Phụ nữ góp phần thực hiện mục tiêu Netzero

Đồng Nai là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao, đồng thời có hàng ngàn tấn rác thải các loại mỗi ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm 6-8% (theo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai). Để thực hiện mục tiêu về 'Netzero'(cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể), không thể thiếu vắng vai trò, trách nhiệm của phụ nữ.

 Tác giả và Hội LHPN huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai hưởng ứng thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh

Tác giả và Hội LHPN huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai hưởng ứng thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh

Đồng Nai là tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, giữ vị trí quan trọng trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội; tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm duy trì ở mức cao. Với tiềm năng phát triển kinh tế, dân số đông cũng tạo nên áp lực đối với môi trường, nhất là biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách nhất hiện nay.

Bà Trịnh Thị Tình - Hội Nữ trí thức tỉnh Đồng Nai

Bà Trịnh Thị Tình - Hội Nữ trí thức tỉnh Đồng Nai

Bà Trịnh Thị Tình, Hội Nữ trí thức tỉnh Đồng Nai bày tỏ lo ngại: "Rác thải nhựa là cụm từ không còn xa lạ với đông đảo người dân bởi nó xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Đó là thìa nhựa, ly nhựa, cốc nhựa, bát nhựa, túi nylon… phục vụ quá trình sinh hoạt hàng ngày của con người, nhất là ở các cửa hàng bán đồ ăn uống hay tại các sự kiện, buổi dã ngoại.

Nhựa, túi nylon dùng một lần đã và đang là mối lo ngại, nỗi ám ảnh toàn cầu bởi số lượng thải ra, sử dụng và hậu quả của nó. Nguyên do là từ những tiện ích như: Rẻ, nhẹ, tính dẻo dai đàn hồi, dễ sử dụng, di chuyển và không thấm nước".

Để thực hiện được mục tiêu Netzero và tiêu chí cụ thể là giảm thải rác thải nhựa, cần đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò của phụ nữ tỉnh Đồng Nai

Để thực hiện được mục tiêu Netzero và tiêu chí cụ thể là giảm thải rác thải nhựa, cần đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò của phụ nữ tỉnh Đồng Nai

Theo bà Tình, phụ nữ là lực lượng đông đảo có thể phát huy vai trò góp phần giảm thải rác thải nhựa, thực hiện hiện mục tiêu Netzero. Tính đến quý 3/2024, số hội viên phụ nữ của tỉnh Đồng Nai là trên 400.000 người. Đây là lực lượng tham gia trực tiếp vào công tác sử dụng - sản xuất - tiêu thụ - thu gom, xử lý rác thải nhựa và có tác động rất lớn góp phần giảm thải rác thải nhựa hàng ngày, hàng giờ, từng phút, từng giây.

Để thực hiện được mục tiêu Netzero và tiêu chí cụ thể là giảm thải rác thải nhựa, bà Tình đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò của phụ nữ tỉnh Đồng Nai. Theo bà Tình, trước tiên, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ về tác hại của rác thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen để sống xanh, phát huy năng lực, tinh thần gương mẫu, đảm đang và sáng tạo của phụ nữ; tập trung đổi mới hình thức tuyên truyền và phong phú về nội dung.

"Đổi mới nội dung và hình thức tổ chức hoạt động phù hợp với các đối tượng như cuộc thi, sân khấu hóa, các kênh truyền thông hiện đại, hội thảo, diễn đàn. Nhất là các cuộc thi có quy mô lớn và hiệu quả sâu sắc từ nhận thức đến hành động bảo vệ môi trường của hội viên và phụ nữ, như: Hội thi Phụ nữ bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa "Tiết giảm, tái sử dụng, tái chế", Cuộc thi thiết kế video clip truyền thông về bảo vệ môi trường chủ đề "Phụ nữ Đồng Nai sống xanh", Tìm hiểu kiến thức xây dựng nông thôn mới và Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"", bà Tình nhấn mạnh.

Thứ hai là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tái chế rác thải nhựa. Tăng cường tuyên truyền để phụ nữ nâng cao nhận thức về tác hại nguy hiểm, hiểm họa từ rác thải nhựa thải ra môi trường. Rác thải nhựa sẽ dần tan rã thành các hạt vi nhựa, ngấm vào dòng nước, ô nhiễm môi trường nước. Rác thải nhựa không xử lý đúng quy trình - quy định mà mang đi đốt, chôn lấp thì khí thải độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe nói riêng và tăng hiệu ứng khí thải nhà kính nói chung.

Thứ ba là tổ chức các hoạt động đặc thù của phụ nữ, xây dựng nhân rộng mô hình. Một số mô hình tiêu biểu, hiệu quả và có tính áp dụng, nhân rộng phải kể đến như Mô hình "5 không, 3 sạch"; Mô hình dân vận khéo "Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn" và chống rác thải nhựa. Tiếp tục quan tâm nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, khởi nghiệp xanh, sản xuất, kinh doanh sạch.

Bà Tình cũng khuyến nghị về cơ chế thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm thay thế nhựa. Qua đó, thúc đẩy các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi năng lượng theo hướng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch. Nghiên cứu giải pháp tối ưu hóa việc sử dụng hoặc tái sử dụng yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu và yếu tố khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh; xây dựng khu công nghiệp sinh thái.

Thống nhất, đồng bộ từ nghiên cứu, ứng dụng, sử dụng và quản lý, thu gom, xử lý rác thải nhựa để tạo quy trình khép kín, xử lý rác thải tại nguồn đến nhà máy, xí nghiệp hiệu quả.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-nu-gop-phan-thuc-hien-muc-tieu-netzero-20241014152853563.htm