Phụ nữ ngày càng yêu cuộc sống độc thân

'Chị chị... Chị có tính lập gia đình không?', 11 giờ khuya cô em gái nhắn tin hỏi tôi. Tôi ba phải: 'Có duyên nợ thì sẽ… Cô tính làm mai cho tôi à?'. Nàng ấy ỏn ẻn: 'Dạ em đang hỏi quan điểm thôi á. Chứ em không biết tới ai, sống rất khép kín. Ế đó giờ luôn… Nên em cũng muốn hỏi xung quanh xem mọi người nghĩ gì về việc lập gia đình'.

Cô em tôi, năm nay 34 tuổi, hết học này học nọ, cũng lấy bằng thạc sĩ như ai; có thể nói sống và làm việc trong môi trường cũng rộn ràng nhộn nhịp lắm. Nhưng phải cái, cô ấy “lười đi mấy chỗ đông người lắm. Đó giờ em có một mình à, em thấy cũng ổn”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đề cao giá trị… bản thân

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ gia đình độc thân ở thành thị đã tăng từ 6,23% năm 2004 lên 9,1% năm 2014 và tăng lên 10,1% vào năm 2019.

Một nghiên cứu năm 2012 được thực hiện bởi các nhà tâm lý học Đại học ở TP San Diego (Mỹ) và được Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ công bố đã báo cáo rằng những người sinh ra trong thập niên 80 và 90 thường tự cho mình là trung tâm hơn so với những thế hệ trước đó, nên dần hình thành một thế hệ “ích kỷ”. Họ trân trọng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân này không phải lúc nào cũng dễ dàng duy trì khi sống với bạn cùng phòng hoặc với một người quan trọng khác.

NGƯT Nguyễn Hồng Mai (ĐH Văn hóa Hà Nội) từng chia sẻ rằng, bên cạnh những chuẩn mực truyền thống, ngày nay càng xuất hiện nhiều giá trị thay thế cho vài giá trị vĩnh viễn như hôn nhân. Giới trẻ có nhiều sự lựa chọn để giao tiếp, mở ra thế giới mới, đặc biệt là khái niệm cá thể hóa cũng như giá trị cá nhân: internet, ngoại ngữ, công nghệ…

Thế hệ Bridget Jones (một nhân vật nữ chính trong phim Nhật ký Tiểu thư Jones - Mỹ), một nửa phụ nữ ở độ tuổi 18 - 35 thích sống một mình, trong khi chỉ 30 năm trước, gần 70% ở độ tuổi đó sống cùng chồng hoặc bạn trai. Người phụ nữ quyết định trì hoãn việc rời khỏi nhà cha mẹ (vì lý do tài chính), đặt sự nghiệp lên hàng đầu và trở thành bà mẹ đơn thân (dù là do lựa chọn hay hoàn cảnh). Những điều đó có vẻ lạ thường so với chuẩn mực xã hội 20 năm trước.

Chị Phạm Thanh Linh (thế hệ 8x) chuyển vào Nam sinh sống, lập nghiệp, tâm sự: “Tôi sống một mình vì điều đó có nghĩa là tôi có thể làm chính xác những gì tôi muốn, khi tôi muốn. Tôi có thể đi lang thang nhà với một bộ đồ chưa ủi, ngủ trễ dậy muộn nếu tôi thích. Tôi có thể làm việc muộn mà không bị xáo trộn nếu tôi có deadline. Tôi không dành nhiều thời gian hẹn đi xem phim, trong khi đó là có vẻ là một thủ tục bắt buộc nếu muốn giao tiếp xã hội.

Tôi sẽ gặp gỡ bạn bè của tôi trong một quán trà, quán bar, hoặc một nơi khác mà chúng tôi thực sự có thể ngồi với nhau, uống một ly rồi ồn ào tám chuyện, chứ không phải đau khổ diện một cái đầm, giữ kẽ khi đi ăn trong một nhà hàng khi đối diện với người đàn ông nào đó.”

Những cô gái ấy có cảm thấy cô đơn không? Đôi khi. Nhưng không chỉ ở một mình mới làm bản thân cảm thấy cô đơn; nhiều người sống với người khác, và vẫn cảm thấy bị mắc kẹt bởi cảm giác cô độc. Trong nhiều trường hợp, Thanh Linh vui vẻ đi dọn dẹp đống tạp chí trên giường, lọ mọ chiết tinh dầu từ chai lớn vào chai nhỏ, nấu món cá yêu thích mà không làm phiền ai vì mùi tanh hay quá cay.

Điều đó còn thể hiện với vô số các trang web hẹn hò và ứng dụng di động hẹn hò có sẵn, gắn liền những phụ nữ độc thân ngày nay, đặc biệt những người ở độ tuổi đôi mươi trở lên. Tuy nhiên, tất cả những người phụ nữ độc thân ngoài kia: Hãy vui mừng! Tất cả những người phụ nữ sống một mình có nhiều khả năng thành công hơn, túi tiền nặng trĩu hơn.

Độc thân - hoặc ít nhất là sống độc lập - có nhiều lợi ích hơn nhiều đối với những người phụ nữ. Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng phụ nữ trẻ sống một mình có nhiều khả năng kiếm được nhiều tiền hơn, có công việc chuyên nghiệp và có trình độ học vấn cao hơn những người sống với người khác. Phụ nữ có nhiều khả năng hơn nam giới (54% so với 46%) để sống độc lập, và người lớn tuổi thậm chí còn có khả năng làm điều đó nhiều hơn so với thế hệ phụ nữ trẻ.

Ổn sao?

