Phụ nữ di cư hồi hương: Nhiều vấn đề pháp lý cần đối mặt
Phụ nữ di cư ra nước ngoài bằng hai con đường chủ yếu là xuất khẩu lao động, kết hôn. Khi quay lại quê nhà, chị em còn gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề pháp lý để tái hòa nhập bền vững.
Phụ trách văn phòng OSSO hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, bà Nguyễn Vũ Xuân Thi, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hải Dương chia sẻ một số vấn đề pháp lý phụ nữ di cư hồi hương gặp phải. Đó là:
Về thủ tục ly hôn: Khi trở về, nhiều chị chưa làm thủ tục ly hôn. Nhiều năm sau, khi có những vướng mắc phát sinh do chưa làm thủ tục ly hôn các chị mới nghĩ đến việc thực hiện thủ tục này. Nhiều chị không còn giữ liên lạc với chồng nên thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài, không được sự đồng thuận của chồng sẽ gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian hơn. Một số chị em còn vướng mắc về thủ tục đăng ký khai sinh cho con rất khó giải quyết.
Về giấy tờ tùy thân: Một số chị em bị lừa bán sang Trung Quốc từ khi còn rất trẻ. Nhiều năm sau chị em mới tìm được về nhà. Khi đó, chị em không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào. Các cơ quan tư pháp, công an cũng không có cơ sở để cấp giấy giờ tùy thân cho những trường hợp này. Đây cũng là một vấn đề chưa có hướng giải quyết.
Vấn đề việc làm: Phụ nữ di cư hồi hương khi trở về tuổi đã cao, trình độ học vấn thấp, một số trường hợp hạn chế khả năng nhận thức nên khó khăn trong việc tìm kiếm một việc làm phù hợp.
Vấn đề kinh tế: Một bộ phận phụ nữ di cư hồi hương đang sống trong hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn.Thường gặp ở các chị em bị mua bán trở về. Phần lớn trong số này tuổi đã cao, sức khỏe yếu (nhiều chị không còn khả năng lao động), hạn chế khả năng nhận thức. Khi trở về phụ thuộc hoàn toàn vào người thân (nhiều trường hợp người thân cũng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương).
Trước thực trạng đó, đòi hỏi các cấp, các ngành, trong đó có các cấp Hội LHPN có những chính sách hiệu quả, thiết thực để nâng cao nhận thức, cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình, hỗ trợ họ vượt qua khó khăn và tự tin hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.