Phụ nữ Đức Hòa lan tỏa việc học và làm theo gương Bác
Thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xem là 'kim chỉ nam' trong mọi hoạt động. Với tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo, Hội triển khai nhiều mô hình cụ thể, thiết thực, tạo động lực cho hội viên (HV) PN vươn lên trong cuộc sống.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Hòa trao phương tiện sinh kế cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn
Từ sẻ chia đến trao cơ hội
Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Hòa - Lê Thị Cẩm Tú cho biết, một trong những nội dung trọng tâm trong việc học và làm theo gương Bác là chăm lo, hỗ trợ PN và trẻ em yếu thế. Nếu như trước đây, các hoạt động chủ yếu dừng lại ở vận động nguồn lực xã hội hóa để tặng quà, xây nhà tình thương thì từ năm 2022 đến nay, Hội đã chuyển hướng theo cách làm mới, mang tính chiều sâu và bền vững hơn.
“Chúng tôi nhận thấy rằng, chỉ trao tặng đơn thuần dễ tạo tâm lý ỷ lại. Học theo Bác, cần giúp người dân “cần câu” chứ không chỉ “con cá”. Từ đó, Hội chuyển hướng hỗ trợ phương tiện sinh kế gắn với khảo sát thực tế và định hướng phù hợp, giúp chị em có cơ hội phát triển kinh tế gia đình và tự lực vươn lên” - chị Lê Thị Cẩm Tú chia sẻ.
Thay vì hỗ trợ đồng loạt, Hội LHPN huyện phối hợp cơ sở khảo sát nhu cầu cụ thể của từng HV để định hướng phương thức hỗ trợ sát thực tế. Tùy điều kiện, PN có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ phương tiện sinh kế hoặc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Chính sự thay đổi tư duy trong cách làm đã giúp chị em không chỉ nhận được sự hỗ trợ vật chất mà còn phát huy nội lực, tinh thần vượt khó để ổn định cuộc sống.
Tính riêng năm 2024 và quí I/2025, Hội LHPN huyện Đức Hòa huy động nhiều nguồn lực chăm lo thiết thực cho PN và trẻ em. Trong đó, 824 phần quà và học bổng đã được trao tặng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí 230 triệu đồng; 1.866 phần quà được gửi đến HVPN nghèo với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Hội còn hỗ trợ xây dựng 10 mái ấm tình thương cho PN gặp khó khăn về nhà ở, tổng kinh phí 520 triệu đồng.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ sinh kế tiếp tục phát huy hiệu quả rõ nét. Từ nguồn vốn 500 triệu đồng do Huyện ủy phân bổ, các xã: Hòa Khánh Tây, Lộc Giang và An Ninh Tây đã quản lý và sử dụng hiệu quả để hỗ trợ HVPN phát triển sản xuất. Cụ thể, xã Hòa Khánh Tây quản lý 70 triệu đồng, hỗ trợ 4 HV buôn bán và chăn nuôi; xã Lộc Giang quản lý 150 triệu đồng, giúp đỡ 9 chị em buôn bán nhỏ và 7 người nuôi bò; xã An Ninh Tây quản lý 280 triệu đồng, hỗ trợ 14 chị nuôi bò.
Dự án Heifer tiếp tục được duy trì với 59 con bò giống được phân bổ về các xã: Mỹ Hạnh Bắc quản lý 21 con, Đức Lập Thượng 28 con, Đức Hòa Thượng 8 con và Hòa Khánh Đông 2 con. Ngoài ra, xã Đức Lập Thượng còn được hỗ trợ thêm 160 triệu đồng để giúp 30 chị em buôn bán nhỏ và xây dựng nhà vệ sinh.
Nguồn vốn Phan Hoàng Đồng với tổng kinh phí 530 triệu đồng cũng được phân bổ cho 25 tổ với 250 thành viên. Nhiều nghề truyền thống được duy trì và phát huy như đan cần xé tại xã Hiệp Hòa, chằm nón lá tại xã An Ninh Tây (14 tổ), đan đệm và chằm nón lá tại xã Lộc Giang (8 tổ), chằm nón và chăn nuôi bò tại xã An Ninh Đông. Ngoài ra, xã Lộc Giang và Hòa Khánh Tây cũng được hỗ trợ thêm bò giống và kinh phí sản xuất với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.
Từ những mô hình này, nhiều HV có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để lao động tại nhà, tạo thu nhập ổn định từ 1,5-2 triệu đồng mỗi tháng. Không chỉ cải thiện đời sống kinh tế, những mô hình học và làm theo gương Bác còn góp phần xây dựng hình ảnh người PN Đức Hòa giàu nghị lực, sống nhân ái và biết vươn lên bằng chính đôi tay của mình.
Chăm lo toàn diện cho phụ nữ và trẻ em yếu thế

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Hòa ra mắt Tổ hợp tác nghề truyền thống đan rổ rá
Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ tức thời, Hội từng bước xây dựng hệ thống hoạt động chăm lo có chiều sâu, phù hợp với nhu cầu thực tế, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong đời sống HV. Năm 2024 và quí I/2025, Hội trao 48 phương tiện sinh kế cho HVPN có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có thêm điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống. Các phương tiện này bao gồm xe bánh mì, máy may, xe nước mía, vật dụng bán vé số và hỗ trợ vốn cho buôn bán nhỏ, chăn nuôi,... với tổng kinh phí gần 224 triệu đồng. Đây không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà còn là niềm tin, “cú hích” để nhiều chị em mạnh dạn khởi đầu một hướng đi mới.
Ngoài ra, nhiều mô hình tương trợ tại cộng đồng như Góp vốn xoay vòng, Lít gạo đoàn kết, Thùng gạo tình thương, Hỗ trợ con giống,... cũng được duy trì hiệu quả, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”. Đặc biệt, việc học tập và làm theo gương Bác còn được các cấp Hội cụ thể hóa bằng nhiều mô hình sáng tạo gắn với bảo vệ môi trường. Những mô hình như Ngôi nhà xanh, Biến rác thành hạt giống, Đổi rác lấy nhu yếu phẩm, Biến rác thành tiền, Đổi rác lấy con giống,... không chỉ gây ấn tượng bởi tính sáng tạo mà còn bởi hiệu quả thực tiễn. Thông qua việc thu gom, phân loại rác tại nguồn, bán gây quỹ, các mô hình này đã góp phần chăm lo thiết thực cho HVPN và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời, lan tỏa ý thức sống xanh, sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Không chỉ là người đứng đầu Hội, chị Lê Thị Cẩm Tú còn truyền cảm hứng, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cơ sở triển khai và nhân rộng các mô hình học Bác tại 20 xã, thị trấn trong huyện. Mỗi chương trình, mỗi hoạt động không chỉ đơn thuần là con số trong báo cáo mà là một hành trình thay đổi số phận của nhiều PN, gia đình.
Chị Lê Thị Cẩm Tú cho biết: “Học Bác không phải là việc gì lớn lao mà bắt đầu từ những điều gần gũi nhất: Biết lắng nghe, biết chia sẻ, làm việc có trách nhiệm, sống có nghĩa tình. Tôi và các HV vẫn đang trên con đường ấy, âm thầm nhưng đầy quyết tâm”./.