Phụ nữ mãn kinh sớm có nguy cơ mắc bệnh gì?

Độ tuổi mãn kinh trung bình của người phụ nữ khoảng từ 45 - 55 tuổi nhưng có một số trường hợp mãn kinh sớm hơn. Nghiên cứu cho thấy, mãn kinh sớm có thể khiến phụ nữ phải đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe hơn bình thường.

Nội dung

1. Mãn kinh sớm xảy ra ở độ tuổi nào?

2. Trường hợp nào dễ bị mãn kinh sớm?

3. Những nguy cơ sức khỏe đối với phụ nữ mãn kinh sớm

1. Mãn kinh sớm xảy ra ở độ tuổi nào?

Mãn kinh sớm xảy ra khi buồng trứng ngừng sản xuất hormone và kinh nguyệt dừng ở độ tuổi trẻ hơn bình thường. Trung bình độ tuổi mãn kinh ở phụ nữ bình thường là từ 45 - 55 tuổi. Tuy nhiên, có trường hợp mãn kinh xảy ra trước 40 tuổi. Độ tuổi này được gọi là mãn kinh sớm.

Theo ThS.BS Lê Thị Thu Huyền, Viện Nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng, mãn kinh là khi người phụ nữ chính thức không có kinh liên tiếp trong 12 tháng liên tục. Nếu mãn kinh trước 40 tuổi được gọi là mãn kinh sớm, sau 55 tuổi được gọi là mãn kinh muộn.

Hầu hết phụ nữ đều sợ và không muốn trải qua thời kỳ này, nguyên nhân do sự sụt giảm của một loạt các nội tiết tố nữ gây ra nhiều thay đổi ảnh hưởng đến cuộc sống như: thay đổi tính nết, bốc hỏa và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa, tim, mạch máu, xương khớp, suy giảm trí nhớ…

Phụ nữ mãn kinh sớm thường có triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng hơn.

Phụ nữ mãn kinh sớm thường có triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng hơn.

2. Trường hợp nào dễ bị mãn kinh sớm?

Theo các chuyên gia y tế, mãn kinh sớm thường gặp ở những phụ nữ thường xuyên bị căng thẳng, phiền muộn, hút thuốc lá, uống rượu, bị rối loạn miễn dịch, suy giảm buồng trứng sớm, phải điều trị xạ trị, phẫu thuật cắt bỏ tử cung, cắt bỏ buồng trứng...

Theo tài liệu của Văn phòng Sức khỏe phụ nữ (Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ), mãn kinh sớm có thể do các nguyên nhân sau:

Tiền sử gia đình: Phụ nữ có tiền sử gia đình mãn kinh sớm có nhiều khả năng bị mãn kinh sớm hơn.

Hút thuốc: Phụ nữ hút thuốc có thể mãn kinh sớm hơn hai năm so với người không hút thuốc. Đồng thời dễ có các triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng hơn.

Hóa trị hoặc xạ trị vùng chậu để điều trị ung thư: Những phương pháp điều trị này có thể làm hỏng buồng trứng và khiến kinh nguyệt của phụ nữ ngừng tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng: Phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng có thể gây mãn kinh ngay lập tức. Kinh nguyệt sẽ ngừng sau cuộc phẫu thuật này và lượng hormone của phụ nữ sẽ giảm nhanh chóng. Những người này cũng có thể có các triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng như bốc hỏa và ít ham muốn tình dục.

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: Một số phụ nữ phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể giữ lại buồng trứng. Nếu điều này xảy ra, họ sẽ không còn kinh nguyệt nữa và không thể mang thai nhưng có thể sẽ không mãn kinh ngay lập tức vì buồng trứng vẫn tiếp tục sản xuất hormone. Sau này, họ có thể mãn kinh tự nhiên sớm hơn dự kiến một hoặc hai năm.

Ngoài ra, một số phụ nữ có vấn đề sức khỏe khác như mắc các bệnh tự miễn dịch (bệnh tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp), phụ nữ nhiễm HIV không được điều trị tốt, bị hội chứng mệt mỏi mạn tính, phụ nữ sinh ra bị thiếu nhiễm sắc thể hoặc có vấn đề về nhiễm sắc thể có nguy cơ mãn kinh sớm hơn.

3. Những nguy cơ sức khỏe đối với phụ nữ mãn kinh sớm

Các nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ mãn kinh sớm dễ có nhiều nguy cơ về sức khỏe. Đặc biệt là nguy cơ bị bệnh tim mạch lớn hơn nhiều so với người bình thường. Nguyên nhân do estrogen có liên quan mật thiết tới sự cân bằng lượng chất béo trong máu, khi đó cholesterol xấu trong máu tăng trong khi cholesterol tốt lại giảm, dẫn tới nguy cơ xơ vữa và hẹp lòng mạch máu, cản trở lưu thông máu...

Mãn kinh sớm làm tăng nguy cơ loãng xương, xương trở nên yếu hơn, dễ bị viêm khớp, giòn xương do mật độ duy trì canxi trong xương giảm.

Phụ nữ mãn kinh sớm cũng thường có các triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng hơn. Điều đó không chỉ gây nhiều khó chịu mà nó còn liên quan đến nguy cơ sức khỏe khác. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa các cơn bốc hỏa ở những phụ nữ mãn kinh sớm với sự suy giảm nhận thức và các cơn đau tim sau này.

Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Đột quỵ của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, mãn kinh sớm trước tuổi 40 làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ 16.244 phụ nữ sau mãn kinh ở Hà Lan. Sau khi theo dõi những người phụ nữ này trong khoảng 15 năm và điều chỉnh các yếu tố liên quan, các nhà nghiên cứu nhận thấy những phụ nữ mãn kinh trước 40 tuổi có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn 1,5 lần so với phụ nữ trong độ tuổi 50 - 54. Mối liên hệ này mạnh hơn ở phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh tự nhiên so với những người trải qua thời kỳ mãn kinh sau phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng.

Mãn kinh sớm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Mãn kinh sớm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Vì những nguy cơ đối với sức khỏe nên các chuyên gia khuyên những phụ nữ có nguy cơ mãn kinh sớm nên chủ động thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống, duy trì luyện tập và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh; nên đi khám sức khỏe định kỳ và gặp bác sĩ chuyên khoa tư vấn biện pháp can thiệp phù hợp nếu sức khỏe có biểu hiện bất thường.

Thu Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phu-nu-man-kinh-som-co-nguy-co-mac-benh-gi-169231116144924507.htm