Phụ nữ Nhật Bản gặp khó khăn khi làm mẹ đơn thân
Ở Nhật Bản, mang thai và trở thành mẹ đơn thân bị coi là điều nhục nhã và đáng lên án. Những người phụ nữ có bầu mà không lập gia đình dễ bị coi thường, bị từ chối khi ứng tuyển công việc toàn thời gian và không cho thuê nhà. Bố mẹ có thể rất xấu hổ và đòi cắt đứt quan hệ với họ.
Theo luật pháp Nhật Bản, phụ nữ không được phép phá thai sau tuần thứ 22 của thai kỳ và cần sự đồng ý của đối tác, có thể là người yêu hoặc chồng để tiến hành thủ tục. Điều này khiến Nhật Bản trở thành 1 trong số ít nhất 11 quốc gia yêu cầu sự đồng ý từ bên thứ 3 đối với việc phá thai. Nhật Bản gần đây đã quyết định phê duyệt thuốc phá thai cho nữ giới nhưng vẫn giữ điều khoản trên. Việc chậm trễ trong việc phê duyệt thuốc phá thai, vốn từ lâu đã có ở hơn 70 quốc gia, đã cho thấy sự bất bình đẳng của các cơ quan y tế trong việc ưu tiên sức khỏe phụ nữ. Quốc gia này phải mất 40 năm để phê duyệt thuốc tránh thai nhưng chỉ mất 6 tháng để phê duyệt loại thuốc trị rối loạn cương dương Viagra.
Cuộc sống trong một xã hội bình thường vốn đã đầy thách thức với những bà mẹ đơn thân ở Nhật Bản, chưa kể những điều họ phải đối mặt trong đại dịch COVID-19. Nhật Bản có khoảng 1,23 triệu hộ gia đình mẹ đơn thân và theo cuộc khảo sát của Hiệp hội các bà mẹ đơn thân được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 11/2020, 65,6% cho biết có thu nhập giảm hoặc sẽ giảm, trong khi 79,7% cho biết chi phí sinh hoạt tăng.
Trong đại dịch, mẹ đơn thân ở Nhật Bản phải đối mặt với căng thẳng tài chính vì thời gian ở nhà nhiều hơn, đồng nghĩa với việc gia tăng chi phí sinh hoạt và thực phẩm trong khi làm việc ít giờ hơn do đại dịch ảnh hưởng đến kinh tế. Việc chuyển sang học trực tuyến cũng làm dấy lên lo ngại về gia tăng khoảng cách giáo dục khi cần đảm bảo kết nối internet ổn định, thiết bị công nghệ để học tập và chi phí cho các chương trình luyện thi, những điều đè nặng lên tài chính của gia đình mẹ đơn thân.
Hanaco, 39 tuổi, chia sẻ trải nghiệm làm mẹ đơn thân cách đây 5 năm rằng mọi người nhìn cô bằng ánh mắt kỳ thị. Hanaco rất sợ và xấu hổ khi phải thú nhận với gia đình việc bản thân mang thai và sẽ tự mình nuôi con vì bị người yêu bỏ rơi sau khi biết tin cô mang thai. Cô lo lắng sẽ không đủ tiền nuôi con vì thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 2.300 USD, trong khi thu nhập trung bình của một hộ gia đình lúc đó là 3.600 USD. “Tôi thực sự đã cân nhắc việc cho con trai làm con nuôi vì tôi không có nhiều tiền và không thể cho con một cuộc sống tốt đẹp. Tôi muốn ưu tiên hàng đầu cho hạnh phúc của con mình”, Hanaco tâm sự.
Sự kỳ thị làm mẹ đơn thân và nuôi con một mình của dư luận khiến Hanaco sợ hãi, thậm chí ngay cả khi đến bệnh viện sinh con. “Tại bệnh viện, các y tá luôn hỏi bạn trai tôi làm nghề gì hoặc anh ấy là người ra sao. Họ liên tục hỏi tôi rất nhiều câu hỏi và nhìn tôi bằng ánh mắt khác lạ”, cô nhớ lại.
Hiện, Hanaco sống cùng con trai ở thành phố Hiroshima. Cô cho biết, việc mẹ đơn thân được nhận hỗ trợ là cả một quá trình dài. Thậm chí, chủ nhà vẫn sẽ đuổi hai mẹ con cô ra khỏi nhà nếu biết sự thật.
Những trường hợp đáng tiếc xảy ra gây tranh cãi trên khắp cả nước, thúc đẩy bác sĩ phụ khoa Takeshi Hasuda, trưởng khoa Sản, Bệnh viện Jiket, tỉnh Kumamoto, miền nam Nhật Bản, mở dịch vụ đầu tiên và duy nhất cho phụ nữ mang thai ngoài ý muốn sinh con trong bí mật. Ông hy vọng không để các thai phụ mạo hiểm khi sinh con tại nhà.
Đặc biệt, sản phụ tìm đến dịch vụ không phải chịu phí sinh nở, chỉ cần chia sẻ tên, giấy tờ tùy thân với nhân viên. Các nhân viên y tế gọi đây là giải pháp giúp những người phụ nữ gặp khủng hoảng và không được tiếp cận với những hệ thống hỗ trợ truyền thống.
Ít nhất 8 phụ nữ đã liên hệ với Hasuda để nhờ giúp đỡ. Vị bác sĩ cho biết tất cả đều là nạn nhân của xâm hại tình dục, thiểu năng trí tuệ hoặc không đủ khả năng nuôi dạy con. “Trước khi mang thai họ đã phải đối mặt với những khó khăn hơn người bình thường. Và sinh con ẩn danh là điều duy nhất họ có thể làm”, Hasuda nói.
Tháng 5 năm nay, cơ sở này đón đứa trẻ thứ hai chào đời từ một người mẹ giấu tên. “Người phụ nữ ấy nói rằng không còn sự lựa chọn nào khác. Nếu không có chúng tôi, cô ấy có thể tự sát cùng đứa trẻ”, Hasuda nói.
Nhưng dịch vụ này không chịu sự quản lý của các khung pháp lý, làm dấy lên sự lo ngại về rắc rối với đứa trẻ và người mẹ. Bởi theo quy định, bệnh viện phải cung cấp giấy khai sinh kèm theo tờ đăng ký có tên bố mẹ đẻ và gửi thông tin cho chính phủ để đưa tên trẻ vào sổ đăng ký gia đình quốc gia.