Phụ nữ hiện đại đừng ước một ngày có 48 tiếng

Áp lực hoàn thành tốt việc nơi công sở, chu toàn việc nhà khiến nhiều người mệt mỏi, thường xuyên cáu gắt, than thở, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Phụ nữ với trách nhiệm phải làm tròn vai trong gia đình và việc cơ quan khiến họ có phần mệt mỏi nếu không được chia sẻ. Ảnh minh họa

Phụ nữ với trách nhiệm phải làm tròn vai trong gia đình và việc cơ quan khiến họ có phần mệt mỏi nếu không được chia sẻ. Ảnh minh họa

Lao động nữ chiếm số đông

Theo chuyên gia nghiên cứu tâm lý Lê Thị Lan Anh: Người xưa có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” nhằm đề cao vai trò của người phụ nữ trong việc xây dựng một gia đình bền vững.

Tạo hóa đã ban cho phụ nữ một cơ thể đặc biệt để mang thai và sinh con. Điều đó đồng nghĩa với việc ban cho họ thiên chức vô cùng quan trọng và cao quý, ấy là làm mẹ.

Với vai trò làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Nếu như ngày xưa “trọng nam khinh nữ”, thì nay quyền bình đẳng đã giúp người phụ nữ có cơ hội chứng tỏ bản thân mình hơn.

Bà Lê Thị Lan Anh cho rằng, trong xã hội truyền thống cũng như hiện đại, với thiên chức mang thai, sinh con và làm mẹ, phụ nữ luôn đảm đương vai trò cao cả: Duy trì và phát triển nòi giống, tái sản xuất sức lao động. Đồng thời nuôi dạy, hình thành nhân cách thế hệ trẻ, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước.

Không chỉ vậy, phụ nữ còn là người giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng các mối quan hệ và tổ chức cuộc sống gia đình; Là người vun đắp hạnh phúc, người duy trì và phát triển những giá trị văn hóa gia đình, giữ gìn bản sắc dân tộc.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế gần đây, khoảng 72% phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam và tỷ lệ này cao hơn phần lớn các nước khác trên toàn cầu.

Cuộc sống hiện đại ngày nay đã khác xưa nhiều, phụ nữ không còn bị bó buộc chỉ ở nhà làm nội trợ nữa mà họ có quyền được lựa chọn làm công việc mình yêu thích.

Vì thế, một số chị em dù đã có người đàn ông trụ cột gia đình nhưng vẫn lựa chọn đi làm kiếm tiền song song với chăm lo việc nhà. Một phần là để chủ động hơn trong tài chính, một phần muốn thỏa mãn sở thích của mình.

Thế nhưng, để chu toàn mọi thứ không phải là điều dễ dàng. Bởi các chị em sau sinh con, sức khỏe giảm sút hơn nhiều so với trước đó.

Khó làm tròn vai

Từ sau khi có gia đình, chị Nguyễn Phương Nhung (cán bộ y tế Hà Nội) lựa chọn tiếp tục đi làm và cáng đáng mọi công việc hằng ngày ở nhà. Chị chia sẻ: “Từ ngày sinh con, mọi thứ như đảo lộn. Sáng mở mắt là lo cho con cái. Lúc nhỏ thì chăm ăn uống, ốm đau, lớn hơn thì chuyện học hành, bạn bè. Tôi tất tả từ sớm rồi chạy vội đến chỗ làm; Tối đến lại lo đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo, loay hoay đến khuya là chồng và con đều đã đi ngủ, lúc đó mình cũng rã rời”.

Lúc đầu, chị Nhung vẫn nghĩ mình có thể đảm nhiệm hết được, chỉ cần biết cách sắp xếp. Nhưng lâu dần chị bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, không có thời gian nghỉ ngơi, trò chuyện với chồng và chơi cùng con. Chị đâm ra cáu gắt, hay than thở và bất mãn mỗi khi việc chồng chất. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống cũng như hạnh phúc gia đình.

