Phụ nữ khởi nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số: Để thành công phải chọn con đường khó
Gặp gỡ với người phụ nữ nhỏ nhắn bên lề hội thảo quốc gia về chuyển đổi số do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, ngờ đâu ẩn sau dáng vẻ đó là cả một câu chuyện khởi nghiệp của phụ nữ trong bối cảnh công nghệ phát triển, chuyển đổi số đang dần chiếm ưu thế như hiện nay...
“Bình sâm” và những giọt mồ hôi trên hành trình khởi nghiệp
Bên lề cuộc hội thảo, không có nhiều thời gian để trò chuyện cùng nhau, nhưng câu chuyện của chị Nguyễn Thị Bình -Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc (địa chỉ xóm Minh Tiến, Minh Lập, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) rất thu hút khiến người nghe phải chú tâm.
Nguyễn Thị Bình sinh ra và lớn lên Nghệ An, vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, năm 2008 Bình nên duyên với chồng là người Thái Nguyên rồi hai vợ chồng đưa nhau về Thái Nguyên sinh sống. Lập nghiệp trên quê chồng, Bình xin vào làm việc tại một doanh nghiệp với vai trò quản lý, nhưng không lâu sau đó, chị mắc phải căn bệnh viêm đa khớp khiến tay chân thường xuyên bị đau nhức, khó co duỗi. Thêm vào đó, mẹ chồng có bệnh ho kinh niên đã đi chữa nhiều năm không khỏi. Năm 2018, khi tham gia khóa học phát triển bản thân, chị được một người bạn giới thiệu về tác dụng của sâm Bố Chính với căn bệnh của chị và mẹ chồng. Sau một thời gian sử dụng sản phẩm sâm, chị nhận thấy căn bệnh của mình và mẹ chồng dần dần tiến triển tốt và khỏi lúc nào không hay. Đó cũng là cái duyên đã đưa chị vào hành trình song hành cùng sâm Bố Chính.
“Khi được người bạn giới thiệu, tôi còn chưa biết gì về cao sâm Bố Chính, chỉ nghe nói đó là loại cao không đắt tiền nhưng chất lượng lại tốt. Sau hơn 3 tuần sử dụng, mẹ tôi đã có thể ra đồng làm ruộng một mạch mà không phải nghỉ giữa các cơn ho như trước nữa. Căn bệnh đau khớp của tôi cũng dần đỡ hẳn. Sâm Bố Chính tốt như vậy mà nhiều người không biết thì thật phí, nghĩ vậy tôi quyết định xin nghỉ công việc đang làm, tìm tòi nghiên cứu và đưa giống sâm Bố Chính về trồng tại quê nhà”, chị Bình cho biết.
Như bất kỳ hành trình khởi nghiệp nào khác, con đường của Bình với sâm Bố Chính cũng không hề dễ dàng. Bình khởi nghiệp với mà chưa hề có một chút kiến thức nào về kinh doanh nên phải mày mò học hỏi. Bình cặm cụi đọc sách, tìm hiểu trên mạng về kiến thức kinh doanh, cách bán hàng online, cách xây dựng thương hiệu...
“Người Việt mình ưa chuộng sâm Hàn Quốc và hầu như ít biết, ít quan tâm đến sản phẩm sâm Việt Nam, vì thế đây là thử thách lớn nhất đối với tôi. Để bán được sản phẩm sâm tôi phải lặn lội xuống thành phố Thái Nguyên bán hàng, quảng bá. May mắn trong hành trình này tôi đã gặp và nhận được sự hỗ trợ của Câu lạc bộ Hiệp hội doanh nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên. Sử dụng sản phẩm để phát triển kinh tế địa phương cũng là một trong những tiêu chí mà Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đặt ra. Tham gia Hiệp hội tôi được học hỏi về marketing, được mọi người hướng dẫn cho cách tiếp cận thị trường, cách xây dựng mối quan hệ trong kinh doanh, để từ đó lan tỏa sản phẩm. Bên cạnh đó, thời điểm tôi đưa sản phẩm sâm Bố Chính ra thị trường là khi xảy ra đại dịch COVID-19. Sản phẩm cao sâm Bố Chính cực kỳ tốt cho hệ hô hấp, chữa ho hiệu quả. Vì thế mà sản phẩm được lan tỏa rất nhanh. Khi đại dịch được ổn định thì sản phẩm sâm Bố Chính đã có được chỗ đứng tương đối, được nhiều người biết đến”, Bình kể.
Trong hành trình khởi nghiệp, không phải không có lúc Nguyễn Thị Bình nản chí, nhất là khi nhiều loại sâm khác được trồng bán với giá thành cao, trong khi cây sâm Bố Chính vẫn đang gian nan tìm chỗ đứng. Bình nhớ lại: “Khi một số loại sâm khác đạt đỉnh hai triệu một cân, chồng tôi cũng định chuyển sang trồng, nhưng tôi nghĩ, các loại sâm khác chắc gì đã hợp với thổ nhưỡng quê nhà nơi hai vợ chồng lập nghiệp, hơn nữa thời gian sinh trưởng kéo dài từ 3 đến 5 năm, lấy gì bảo đảm sau 5 năm thu hoạch, thị trường sâm vẫn còn như hôm nay, bởi khi đó đã bão hòa do có quá nhiều người trồng. Thế nên, muốn tìm đến thành công thì phải chọn con đường khó, ít người đi, hai vợ chồng quyết định trung thành với sâm Bố Chính”.