Đàn bà sao? Theo khuôn mẫu, họ bị ám ảnh bởi việc kết hôn. Đó là mục tiêu cuộc sống của họ. Hơn cả đàn ông, họ sẽ cảm thấy bị nghiền nát bởi viễn cảnh sống độc thân. Rằng có lẽ tại sao, khi các học giả và các nhà văn nổi tiếng nói về những người độc thân, thường tập trung quá nhiều vào phụ nữ độc thân.

Trong con mắt người đời, phụ nữ thường dễ bị tổn thương hơn nam giới khi có những va chạm xã hội. Có thể, đó là một quan niệm sai lầm. Không phải tất cả phụ nữ đều dễ bị tổn thương hơn. Nhưng phụ nữ ở độ tuổi giữa 30 và đầu thập niên 40 thường xuyên phải đối phó với áp lực từ bạn bè và gia đình cũng như đồng hồ sinh học.

Gần như mọi phụ nữ tôi quen biết đều bày tỏ mối quan tâm về việc liệu sống một mình có khiến việc sinh con khó khăn hay không, và cho rằng bạn bè và người thân của họ cũng lo lắng về tình trạng này. Trong khi, hầu như không người đàn ông nào trải nghiệm qua điều này cả. Mọi thứ thay đổi khi phụ nữ bước ra khỏi những năm tháng của tuổi sinh nở. Sau đó, hầu hết phụ nữ sống một mình sẽ thoải mái hơn với tình huống của họ.

Tại sao họ thích sống một mình?

Theo các chuyên gia tâm lý học, có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi ấy. Quan trọng nhất, phụ nữ thích sống một mình bởi vì họ đủ khả năng. Trong nửa thế kỷ qua, phụ nữ, gia tăng đáng kinh ngạc trong thị trường lao động, và được trả lương đủ để họ sống vui vẻ, tận hưởng nhiều thứ chưa từng có mà không cần phải phụ thuộc vào người đàn ông, cho dù có hay không có bạn đời. Họ có thể trì hoãn hôn nhân cho đến khi họ tìm thấy người mà họ thực sự tìm kiếm, và luật ly hôn hiện đại cho phép họ thoát khỏi một cuộc hôn nhân tồi tệ thay vì cô lập và cô đơn bên trong nó.

Đối với phụ nữ trẻ, sống một mình mang đến sự linh động trong thời gian và không gian để khám phá mọi thứ (từ thế giới đến bản thân) và phát triển sự nghiệp. Điều này rõ ràng là hấp dẫn, bởi vì trong những thập kỷ gần đây, những người trẻ dưới 35 tuổi là nhóm nhân khẩu học phát triển nhanh nhất.

Một cách khác để giải thích tại sao nhiều phụ nữ sống một mình hơn đàn ông. Lý do chính là phụ nữ có xu hướng sống lâu hơn, đó rõ ràng là một lợi thế, nhưng cũng là một điều khiến họ có nhiều khả năng già đi một mình. Phụ nữ sống trung bình lâu hơn 6 năm so với đàn ông. Họ duy trì sức khỏe tốt nhờ vào chăm sóc bản thân tốt, đặc biệt là các thế hệ của những năm 80 và 90.

Hơn thế nữa, phụ nữ thường tạo dựng và duy trì tình bạn tốt hơn đàn ông kể cả việc liên lạc với các thành viên trong gia đình. Ở hầu hết các TP lớn đương đại, nơi dòng văn hóa từ những người phụ nữ độc thân đang bùng nổ, họ ít bị cô lập hơn về mặt xã hội - đặc biệt là sau khi ly thân hoặc ly hôn.

Sống độc thân là một trải nghiệm quý giá và đặc biệt quan trọng đối với những người trẻ tuổi đương thời, những người dành quá nhiều thời gian để đắm chìm trong truyền thông xã hội và có thể sử dụng thời gian để cô độc và suy ngẫm.

Tôi sống một mình trong khoảng thời gian của tuổi đôi mươi, và đó là một trải nghiệm đáng kinh ngạc. Tôi đã khá bặt thiệp, bạn bè nhiều, đủ mọi tầng lớp; cũng có hai khía cạnh đối lập, nhiều cô gái trẻ đã làm mẹ của 2 con, nhiều cô vừa mới lấy chồng, và nhiều cô vẫn thích sống solo.

Tôi chắc chắn, bây giờ khi làm mẹ, tôi ra ngoài nhiều hơn vào ban đêm, đi học nhảy, uống cà phê với bạn bè giữa giờ đưa đón con đi học. Nhưng tôi cũng có thời gian và không gian để suy nghĩ về việc mình sẽ trở thành ai và hoàn tất những điều tôi muốn làm.

Có thể nói, món tiền tiết kiệm sau cuộc sống bận rộn với số người tăng lên gấp 2,3 lần còn nhiều hơn gấp vài lần so với thời còn độc thân. Tôi đã viết, đã đọc và học được rất nhiều. Sống một mình là cách tôi trở thành người lớn.

Vẫn sẽ có những người cho rằng điều đó thật “bi thảm”, và những người phụ nữ sống một mình sẽ có một ngày nào đó nhận ra lỗi lầm của mình và bắt đầu thèm muốn một gia đình có trẻ em và những người quấn quanh để hàn huyên, ăn cơm chung. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là những người phụ nữ sống độc thân ấy không hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp một người đủ tuyệt vời để mở khóa cho trái tim và cả căn hộ độc thân.

Phương Khánh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phu-nu-ngay-cang-yeu-cuoc-song-doc-than-387587.html