Cùng tâm sự, nhà báo Nguyễn Hà cho biết: “Lúc độc thân thì sống sao cũng được, nhưng khi có gia đình rồi mình bắt đầu thấy áp lực vì có quá nhiều thứ phải làm. Đi làm đã mệt mỏi, về đến nhà ai cũng muốn nghỉ ngơi nhưng việc nhà chất đống khiến mình chẳng thể làm ngơ.

Chưa kể đến đối nội đối ngoại, việc gì cũng cần người phụ nữ đảm đương, khéo léo cho hài hòa”.

Chị Hà cũng cho biết thêm, do tính chất loại hình công việc phải làm cả những lúc ngoài giờ khiến chị có phần uể oải khi cáng đáng thêm việc gia đình.

“Để theo kịp tiến độ, đôi khi mình phải mang việc ở cơ quan về nhà làm. Thế nhưng việc nhà lại quá nhiều, khiến mình không thể tập trung hoàn thành công việc tốt được. Chưa kể đôi khi còn bị chồng con giận vì nói mình chỉ biết chăm chăm làm việc mà chẳng quan tâm gì đến gia đình. Vì vậy, để làm tròn vai “giỏi việc nước, đảm việc nhà” là rất khó. Nhiều lúc mình đã từng ước một ngày có 48 tiếng” – nhà báo Nguyễn Hà nói.

Cân bằng giữa việc công sở và việc chăm lo cho gia đình của chị em phụ nữ là chủ đề chưa bao giờ cũ. Hầu hết chị em đều cố gắng hoàn thành hết mọi công việc hằng ngày của mình bằng cách ôm đồm tất cả mọi thứ, và cho rằng mình hoàn toàn có thể làm được tất cả.

Ngoài các công việc nội trợ trong gia đình, hầu hết phụ nữ ở Việt Nam cũng phải đi làm và kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Xoan, làm công việc bán hoa quả tại khu chợ đầu mối sầm uất ở Hà Nội. Cùng với chồng, chị nuôi ba đứa con và bố mẹ chồng đã già yếu. Cô nói rằng, “nếu tôi không làm việc, thì gia đình chúng tôi sẽ sống như thế nào?”

Ngay cả trong công việc nội trợ hằng ngày, mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Mặc dù phụ nữ trẻ Việt Nam đã biết cách sắp xếp, chăm chút và yêu bản thân nhiều hơn. Thế nhưng hầu hết việc nhà vẫn do người phụ nữ gánh vác khiến họ luôn mong ngày dài hơn để làm hết việc.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Nguyễn Thị Thu Hồng, nữ lao động thường có ít cơ hội được đào tạo cơ bản cũng như được đào tạo lại, nâng cao tay nghề trong quá trình làm việc so với các đồng nghiệp nam.

Chị em có gia đình còn chịu nhiều thiệt thòi hơn nữa. Vì vậy, trong môi trường ở cơ quan, họ đã không có nhiều lợi thế vì “vướng bận” quá nhiều trách nhiệm.

Chưa kể đến, những yếu tố về cơ cấu ngành nghề cũng góp phần làm gia tăng khoảng cách về lương theo giới ở Việt Nam trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đi xuống thời gian vừa qua.

Bởi phụ nữ chiếm số đông trong các ngành sản xuất cho xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng. Vì vậy, nhiều phụ nữ cũng đang gặp áp lực về vấn đề thu nhập, mức lương hay vị trí việc làm.

Theo bà Nguyễn Kim Lan, điều phối viên quốc gia về bình đẳng giới của Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, cho rằng phụ nữ cần có nhiều hơn cơ hội được tiếp cận với giáo dục, đào tạo kỹ năng, cơ hội việc làm, thăng tiến mà không phải chịu những định kiến về giới và phân biệt đối xử.

Đồng thời, phụ nữ cần có được chia sẻ công việc của không chỉ người thân mà còn cả các tổ chức, cơ quan đoàn thể để cân bằng sức khỏe, trí tuệ, đóp góp vào sự phát triển của đất nước.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/phu-nu-hien-dai-dung-uoc-mot-ngay-co-48-tieng-ZbTM6A9Mg.html