Phụ nữ đang mang thai cần thận trọng khi niềng răng
Niềng răng và dịch vụ nha khoa nói chung hiện được nhiều người quan tâm nhằm cải thiện sức khỏe răng miệng, thẩm mỹ. Tuy vậy, để việc sử dụng các dịch vụ hiệu quả và giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra, ngoài việc chọn những địa chỉ uy tín, trang thiết bị hiện đại…, nhiều dịch vụ nha khoa phổ biến hiện nay vẫn có một số lưu ý quan trọng về đối tượng thực hiện dễ bị bỏ qua.
Cấy ghép implant - Lưu ý độ tuổi, bệnh nền
Theo BS.ThS Nguyễn Quang Tiến - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn (TPHCM) - chia sẻ, vì một số yêu cầu và đặc thù riêng của kỹ thuật, implant không dành cho mọi lứa tuổi. Kỹ thuật này thường sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên - lúc xương đã phát triển hoàn toàn và sự tăng trưởng xương gần như không còn.
Theo một kết quả khảo sát cho thấy, độ tuổi sử dụng dịch vụ này phổ biến nhất hiện nay là khoảng 30-40 tuổi - nhóm đối tượng thường xuất hiện nhiều bệnh răng miệng dẫn đến tình trạng mất (nhiều) răng. Trong khi đó, nhu cầu implant thấp hơn ở nhóm trẻ hơn từ 18-30 tuổi, lý giải từ việc ý thức chăm sóc sức khỏe răng miệng tại Việt Nam đang ngày càng nâng cao.
Ngoài ra, một số đối tượng có các bệnh lý nền như tiểu đường nặng, loãng xương… cũng được chống chỉ định khi thực hiện dịch vụ implant.
Vì lý do này, trước khi cấy Implant, các cơ sở uy tín và đủ năng lực như bệnh viện chuyên khoa (phân biệt với mô hình phòng khám thường thấy) sẽ tiến hành chụp phim hoặc CT, xét nghiệm máu.
"Bệnh nhân nên đến các bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt mới có đủ các khoa liên quan (cấp cứu, khoa tim mạch, khoa xét nghiệm…), khả năng quản trị rủi ro và xét nghiệm chuyên môn bước đầu cũng được chuẩn xác. Điều này sẽ giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian đi lại nhiều địa điểm, đồng thời đảm bảo điều trị an toàn, chuyên môn cao" - Bs. Ths Nguyễn Quang Tiến nói thêm.
Đặc biệt, theo quy định hiện hành, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân cũng như tai biến có thể xảy ra, chỉ có cấp Bệnh viện nha khoa mới được phép cấy ghép 2 Implant trở lên (All on 4, All on 6), cấp Phòng khám sẽ không được phép thực hiện dịch vụ cấy ghép này.
Trám răng bằng composite - Không nên thực hiện với răng cửa
Trám răng hay hàn răng là một kỹ thuật nha khoa sử dụng vật liệu nhân tạo để bổ sung vào phần mô răng bị thiếu, giúp cải thiện thẩm mỹ lẫn chức năng nhai. Phương pháp này có thể khắc phục những khuyết điểm như răng sâu, răng mẻ, răng thưa... Một số vật liệu trám răng thường thấy hiện nay là amalgam (trám bạc), trám vàng, composite, GIC.
Ít người biết rằng phương pháp trám bằng composite không nên áp dụng cho răng cửa hay vùng răng kế cận răng cửa. Nguyên nhân do răng cửa là phần răng tiếp xúc với thức ăn, nước uống hay tác động bên ngoài đầu tiên. Mảng trám răng không thực sự chắc chắn sẽ bị rơi ra nếu như ăn các thực phẩm quá cứng, quá dai hoặc tiếp xúc với ngoại lực mạnh. Các chuyên gia khuyên rằng bệnh nhân nên lựa chọn phương pháp bọc răng sứ hoặc veneer sứ.
Niềng răng - Thai phụ cần cân nhắc
Nhiều người cho rằng quá trình niềng răng không ảnh hưởng đến việc mang thai của thai phụ, nhưng thực tế không phải vậy. Việc sử dụng niềng răng có thể ảnh hưởng đến sự bổ sung dinh dưỡng của bà bầu do chưa quen với cảm giác đau nhức sau khi niềng, hay việc phải đến nha khoa thường xuyên để thay đổi lực siết và lực kéo niềng răng cũng sẽ khiến thai phụ cảm thấy mệt mỏi và không thoải mái. Thêm vào đó, việc chụp X-quang hay sử dụng thuốc tê và thuốc gây mê khi niềng răng cũng có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thai nhi.
Dù mọi bệnh nhân đều mong muốn xử lý được nhanh gọn vấn đề về răng miệng của mình, song cũng cần hiểu rằng các dịch vụ nha khoa hiện nay không phải "lời giải "hoàn hảo". Bệnh nhân cần trang bị đủ kiến thức để tránh chọn nhầm địa chỉ thăm khám thiếu uy tín cũng như dịch vụ không thích hợp với bản thân.
Theo đó, để việc sử dụng các dịch vụ nha khoa phổ biến được hiệu quả và giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra, các bác sĩ gợi ý bệnh nhân có thể tìm đến những địa chỉ thăm khám uy tín, có đầy đủ trang thiết bị như mô hình bệnh viện chuyên khoa.
Được biết, ở TP.HCM hiện tại chỉ có 3 đơn vị được cấp phép hoạt động theo mô hình Bệnh viện chuyên khoa Răng Hàm Mặt. Đó là Bệnh viện Răng hàm mặt Sài Gòn, Bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt (RHM) Trung ương và Bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt TP.HCM.