ảnh: TTH

Trước Đài Tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ. Ảnh: TTH

Trên biên giới Tây Nam của Tổ quốc, con sông Giang Thành chảy quanh co có đoạn trùng lên đường biên giới. Trước đây cả khu vực này là rừng dừa nước, đầm lầy và rừng tràm. Ngày nay, thay vào đó là những vuông tôm, thửa ruộng, xóm ấp san sát bình yên của nhân dân xã Phú Mỹ anh hùng.

Cả biên khu gồm 2 xã biên giới Phú Mỹ, Phú Lợi của huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang gối lên những trang sử hào hùng cuộc chiến bảo vệ biên giới. Hiện, Đài Tưởng niệm liệt sĩ vẫn là công trình thiêng liêng kế bên Đồn Biên phòng Phú Mỹ được cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thường xuyên chăm sóc, khói nhang.

Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội Tô Quang Phán cùng đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ, cán bộ lãnh đạo, Công an xã Phú Mỹ, Phú Lợi làm lễ tưởng niệm và kính cẩn thắp nhang tri ân các liệt sĩ.

Cụm tượng đài màu trầm đỏ, ghi tên các liệt sĩ lẫn vào trong bóng cây champa đang rộ mùa hoa thơm ngát. Tại đây, vào những ngày lễ trọng, ngày truyền thống thì bộ đội và nhân dân khắp cả nước vẫn thường tới đây kính lễ, thắp nhang tưởng niệm các liệt sĩ.

Khuôn viên trước Đài tưởng niệm được coi là địa chỉ đỏ, nơi tụ họp các hội, đoàn thể, nơi học sinh, sinh viên đến học tập truyền thống, rèn luyện tu dưỡng ý chí. Phú Mỹ từ lâu đã trở thành điểm đến truyền thống, văn hóa đầy tự hào của đất phương Nam.

Vùng biên Phú Mỹ khắc sâu công ơn các liệt sĩ đã hy sinh cho biên khu thanh bình hôm nay. Ảnh: TTH

Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội Tô Quang Phán và đoàn công tác thắp nhang tri ân liệt sĩ. Ảnh: TTH

Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội Tô Quang Phán và đoàn công tác thắp nhang tri ân liệt sĩ. Ảnh: TTH

Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ chia sẻ: "Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ rất đỗi tự hào về truyền thống anh hùng của đơn vị. Kế tục sự nghiệp bảo vệ lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, chúng tôi nỗ lực không ngừng học tập, rèn luyện toàn diện, phối hợp với địa phương ổn định địa bàn, xây dựng đời sống kinh tế mới. Mỗi lần có đoàn công tác từ khắp nơi về đây tri ân các liệt sĩ và chia sẻ, quân và dân địa bàn đều vui lắm, xúc động và tự hào...".

Đoàn công tác Hội Nhà báo Hà Nội, báo Lao động thủ đô tặng Mẹ Việt Nam anh hùng Thị Hol 10 triệu đồng. Ảnh: TTH

Đoàn công tác Hội Nhà báo Hà Nội, báo Lao động thủ đô tặng Mẹ Việt Nam anh hùng Thị Hol 10 triệu đồng. Ảnh: TTH

Đoàn công tác đã tới thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Thị Hol - Bà mẹ người Khmer sinh năm 1939 tại ấp Tà Teng, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, Kiên Giang có chồng và con trai là liệt sĩ.

Trao đổi với lãnh đạo, đại diện các đoàn thể của xã Phú Lợi, các nhà báo Hà Nội đã hỏi thăm, động viên tình hình đời sống của đồng bào vùng biên, thu nhận các thông tin đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, công tác đảm bảo chính sách, y tế, giáo dục cơ bản cho đồng bào vùng biên.

Đoàn công tác Hội Nhà Báo Hà Nội cũng đã tặng học bổng cho các học trò nhỏ - con nuôi của Đồn Biên phòng Phú Mỹ. Các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, được đồn biên phòng nhận đỡ đầu, phụ cấp hằng tháng nhằm giúp các em theo học cho tương lai phụng sự bản làng, quê hương.

Đoàn công tác Hội Nhà báo Hà Nội tặng học bổng cho các con nuôi Đồn biên phòng Phú Mỹ. Ảnh: TTH

Đoàn công tác Hội Nhà báo Hà Nội tặng học bổng cho các con nuôi Đồn biên phòng Phú Mỹ. Ảnh: TTH

Diện mạo biên khu Phú Mỹ, Phú Lợi thay đổi khang trang hơn ở huyện Giang Thành, Kiên Giang. Ảnh: TTH

Diện mạo biên khu Phú Mỹ, Phú Lợi thay đổi khang trang hơn ở huyện Giang Thành, Kiên Giang. Ảnh: TTH

Đồn Công an nhân dân vũ trang 829 chính thức được thành lập năm 1976, đóng chân ở ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ, giữa lúc chiến sự căng thẳng ở biên giới Tây Nam cũng chính là Đồn Biên phòng Phú Mỹ ngày nay. Cán bộ, chiến sĩ Đồn 829 lúc đó đã hiệp đồng tác chiến với lực lượng địa phương, ghi nhiều chiến công cầm cự tới lui với giặc từ bên kia biên giới tràn sang, mặc dù đồn mới chỉ thành lập được hơn 1 năm.

Cho đến năm 1978, tình hình biên giới căng thẳng và ác liệt hơn, cán bộ, chiến sĩ Đồn 829 đã dũng cảm chiến đấu, cùng với du kích xã giành giật với địch từng bờ đê, thửa ruộng, hàng cây, quyết không để địch giày xéo lên đất quê hương, đặc biệt là bảo vệ đồn, trạm, nhân dân biên giới.

Ngày 17/5/1978, Đồn 829 đã mất liên lạc với cấp trên nên 30 cán bộ, chiến sĩ đã kết thành khối hừng hực lửa căm thù thề sống chết với địch, không rút lui. Đến 12 giờ ngày 17/5, hết đạn dược, anh em dương lê chờ địch đến gần đánh giáp lá cà cho đến 12 giờ 15 phút cùng ngày, toàn bộ 30 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

Ngày 8/3/1979, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Đồn 829 về thành tích chiến đấu chống Pôn Pốt - Iêng sa ri. Tháng 12/1979, Đồn 829 đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân vũ trang "Bám trụ kiên cường, lập công xuất sắc" để bảo vệ biên cương Tổ quốc trong trận chiến đấu ngày 17/5/1978 trở thành bất tử ở Phú Mỹ.

TTH

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/phu-my-bien-khu-quan-va-dan-anh-hung-179230515141259607.htm