Phụ nữ khởi nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số
Chuyển đổi số (CĐS) giúp nắm bắt thông tin nhanh, tiếp cận với các mô hình kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó tạo ra giá trị... Nhận thức được điều này, nhiều phụ nữ đã phát triển mô hình kinh doanh thông qua các nền tảng số.
Từ khi khách hàng chưa quen với hình thức mua hàng online, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dịch vụ Nhật Hà (TP.Biên Hòa) Nguyễn Trọng Nhật Hà đã thử nghiệm với hình thức bán hàng online.
Đưa sản phẩm kinh doanh lên môi trường số
Theo chia sẻ của bà Nhật Hà, trước khi khởi nghiệp, bà đã có 20 năm làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, bà được tiếp cận với công nghệ thông tin, internet từ sớm. Nhận thấy nhu cầu sử dụng các mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch ngày càng được ưa chuộng nên năm 2015, bà đã mở cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch.
Thời điểm đó, thấy internet và mạng xã hội bắt đầu phát triển, nhiều người đã biết sử dụng Facebook nên ngoài việc trưng bày sản phẩm ở cửa hàng để khách hàng đến mua trực tiếp, bà Nhật Hà đã lập website: http://www.nhathafoods.com. Trên website bà giới thiệu sản phẩm theo nhóm: đặc sản vùng miền, trái cây theo mùa, sản phẩm đặc trưng được yêu thích, sản phẩm khuyến mãi, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm tươi sống…
Đáng chú ý là mỗi sản phẩm đều đăng kèm hình ảnh, thông tin về nguồn gốc và giá cả…, giúp cho khách hàng dễ dàng lựa chọn được các sản phẩm phù hợp. Bên cạnh website, bà còn lập thêm trang Facebook Nhat Ha Organic Foods để hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến đông đảo người dùng… Quan trọng hơn cả là mỗi sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng đều được bà cất công tìm hiểu, trải nghiệm sản phẩm.
Từ mô hình nuôi ong, bà Nguyễn Thị Đào, Chủ tịch Hội LHPN xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) - một trong những cá nhân tích cực trong phong trào khởi nghiệp, đã mày mò cho ra đời các sản phẩm kết hợp với mật ong để chăm sóc sức khỏe.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh LÊ THỊ THÁI nhấn mạnh, trong bối cảnh CĐS hiện nay, các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, HTX… do phụ nữ làm chủ cần chủ động thích ứng để không tụt lại phía sau trong sự phát triển chung.
Bà Đào cho hay, từ các bài thuốc dân gian của người xưa, bà đã lên mạng tìm hiểu thêm về công dụng của các sản phẩm khi kết hợp với mật ong. Từ đó, bà cho ra đời thêm các sản phẩm: gừng mật ong, tỏi mật ong, chanh đào mật ong, dâu tằm mật ong…
Ban đầu các sản phẩm này được bà bán qua các đại lý trên cả nước. Từ năm 2019, sau khi tham gia cuộc thi tìm kiếm ý tưởng/dự án phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, được chuyên gia khởi nghiệp tư vấn, bà đã mạnh dạn đưa sản phẩm của mình lên Facebook. Gần đây, nhận thấy sự cần thiết của việc bán hàng trực tuyến, bà Đào đã nhờ đồng nghiệp hướng dẫn và đưa sản phẩm mật ong hoa chôm chôm Long Khánh lên sàn thương mại Shopee. Từ khi đưa sản phẩm lên mạng xã hội cũng như sàn thương mại điện tử, sản phẩm bán ra đã tăng lên đáng kể.
Đồng hành với phụ nữ khởi nghiệp trong bối cảnh số
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái cho biết, trong quá trình triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh nhận thấy chị em phụ nữ nhận thức được tầm quan trọng của việc CĐS. Bằng chứng là nhiều chị em mặc dù còn hạn chế về kỹ năng công nghệ thông tin nhưng cũng đã tự mày mò tìm hiểu, nghiên cứu, từng bước đưa sản phẩm khởi nghiệp của mình lên các nền tảng mạng xã hội, website, sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc làm này diễn ra còn chậm, giá trị mang lại vẫn chưa cao.
Vì vậy, Hội LHPN tỉnh xác định sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để hội viên phụ nữ có thêm kỹ năng khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh số. Mới đây, tại Ngày Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo Cụm miền Đông Nam bộ diễn ra tại TP.Biên Hòa, Hội LHPN tỉnh Đồng Nai (Đơn vị cụm trưởng) đã tổ chức diễn đàn Phụ nữ khởi nghiệp với CĐS và phát triển mô hình kinh tế xanh vùng Đông Nam bộ.
Trao đổi tại diễn đàn, TS Nguyễn Thành Trung, đại diện HTX Kinh tế xanh Sài Gòn cho rằng, CĐS là xu thế tất yếu. Sau đại dịch Covid-19, đã có rất nhiều cơ sở, thương hiệu đã chuyển qua hình thức kinh doanh online. Tại TP.HCM hiện nay có khoảng 60-70% người dân mua hàng online. Nếu không CĐS, việc tiêu thụ sản phẩm chỉ diễn ra phạm vi nhỏ quanh khu vực sinh sống. Như vậy sẽ không có bước phát triển bứt phá trong kinh doanh.
Theo TS Nguyễn Thành Trung, CĐS không chỉ thể hiện ở khâu bán hàng mà còn thể hiện ở việc quản lý quy trình sản xuất. Trong quá trình sản xuất, chủ cơ sở, doanh nghiệp phải được ghi nhận và quản lý thông tin các khâu, các bước tạo ra sản phẩm để làm minh chứng về nguồn gốc của sản phẩm, làm cơ sở để tham gia vào hệ sinh thái sản xuất xanh, chuỗi bán hàng qua nền tảng số…
Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái, từ diễn đàn, Hội LHPN tỉnh và chị em phụ nữ tham gia khởi nghiệp thấy được nhiều việc cần tiếp tục làm. Thời gian tới, ngoài việc tổ chức các hoạt động trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh sẽ phối hợp với các ngành chức năng đào tạo giúp hội viên phụ nữ tiếp cận được các nền tảng CĐS, tham gia sàn thương mại điện tử. Đồng thời, kết nối với doanh nghiệp có nguồn lực lớn để đồng hành, hỗ trợ phụ nữ trong quá trình khởi nghiệp.