Tiêu thụ sản phẩm nhờ sự giúp đỡ của công nghệ
Nguyễn Thị Bình cho biết, hiện tổng diện tích vùng nguyên liệu của Hợp tác xã Nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc khoảng gần 30ha, trong đó sâm Bố Chính khoảng 3 - 4ha, cát sâm và sâm nam khoảng 3ha, ba kích 20ha. Ngoài ra còn có đương quy, sâm cau, đẳng sâm, huyết sâm… Bên cạnh phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ, Hợp tác xã còn liên kết với hơn 30 thành viên trong và ngoài tỉnh để phát triển chuỗi mô hình trồng cây dược liệu với quy mô lớn.
“Đến cuối 2021 đầu 2022 mọi người đã biết đến tôi với thương hiệu “Bình sâm”. Đầu năm 2022, khi kinh tế thị trường toàn cầu ảm đạm, tôi không đơn thuần làm sản phẩm cao sâm mà nghiên cứu và kết hợp các sản phẩm sâm với ẩm thực. Cuối năm 2022 đã thành công món lẩu sâm, cốt phở sâm, gà hầm sâm”, Bình cho biết. Bình đã kết hợp sản phẩm sâm Bố Chính với gà Mông đen (do Hợp tác xã nuôi bằng cám và những sản phẩm được điều chế từ dược liệu) tạo thành món gà Mông đen hầm sâm và đã được thị trường đón nhận. Món gà Mông đen hầm sâm được Chương trình Bếp Việt giới thiệu công dụng, cách chế biến và phát trực tiếp trên VTV10; món súp sâm Đồng Hỷ đã xuất hiện trên “bàn tiệc OCOP” với thông điệp: “Nâng niu nông sản Việt, nâng niu giá trị Việt”...
Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, phục vụ cho các đám lễ, tiệc cũng như đưa vào các cửa hàng thực phẩm sạch với sản lượng tương đối lớn. Để kết nối tiêu thụ sản phẩm, ngoài việc bán hàng theo phương thức truyền thống, chị Bình đã tham gia “Team nông sản Thái Nguyên” kết hợp với nhiều tiktoker, streamer thường xuyên livestream sản phẩm để bán hàng, mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, sản phẩm của hợp tác xã bán ra ngày một lớn.
“Bên cạnh phát triển hợp tác xã thì tôi và một số giám đốc hợp tác xã trẻ khác có chung tình yêu nông nghiệp và tâm huyết với sản phẩm nông sản Việt đã liên kết để quảng bá, tiêu thụ chéo, chia sẻ tệp khách hàng cho nhau. Thành viên của nhóm còn có các bạn làm về công nghệ giúp đỡ các thành viên để quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm, không chỉ với nông sản của Thái Nguyên mà còn là nông sản của nhiều tỉnh, thành khác. Năm 2023 và 2024, nhóm đã tổ chức tham gia nhiều hoạt động quảng bá, livestream bán hàng ở lễ hội na Võ Nhai; lễ hội gà Phú Bình; lễ hội miến; lễ hội trà....; mùa du lịch năm 2024, tham dự cùng Bộ NN-PTNT và nhiều tiktocker Việt Nam vào các chương trình lớn tại Hà Nội, Quảng Ninh…”, theo chị Bình.
Phụ nữ không sợ chuyển đổi số
Từ câu chuyện của chị Nguyễn Thị Bình và Hợp tác xã Nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc có thể thấy lợi ích mà chuyển đổi số có thể mang lại cho phụ nữ rất rõ nét. Tuy nhiên, phụ nữ cũng đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, những hệ quả, tác động mạnh mẽ, đa chiều trong quá trình tham gia chuyển đổi số.
Tại Hội thảo quốc gia “Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội LHPN Việt Nam” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận TW và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào tháng 5/2024, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh phụ nữ chiếm một nửa dân số và lực lượng lao động, vì vậy chuyển đổi số sẽ chỉ thực sự thành công khi phụ nữ vừa được thụ hưởng lợi ích do chuyển đổi số mang lại, vừa tích cực tham gia vào tất cả các trụ cột của chuyển đổi số.
Vậy cần làm gì để phụ nữ không sợ chuyển đổi số, để phụ nữ vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của quá trình chuyển đổi số? Câu trả lời đầu tiên đó là cần xóa khoảng cách giới trong tiến trình chuyển đổi số, tiếp cận công nghệ của phụ nữ. Năm 2023, tại buổi đối thoại chính sách với chủ đề: “Bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, việc nâng cao nhận thức về các cơ hội giáo dục và xóa bỏ khuôn mẫu giới trong chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là trong đào tạo các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) được xem là chìa khóa để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chuyển đổi số. Trang bị cho phụ nữ các kỹ năng và hỗ trợ họ chuyển đổi sang các hình thức việc làm liên quan đến kỹ thuật số là rất quan trọng để bảo đảm rằng phụ nữ không bị bỏ lại phía sau, theo bà Hà.
Bà Trần Thị Hồng Loan - Phó Cục trưởng, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH-CN cho rằng, trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, nam giới càng có ưu thế hơn so với nữ giới khi đang thống trị các nghề liên quan đến khoa học máy tính, toán học, kỹ thuật sản xuất và tự động hóa, bởi vậy nam giới có khả năng tìm được việc làm cao hơn nữ giới và điều này có thể đẩy một bộ phận người lao động nữ rơi vào tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp.
“Do đó, cần tăng cường nhận thức của xã hội trước hết là về vai trò của phụ nữ nói chung, của đội ngũ cán bộ khoa học nữ nói riêng. Hoàn thiện chính sách để tạo điều kiện cho sự phát triển và đóng góp của cán bộ khoa học nữ; xây dựng các chương trình hỗ trợ sự phát triển đội ngũ cán bộ khoa học nữ trong hoạt động khoa học - công nghệ như tăng cường đầu tư cho giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ khoa học nữ, đề xuất cử đi đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nữ, nhóm nghiên cứu nữ với tỉ lệ nhất định”, Phó Cục trưởng, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đề xuất...