Phụ nữ cù lao Tân Lộc - Cần Thơ góp phần phát triển du lịch cộng đồng

Sau một năm thành lập, Tổ liên kết tại Cù Lao Tân Lộc đã góp phần quảng bá văn hóa, sản phẩm du lịch địa phương, với phương châm hoạt động đoàn kết cùng giúp nhau phát triển.

KHẢN TIẾNG, VIÊM THANH QUẢN kéo dài nhiều năm - Tham khảo ngay bí quyết SIÊU ĐƠN GIẢN này!

Cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) có tổng diện tích tự nhiên trên 32 km2 với đặc thù vị trí địa lý bốn bề giáp sông Hậu nên phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ quanh năm nên nơi đây rất thích hợp cho việc phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái.

Mô hình “Tổ Phụ nữ liên kết sản xuất gắn với du lịch cộng đồng” tại Cù lao Tân Lộc được triển khai từ cuối tháng 10/2019.

Mô hình “Tổ Phụ nữ liên kết sản xuất gắn với du lịch cộng đồng” tại Cù lao Tân Lộc được triển khai từ cuối tháng 10/2019.

Nắm bắt được nhu cầu của du khách nên trong thời gian qua, một số hộ dân ở Tân Lộc đã đưa vườn cây, ao cá, điểm sản xuất nghề truyền thống của mình vào kinh doanh, khai thác du lịch. Từ thực tế trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Lộc được sự chỉ đạo và hỗ trợ nhiệt tình của Hội cấp trên đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai mô hình “Tổ Phụ nữ liên kết sản xuất gắn với du lịch cộng đồng” (Tổ liên kết) từ cuối tháng 10/2019.

Chị Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Lộc cho biết: “Bước đầu tổ liên kết của chúng tôi vận động được 30 chị em tham gia với đủ các ngành nghề như: chủ vườn cây ăn trái, điểm ẩm thực, làng nghề thủ công, homestay… Ngoài việc được Hội Phụ nữ bảo lãnh cho vay mỗi tổ viên từ 50- 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh doanh du lịch, chúng tôi còn phối hợp các chuyên gia từ Đại học Cần Thơ, trường dạy nghề mở các lớp tập huấn kỹ năng cho chị em để hướng dần đến tính chuyên nghiệp. Đồng thời, Hội Phụ nữ còn đứng ra làm đầu mối giúp chị em, học hỏi kinh nghiệm, gắn kết với các điểm du lịch ở các địa phương khác”.

Thật vậy, du lịch cộng đồng là hình thái mà ở đó cộng đồng địa phương được trao quyền quản lý sự tăng trưởng và đạt đến những mục tiêu của cộng đồng. Trong đó, việc tạo điều kiện cho du khách tìm hiểu về văn hóa, lối sống, bản sắc cư dân địa phương được xem là yếu tố cốt lõi.

Ghé thăm vườn du lịch “Thầy Thống”, ông Huỳnh Công Thống – chủ vườn du lịch này vui mừng chia sẻ: “Khi tham gia vào Tổ liên kết, vợ tôi được Hội phụ nữ xét duyệt cho vay 40 triệu đồng với lãi suất 0,55% tháng, thời hạn 10 năm để phát triển sản xuất nước ép từ nho thân gỗ, các sản phẩm từ nho thân gỗ, cây giống…”

Lãnh đạo thành phố tham quan vườn nho thân gỗ tại vườn "Thầy Thống"

Lãnh đạo thành phố tham quan vườn nho thân gỗ tại vườn "Thầy Thống"

Từ khi tham gia vào Tổ liên kết, gia đình ông Thống đã phát triển mô hình dịch vụ kinh doanh tại nhà khá ổn định, tạo việc làm, thêm thu nhập cho ít nhất 3 lao động. Với mô hình này, vợ chồng ông Thống cũng thuận lợi giới thiệu đến khách du lịch món nước ép nho thân gỗ, một trong những sản phẩm tâm đắc của gia đình ông. Đồng thời, với không gian quán rộng rãi, thu hút khách thường xuyên, gia đình ông Thống còn hỗ trợ vị trí để tủ trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm của các thành viên Tổ liên kết.

Cách đó không xa là vườn cây ăn trái, phụ vụ ẩm thực “Cô Điệp” cũng luôn tấp nập khách tham quan. Bà Lê Hồng Điệp, chủ vườn “Cô Điệp”, Tổ trưởng Tổ liên kết, chia sẻ: “Các thành viên trong Tổ liên kết rất đoàn kết. Khách du lịch tham quan vườn trái cây này nhưng muốn mua thêm loại trái cây khác hoặc đặc sản địa phương, đặt tiệc,... các thành viên sẵn sàng giới thiệu cho nhau để cùng làm, cùng có thu nhập. Nhờ các thành viên khác giới thiệu, khách gọi đặt đồ ăn ở chỗ tôi mang đến tận nơi khá nhiều. Tính riêng từ Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, tôi phục vụ khoảng từ 500-700 lượt khách. Với mô hình phục vụ khách du lịch, thu nhập của gia đình tôi tăng lên khoảng 40% so với trước”.

Không chỉ có vậy, đến với cù lao Tân Lộc du khách còn nhận thấy sự chuyển mình của vùng đất này trong việc phát triển du lịch cộng đồng khi thăm cơ sở dệt chiếu của tổ viên Nguyễn Thị Út; cơ sở làm bánh gai, bánh kẹp của tổ viên Nguyễn Thị Ngọc; cơ sở làm mứt mãn cầu của tổ viên Nguyễn Thị Cẩm Hồng…

Mặc dù mới thành lập được một năm nhưng Tổ liên kết đạt được nhiều hiệu quả trong hoạt động. Tổ liên kết đã góp phần quảng bá văn hóa, sản phẩm du lịch địa phương, với phương châm hoạt động đoàn kết cùng giúp nhau phát triển. Đồng thời, phát huy vai trò tạo việc làm, tăng thu nhập cho tất cả các thành viên.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/phu-nu-cu-lao-tan-loc--can-tho-gop-phan-phat-trien-du-lich-cong-dong-d163300.html