Phụ nữ Co Tòng nhân rộng các mô hình tiên tiến

Hội Phụ nữ xã Co Tòng (Thuận Châu) hiện có 8 chi hội, với 519 hội viên. Đa số chị em là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ mù chữ còn 24,8%. Thực hiện Cuộc vận động rèn luyện phẩm chất đạo đức 'Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang', những năm qua, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó, chú trọng nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả do phụ nữ làm chủ, thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Cửa hàng tạp hóa của gia đình chị Vì Thị Dúa (bên trái), bản Co Tòng, xã Co Tòng (Thuận Châu).

Cửa hàng tạp hóa của gia đình chị Vì Thị Dúa (bên trái), bản Co Tòng, xã Co Tòng (Thuận Châu).

Chị Hờ Thị Dông, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Co Tòng, thông tin: Hội Phụ nữ xã đã triển khai tới các chi hội cụ thể hóa nội dung rèn luyện 4 phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và các nhiệm vụ trọng tâm của hội.

Nội dung cuộc vận động được phổ biến thông qua nhiều hình thức, như: Tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề, tọa đàm, giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao... Giới thiệu các điển hình làm kinh tế giỏi; các mô hình “Học và làm theo sách báo”, “Phụ nữ không có chồng con liên quan đến ma túy”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, mô hình “Trồng cây sơn tra”, tiêu chí “Mỗi hộ hội viên có một vườn rau sạch” để hội viên phụ nữ tham gia. Trong 5 năm (2016-2021), Hội đã phối hợp với Hội Phụ nữ cấp trên tổ chức 15 hội nghị tập huấn về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ và trẻ em, với trên 800 lượt hội viên tham gia; phối hợp với Trường tiểu học Co Tòng tổ chức 1 lớp xóa mù chữ cho 42 hội viên tham gia học tập...

Hằng năm, Hội rà soát gia đình hội viên nghèo để xây dựng kế hoạch giúp đỡ thiết thực, hiệu quả, như hỗ trợ vay vốn, giúp ngày công lao động, cây, con giống, hỗ trợ xây, sửa nhà “mái ấm tình thương”. Từ năm 2016 đến nay, đã có trên 400 lượt hội viên phụ nữ được tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh. Hội còn nhận ủy thác trên 1,3 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 66 gia đình hội viên vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, đã có nhiều hội viên xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả. Trong đó, hội viên Vì Thị Tồng, bản Pá Hốc, đầu tư mua ô tô tải để thu mua, vận chuyển nông sản; mở sạp hàng bán váy áo dân tộc Mông tại phiên chợ vùng cao; trồng ngô, sắn, lúa nương và cây sơn tra... Từ các nguồn trên, gia đình chị thu nhập hơn 120 triệu đồng/năm.

Còn chị Vì Thị Dúa, bản Co Tòng, đầu tư chăm nuôi bò giống sinh sản, hiện gia đình có gần 20 con bò. Chị đã giúp đỡ 10 hội viên phụ nữ trong bản thông qua việc nuôi bò rẽ để phát triển chăn nuôi. Chị Dúa chia sẻ: Có tiền tích lũy, tôi đầu tư kinh doanh thêm cửa hàng tạp hóa, sửa chữa xe máy, với lượng khách ổn định, mang lại tổng thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng.

Cuộc vận động rèn luyện phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” đã góp phần nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Hội Phụ nữ xã đã giới thiệu nguồn cán bộ nữ, cán bộ Hội có đủ tiêu chuẩn tham gia cấp ủy Đảng. Nhiệm kỳ 2020-2025, có 1 nữ Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã; 3 nữ bí thư, phó bí thư các chi bộ bản...

Thời gian tới, Hội Phụ nữ xã Co Tòng tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu làm kinh tế giỏi, góp phần khơi dậy để cuộc vận động rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” đi vào chiều sâu, khẳng định vị thế của phụ nữ trong các phong trào phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Lò Thái

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phu-nu-co-tong-nhan-rong-cac-mo-hinh-tien-tien-46241