Phụ nữ chỉ tự do khi được là chính mình

TS Khuất Thu Hồng cho rằng phụ nữ bị gán cho hai từ 'thiên chức', chịu nhiều định kiến. Nhà văn Trang Hạ nói phong trào nữ quyền đôi khi chỉ ở lời nói mà chưa thành hành động.

Tự Lực văn đoàn với vấn đề phụ nữ ở nước ta là cuốn sách được biên soạn bởi nhóm chuyên gia thuộc Viện Văn học Việt Nam. Tác phẩm thuộc tủ sách Phụ nữ tùng thư của Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ Việt Nam, đang được ghi nhận tích cực từ độc giả và giới chuyên môn.

Nhân dịp sách ra mắt, tọa đàm “Một thế kỷ phong trào phụ nữ Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Chương trình có sự tham gia của TS Đoàn Ánh Dương - nhà nghiên cứu thuộc Viện Văn học Việt Nam, TS Bùi Trân Phượng - nguyên Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, nhà quản lý và nghiên cứu giáo dục, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, NSƯT Trần Ly Ly - Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, nhà văn Trang Hạ.

 Một số ấn phẩm trong tủ sách Phụ nữ tùng thư của NXB Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Liên Giang.

Một số ấn phẩm trong tủ sách Phụ nữ tùng thư của NXB Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Liên Giang.

Sự phát triển ý thức nữ quyền

Vấn đề phụ nữ nổi lên như một chủ điểm quan trọng ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, khi Việt Nam giao lưu tiếp xúc thế giới phương Tây. Ảnh hưởng các phong trào đấu tranh đòi quyền phụ nữ và nữ quyền trên thế giới, phong trào phụ nữ Việt Nam cũng sinh thành, phát triển và tạo được ảnh hưởng xã hội rộng lớn.

Nhà văn Trang Hạ đã ví von: “Nếu so sánh thế kỷ XX như một phụ nữ, chắc chắn cô gái này thật phức tạp. Trong 20 năm đầu, cô được dạy dỗ một cách rất truyền thống, sau đó phải nếm trải những khó khăn của thời bao cấp. Cô ấy còn bị giằng co giữa vai trò, khát vọng và hàng loạt giá trị khác, để rồi 20 năm cuối cùng bị bỏ rơi khi mọi thứ đều lao vào thế kỷ XXI. Dường như, cô ấy đã sống cuộc đời thật nhiều mâu thuẫn".

Giải thích vì sao phải đấu tranh cho nữ quyền thời điểm đó, TS Bùi Trân Phượng cho biết: “Đơn giản vì nữ quyền thời đó không được bảo đảm. Bên cạnh chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo còn có những vấn đề mới của thời đại. Dưới chế độ kinh tế đương thời, người phụ nữ chịu thêm nhiều gánh nặng khác như nghề truyền thống không còn đem lại thu nhập như trước, khiến người phụ nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội, trong khi phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của họ”.

Những phụ nữ nổi tiếng đấu tranh cho nữ quyền thời bấy giờ là bà Huỳnh Thị Bảo Hòa, Đạm Phương, Phan Thị Bạch Vân, Nguyễn Kim…

Bên cạnh những rào cản và thách thức, chế độ Pháp thuộc thời kỳ đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển làn sóng đấu tranh nữ quyền mạnh mẽ như là chữ Quốc ngữ được lan tỏa rộng rãi mọi tầng lớp trong xã hội và được thụ hưởng nền giáo dục công lập lần đầu tiên phụ nữ được đi học.

Theo TS Đoàn Ánh Dương, ý thức về nữ quyền ở Việt Nam đã phát triển đến mức như một phong trào chính trị xã hội. Điều này có được một phần do nước ta thời đó không có điều kiện để xây nhiều trường nam sinh và nữ sinh như mong muốn của thực dân Pháp.

Việc nữ sinh được học tập và hoạt động xã hội như nam sinh đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho phụ nữ Việt Nam phát triển và ý thức về nữ quyền.

Liên hệ tới nhóm Tự Lực văn đoàn - những người phác họa hình ảnh phụ nữ một cách đẹp đẽ và tích cực trong văn học Việt Nam - TS Đoàn Ánh Dương cho rằng nhóm văn chương này quan tâm đến phụ nữ vì độc giả của nhóm chủ yếu là phụ nữ và thanh niên, độc giả của văn học lãng mạn, từ đó hướng đến vấn đề cải cách xã hội, đấu tranh cho quyền phụ nữ.

 Từ trái qua: MC Trang Hạ, NSƯT Trần Ly Ly, TS Khuất Thu Hồng, TS Bùi Trân Phượng, TS Đoàn Ánh Dương tại tọa đàm. Ảnh: Liên Giang.

Từ trái qua: MC Trang Hạ, NSƯT Trần Ly Ly, TS Khuất Thu Hồng, TS Bùi Trân Phượng, TS Đoàn Ánh Dương tại tọa đàm. Ảnh: Liên Giang.

Phụ nữ Việt Nam đương đại

Trả lời cho câu hỏi về “thiên chức” của người phụ nữ trong thời đại ngày nay, TS Khuất Thu Hồng cho biết thời chiến, phụ nữ Việt Nam được thể hiện trong 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất trong chiến tranh, làm hậu phương vững chắc góp phần thắng lợi cho dân tộc. Đến ngày nay, khẩu hiệu vẫn còn được nhắc mãi, như nhắc nhở phụ nữ phải luôn trung hậu, đảm đang, làm vợ đảm, mẹ hiền đúng như hai từ “thiên chức” gán cho họ. Họ không chỉ phải gánh trọng trách trong gia đình mà còn phải có trách nhiệm đối với xã hội.

Tại buổi tọa đàm, NSƯT Trần Ly Ly cũng có những chia sẻ thú vị về "tính nữ” thông qua thế hệ của chị: “7X là một thế hệ bản lề, một con người bản lề và sống một cuộc sống bản lề. Một thế hệ đầy những suy nghĩ, trăn trở trước ngã rẽ của thời cuộc, khó khăn đưa ra sự lựa chọn của riêng mình và đầy những mâu thuẫn".

Phụ nữ chỉ thật sự tự do khi họ cho phép mình tự do trong tư tưởng, dám sống tự do được là chính mình, muốn làm gì thì làm mà ở đó không còn những rào cản Nho giáo hay định kiến giới.

Nhà văn Trang Hạ cho rằng dường như ngày nay, vẫn còn tình trạng "nữ quyền trong lời nói hơn là trong hành động, suy nghĩ".

Nhà văn khẳng định truyền thông là một trong những công cụ và kênh quan trọng để nâng cao nhận thức và khẳng định giá trị của người phụ nữ nhất là trong thời đại mạng Internet ngày càng phát triển như ngày nay.

Liên Giang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-nu-chi-tu-do-khi-duoc-la-chinh-minh-post1198201.html