'Phụ nữ ngày nay nhiều trọng trách'

Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng PGS-TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi. Mới đây, bà được vinh danh là một trong 10 Công dân thủ đô ưu tú năm 2022.

Sinh ra ở Nam Định (năm 1943) nhưng lớn lên chủ yếu ở Hà Nội, gần 70 năm gắn bó với thủ đô, PGS-TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, có nhiều duyên nợ với mảnh đất này.

Ở tuổi xưa nay hiếm, PGS-TS Bùi Thị An vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi. Ảnh: VT

Ở tuổi xưa nay hiếm, PGS-TS Bùi Thị An vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi. Ảnh: VT

Chuyên gia “3 trong 1”

Ngược về quá khứ, PGS-TS Bùi Thị An kể lại: Sau khi tốt nghiệp Khoa hóa Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội), bà về công tác tại Viện Khoa học tự nhiên (nay là Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam). Tại đây, bà là chuyên gia “3 trong 1” về môi trường; phát triển cộng đồng; giám sát, đánh giá dự án; giảng bài về môi trường và phát triển cộng đồng. Năm 1983, bà Bùi Thị An làm nghiên cứu sinh và lấy bằng tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Cộng hòa Dân chủ Đức.

“Việc lớn thì tôi khó đảm nhận nhưng những việc cộng đồng cần thì tôi vẫn làm. Khi nào không còn sức khỏe, trí tuệ, chất xám nữa thì tôi thôi.”

PGS-TS Bùi Thị An

“Với Hà Nội, tôi có suy nghĩ tự nhiên là mình cần làm gì đó cho nơi mình đã lớn lên và trưởng thành... Khi tốt nghiệp lớp 10, tôi vinh dự là một trong hai học sinh của miền Bắc lần đầu tiên được Thành ủy Hà Nội ra quyết định kết nạp Đảng vào năm 1963” - bà nói.

Sau khi nghỉ hưu (năm 2003), bà liên tục tham gia chủ trì và thực hiện nhiều đề tài, dự án về tài nguyên, môi trường, đặc biệt là vấn đề xử lý môi trường nước các hồ ở Hà Nội. Từ năm 2002 đến nay, bà đã tham gia 29 đề tài, dự án, trong đó có 20 đề tài, dự án được triển khai ở Hà Nội.

Gắn với công tác nghiên cứu khoa học gần 60 năm, điều thôi thúc bà làm việc chính là sự đam mê khoa học. Nói với chúng tôi, PGS-TS Bùi Thị An khẳng định dù tuổi đã cao nhưng còn sức khỏe là bà vẫn còn cống hiến. “Việc lớn thì tôi khó đảm nhận nhưng những việc cộng đồng vẫn cần, Hà Nội vẫn cần thì tôi vẫn làm. Đó cũng là nguyên tắc chung của tôi. Khi nào không còn sức khỏe, trí tuệ, chất xám nữa thì tôi thôi” - bà bày tỏ.

PGS-TS Bùi Thị An là đại biểu HĐND TP Hà Nội (2004-2011) và đại biểu Quốc hội khóa XIII (2011-2016) của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.

Đúng vào kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2022), bà được vinh danh là một trong 10 Công dân thủ đô ưu tú năm 2022.

Đóng góp ý kiến ở nhiều lĩnh vực nóng

Có lẽ từ nguyên tắc đó mà với tư cách là viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, PGS-TS Bùi Thị An đã tham gia nhiều dự án, đề tài khoa học về vấn đề xã hội, nông nghiệp, nông thôn như: Xử lý ô nhiễm nước hồ Thành Công bằng phương pháp sinh học và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư sống quanh hồ; xử lý ô nhiễm nước hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bảo đảm độ sạch bền vững...

Bà trực tiếp làm chủ nhiệm một số đề tài khoa học, dự án về môi trường như: Xác lập cơ sở khoa học để xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch sinh thái nông nghiệp tại xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ); điều tra, đánh giá chất lượng nguồn nước tưới các vùng rau màu ngoại thành Hà Nội và đề xuất các giải pháp tạo nguồn nước tưới an toàn...

Trên cương vị phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, bà đã và đang tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến cho TP về nhiều lĩnh vực (những vấn đề nóng và được xã hội quan tâm như: Tìm nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề tự cháy của các xe cơ giới; vấn đề về ma túy học đường, nhận diện và các biện pháp phòng ngừa...).

Những chất vấn thẳng thắn tại Quốc hội

Khi còn là một đại biểu Quốc hội, trong nhiệm kỳ của mình bà có nhiều chất vấn, ý kiến thẳng thắn trên diễn đàn Quốc hội, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri, nhân dân cả nước.

Cử tri cả nước vẫn còn nhớ tại phiên thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIII, bà Bùi Thị An đã thẳng thắn chỉ ra sự lãng phí, không tiết kiệm của một số cán bộ nhà nước: “Không phải đi xe sang là có tầm đâu, nhiều đồng chí cán bộ cao cấp giản dị nhưng cũng có một số người còn nặng về hình thức. Đề nghị tăng giám sát, công khai chế độ trong phạm vi nào đó để mọi người giám sát”.

Phụ nữ ngày nay phải gánh vác hai vai

Gặp chúng tôi vào chiều muộn, khi TP đã lên đèn sau một ngày làm việc, PGS-TS Bùi Thị An cho biết phụ nữ ngày nay đã khác phụ nữ xưa.

“Ngày xưa phụ nữ thường quanh quẩn trong bếp, mang tính chất phục vụ gia đình, phục vụ chồng con và đó cũng coi như là nhiệm vụ chính của phụ nữ. Còn bây giờ phụ nữ cũng có trọng trách như đàn ông trong gia đình, cũng phải làm kinh tế, thực hiện các công việc mà xã hội cần và được đào tạo” - bà An nói.

Từ đó bà cho rằng đối với phụ nữ ngày nay, một mặt cần xác định vị trí của mình và cũng phải cố gắng, bởi thực ra không có gì thay thế năng lực nội sinh, đó là sự phấn đấu, sự nỗ lực và cơ chế chính sách thì chắc chắn sẽ làm tốt.

“Người phụ nữ phải giữ được phong thái dịu dàng nhưng vẫn sắc sảo, giỏi chuyên môn để chúng ta phải gánh vác hai vai, vừa gánh vác sự nghiệp của mình đồng thời chăm lo chỉn chu cho gia đình, cùng người đàn ông chăm lo gia đình phát triển bền vững” - bà nói.

Theo bà, gia đình phát triển tốt, lành mạnh thì xã hội sẽ phát triển bền vững. Bởi đối với trẻ em, giáo dục gia đình vẫn giữ nhân tố vô cùng quan trọng trong sự trưởng thành của trẻ em.•

THỊNH HỒ

Nguồn PLO: https://plo.vn/phu-nu-ngay-nay-nhieu-trong-trach-post704053.html