Phụ nữ Brazil biểu tình phản đối dự luật đánh đồng việc phá thai với tội giết người

Hàng nghìn người vào thứ Bảy đã biểu tình khắp Brazil để phản đối dự luật nghiêm khắc về phá thai. Nếu được thông qua, luật này sẽ coi việc phá thai sau 22 tuần tương đương với tội giết người.

Dự luật do các nhà lập pháp bảo thủ đề xuất và đang tiến tới cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Brazil, cũng sẽ áp dụng trong các trường hợp phá thai sau khi bị hiếp dâm. Các nhà phê bình cho rằng những người tìm cách phá thai muộn phần lớn là do nạn nhân hiếp dâm trẻ em gây nên, do họ phát hiện mang thai muộn hơn.

 Hình ảnh cuộc biểu tình. Ảnh: AP

Hình ảnh cuộc biểu tình. Ảnh: AP

Nhằm kêu gọi phản đối, các nhóm quyền lợi đã tạo ra chiến dịch ‘Một đứa trẻ không phải là một người mẹ’ lan truyền trên mạng xã hội. Biểu ngữ, băng rôn với khẩu hiệu này tràn ngập các cuộc biểu tình. Hình ảnh phụ nữ mặc áo choàng đỏ so sánh Brazil với Gilead, chế độ thần quyền trong tiểu thuyết “Chuyện người hầu gái” của Margaret Atwood.

Khoảng 10.000 người, chủ yếu là phụ nữ, đã tràn ngập nhiều dãy phố của đại lộ chính ở Sao Paulo vào chiều thứ Bảy, theo ước tính của ban tổ chức. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất từ trước đến nay, sau các sự kiện ở Rio de Janeiro, Brasilia, Florianopolis, Recife, Manaus và các thành phố khác. Nhiều người mặc đồ và khăn quàng màu xanh lá cây, hình ảnh thường thấy trong các cuộc vận động quyền phụ nữ ở khắp châu Mỹ Latinh.

Marli Gavioli, 65 tuổi, đã kiềm chế không tham gia biểu tình kể từ những cuộc biểu tình thập niên 1980 kêu gọi chấm dứt chế độ độc tài quân sự, nhưng bà nói với AP rằng bà quá phẫn nộ và không thể ở nhà.

“Tôi không thể đứng ngoài chuyện này, nếu không tôi sẽ hối hận quá nhiều. Chúng ta đang bị đánh từ mọi phía, chúng ta là phụ nữ. Đã đến lúc chúng ta phải hành động”, bà nói.

Brazil chỉ cho phép phá thai trong các trường hợp bị hiếp dâm, có nguy cơ rõ ràng đối với tính mạng của người mẹ hoặc thai nhi có não chưa hoạt động. Ngoài những ngoại lệ đó, bộ luật hình sự của Brazil áp đặt từ một đến ba năm tù giam cho phụ nữ phá thai. Một số phụ nữ Brazil bay ra nước ngoài để phá thai.

Nếu dự luật trở thành luật, án phạt sẽ tăng lên từ 6 đến 20 năm khi phá thai sau 22 tuần. Các nhà phê bình cho rằng điều đó có nghĩa là những kẻ hiếp dâm bị kết án có thể nhận án phạt nhẹ hơn so với nạn nhân của họ.

Các chuyên gia cho rằng tiếp cận muộn với phá thai phản ánh sự bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe. Trẻ em, phụ nữ nghèo, phụ nữ da đen và những người sống ở vùng nông thôn đặc biệt có nguy cơ.

Theo Diễn đàn An toàn Công cộng Brazil, 61,4% trong số 74.930 người là nạn nhân của hiếp dâm ở Brazil vào năm 2022 là dưới 14 tuổi. Figueiredo cho biết việc mang thai ở trẻ em thường chỉ được phát hiện sau 22 tuần.

Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva phát biểu tại G7 ở Ý rằng: “Tôi có năm đứa con, tám cháu và một chắt. Tôi chống lại phá thai. Tuy nhiên, vì phá thai là một thực tế, chúng ta cần coi đó là vấn đề sức khỏe cộng đồng”, ông nói. “Và tôi nghĩ rằng thật điên rồ khi ai đó muốn trừng phạt một người phụ nữ với bản án dài hơn so với kẻ phạm tội hiếp dâm”.

Các phong trào nữ quyền đã đạt được động lực ở châu Mỹ Latinh trong những năm gần đây và mang lại nhiều chiến thắng liên tiếp cho các nhà vận động quyền phá thai.

Tòa án Tối cao Colombia đã hợp pháp hóa phá thai vào năm 2022, sau phán quyết mang tính đột phá tương tự của Mexico. Quốc hội Argentina đã hợp pháp hóa phá thai vào năm 2020 và vài năm trước đó Chile đã bãi bỏ lệnh cấm nghiêm ngặt.

Eduarda Isnoldo, một giáo viên tiếng Anh 27 tuổi, nói trong nước mắt tại cuộc biểu tình ở Sao Paulo: “Chúng ta đang tụt hậu về vấn đề này và cần phải đấu tranh để tiến bộ. Khi nhận ra rằng quyền của mình có thể bị tước đoạt dễ dàng như vậy, thật không thể nào im lặng”.

Cao Phong (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phu-nu-brazil-bieu-tinh-phan-doi-du-luat-danh-dong-viec-pha-thai-voi-toi-giet-nguoi-post299560.html