Phụ nữ ngành game không tạo ra sự khác biệt mà đang đóng góp vào sự đa dạng
Ngành công nghiệp nội dung số, trong đó có game chứng kiến sự vươn mình của nhiều nữ lãnh đạo trẻ. Mặc dù có đóng góp đáng kể, những bóng hồng này lại có cách nhìn nhận rất hiện đại về vai trò của chính mình.
Việc tạo ra một tựa game hay không liên quan giới tính
Ngành công nghiệp nội dung số, trong đó sôi động nhất là lĩnh vực Game đang chứng kiến sự tham gia của nhiều nhân lực nữ tại Việt Nam. Trước đây, tỷ lệ nữ chiếm phần lớn ở các vị trí Marketing và Creative trong các game studio, tuy nhiên, tỷ lệ này cũng dần mở rộng sang các khối sản phẩm (Product) như Development, Game Design, Art hay Quality Control, thậm chí dẫn dắt các đội ngũ này.
Mặc dù xã hội đã có nhiều bước tiến vượt bậc, giúp phụ nữ có nhiều cơ hội khẳng định bản thân và đạt được thành tựu của riêng họ, đâu đó vẫn còn tồn tại những định kiến cho rằng Game là “địa hạt" của nam giới. Sự góp mặt của của phụ nữ giúp tạo ra những sự khác biệt mới, những sản phẩm sáng tạo tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Cơ hội ngày càng rộng mở cho nữ giới ở lĩnh vực mà xưa nay thường được gán nhãn là của nam giới. Chị Lana Phùng - đồng sáng lập của Widogame bày tỏ: “Tôi tin rằng sự phát triển của ngành công nghiệp Game trong vài năm qua sẽ mở ra những cơ hội hấp dẫn cho tất cả mọi người và đặc biệt là phụ nữ. Việc tạo ra một tựa game hay không hề phụ thuộc vào giới tính, chỉ cần bạn có đam mê. Hãy biến đam mê thành hành động và sẵn sàng làm mọi điều có thể vì tựa game của bạn. Có như vậy, bạn sẽ thành công”.
“Nữ tướng” Widogame cũng nhận thấy các bạn nữ ngành Mobile Gaming rất năng động trong công việc tích cực học hỏi và thể hiện bản thân. Bên cạnh đó, họ cũng là người rất tỉ mỉ, "tôi từng gặp một nữ Game Designer viết bản tài liệu dài 30 trang rất chi tiết để team lập trình có thể triển khai mà không cần hỏi lại. Tôi nghĩ sự công phu và tỉ mẫn của phụ nữ thực sự rất tốt cho ngành Game - lĩnh vực đòi hỏi mức độ chi tiết cao” - nữ lãnh đạo Widogame bày tỏ.
Chị Ella Do - Giám đốc phụ trách Kinh doanh Toàn cầu tại Wolffun Game cũng cho rằng, để tiến xa trong lĩnh vực Game, phụ nữ cần tập trung nâng cao kỹ năng chuyên môn và xóa bỏ suy nghĩ giới hạn về bình đẳng giới: “Bạn yêu thích Game Design, hãy trau dồi kiến thức logic và critical thinking thật vững chắc. Bạn muốn trở thành Developer hay Engineer, hãy thật chăm chỉ, những dòng code không phân biệt người viết là nam hay nữ".
Nên dừng việc gọi "nữ game thủ" hay "nữ lập trình viên"
Như nhiều nhóm ngành STEM (Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Toán học), ngành gaming đang chứng kiến sự vươn mình của nhiều nữ lãnh đạo trẻ. Mặc dù mang lại những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực nam giới từng thống trị, những bóng hồng ngành Game lại có cách nhìn nhận rất hiện đại về vai trò của chính họ trong ngành: phụ nữ không tạo ra sự khác biệt mà chỉ đang đóng góp vào sự đa dạng về mọi mặt.
“Tôi nghĩ trong tương lai, hay thậm chí ngay từ bây giờ, chúng ta nên từ bỏ việc gọi 'nữ game thủ' hay 'nữ lập trình viên', thay vào đó là 'game thủ' và 'lập trình viên'. Điều này tạo ra khác biệt trong tư duy nhìn về sự phát triển của ngành, nơi đó không phân biệt đó là thành quả của nam hay nữ. Chúng tôi luôn tin rằng những hiểu biết sâu sắc của nữ giới đem lại những đóng góp quan trọng vào sự thành công của sản phẩm và công ty" - chị Ella Do, Wolffun Game thẳng thắn chia sẻ.
Từ góc nhìn của người đánh giá thị trường, chị Lily Trương - đại diện nền tảng phân tích và đo lường marketing cho ứng dụng di động Adjust nêu quan điểm rằng ở lĩnh vực nào phụ nữ cũng có cơ hội để cống hiến và khẳng định bản thân khi năng lực và chất lượng công việc được dùng là các tiêu chuẩn đánh giá hàng đầu. Ngay tại Adjust, phụ nữ chiếm gần một nửa nhân viên và "tôi thực sự tự hào khi được là một phần của văn hóa ghi nhận và bình đẳng này" - chị Lily Trương bày tỏ.