Phụ nữ nông thôn và câu chuyện khởi nghiệp

Hiện nay, phong trào khởi nghiệp không chỉ phát triển mạnh mẽ trong giới trẻ, mà còn như 'luồng gió mới' với những người phụ nữ nhất là phụ nữ nông thôn. Với phẩm chất cần cù, đảm đang, nhiều chị em đã có ý thức vươn ra xã hội, khởi sự kinh doanh, làm chủ sự nghiệp.

Hội LHPN tỉnh tổ chức trao giải Cuộc thi “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” năm 2020 cho các hội viên có ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu.

Hội LHPN tỉnh tổ chức trao giải Cuộc thi “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” năm 2020 cho các hội viên có ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu.

Mạnh dạn những bước đi đầu tiên

Toàn tỉnh hiện có 511 mô hình phát triển kinh tế, 140 nhóm sở thích, tổ hợp tác, 15 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Riêng năm 2020, chị em xây dựng mới 32 mô hình, 3 hợp tác xã chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mô hình cho thu nhập từ 200 triệu đến 500 triệu đồng/năm. Điều đó cho thấy, phụ nữ nông thôn không còn tự bó hẹp mình trong các công việc gia đình mà có ý thức vươn ra xã hội, khởi sự kinh doanh, làm chủ sự nghiệp.

Năm 2009, thấy công việc đồng áng vất vả, thu nhập thấp, chị Nguyễn Thị Vinh, xã Hà Châu (Phú Bình) đã đi học thêm nghề may. Sau khi lành nghề, chị mạnh dạn vay ngân hàng 30 triệu đồng để mở xưởng may tại nhà. Ban đầu chị nhận may gia công cho các công ty, sau đó may đồng phục cho học sinh trên địa bàn trong và ngoài huyện. Đến nay, sau 10 năm hoạt động, cơ sở may của chị đã có 30 máy may, quy mô sản xuất trên 25 nghìn bộ quần áo/năm, ký kết hợp đồng với nhiều công ty, đơn vị, trường học trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Xưởng may mang lại doanh thu gần 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên và làm thêm ngoài giờ, đặc biệt nhiều người trong số đó là hội viên phụ nữ nghèo trong xã. Chị Vinh tâm sự: Không giống như trước, phụ nữ bây giờ nhất định phải có việc làm ổn định, có thu nhập mới có thể làm chủ cuộc sống của mình.

Khác với chị Vinh, chị Nguyễn Thị Hương, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) lại khởi nghiệp ở một lĩnh vực khá mới mẻ là trồng hoa sói để ướp chè kết hợp với du lịch sinh thái. Với tư duy “muốn đi xa phải đi cùng nhau” chị đã liên kết với một số hộ dân (có quỹ đất, có sẵn cây trồng nhưng manh mún, không mang lại hiệu quả kinh tế cao) để thực hiện mô hình bài bản hơn. Chị trồng khoảng 500 gốc, đang cho thu hoạch (2kg hoa tươi/ngày), giá bán 500.000 đến -700.000 đồng/kg. Ướp chè bằng hoa sói tạo ra vị thơm đượm, nên loại hoa này đang được nhiều chủ cơ sở chè ưa chuộng. Sản phẩm của gia đình chị không đủ cung cấp ra thị trường. Ngoài hoa sói, 2 năm nay, chị kếp hợp xây dựng vườn hoa gắn với du lịch sinh thái trên diện tích hơn 4.000m2địa phương, thu hút hàng chục nghìn lượt khách tới thăm quan. Chị Hương cho biết: Vì ngành nghề mới nên mình vừa làm vừa học hỏi, nghiên cứu thị trường, dự định tới đây sẽ mở rộng diện tích, thành lập hợp tác xã, nhà xưởng chế biến hoa…

Mô hình trồng hoa sói và vườn hoa kết hợp du lịch sinh thái của chị Nguyễn Thị Hương, thị trấn Giang Tiên, (Phú Lương).

Mô hình trồng hoa sói và vườn hoa kết hợp du lịch sinh thái của chị Nguyễn Thị Hương, thị trấn Giang Tiên, (Phú Lương).

Với mục đích tận dụng thế mạnh đồi bãi chăn thả, từng bước đưa thương hiệu sản phẩm thịt bò Mông ra thị trường, chị Nguyễn Thị Trang xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) mạnh dạn đứng lên thành lập HTX Bò Mông. Mô hình hiện có 7 thành viên tham gia, với 44 con bò. Dù mới đi vào hoạt động, chưa mang lại kết quả, song nhìn đàn bò phát triển, khỏe mạnh từng ngày, chị Trang tin tưởng vào con mình đã lựa chọn.

Tạo bình đẳng cho phụ nữ khởi nghiệp

Tuy nhiên, đề cập đến khó khăn khi khởi nghiệp, các chị em đều nhận định so với đàn ông, phụ nữ gặp rất nhiều rào cản. Một trong số đó theo chị Hương là quan niệm của xã hội và gia đình đối với người phụ nữ là phải chăm lo nhà cửa, chăm sóc con cái, vì vậy chị em không có nhiều thời gian hiện thực hóa ý tưởng. Quỹ thời gian 24 tiếng một ngày, phụ nữ phải làm nhiều việc “không tên” hơn nam giới, bên cạnh công việc chính của mình. Ít thời gian dành cho bản thân đã khiến nhiều chị em “chôn vùi” ước mơ vươn lên tạo dựng sự nghiệp. Còn theo chị Trang, rào cản về định kiến giới khiến cơ hội tiếp cận kiến thức, kỹ năng cần thiết cho quá trình khởi nghiệp như kỹ năng quản lý, marketing còn ít; nhiều chị em không có đủ nguồn vốn để bắt đầu khởi nghiệp, số phụ nữ khác còn tự ti, đánh giá thấp khả năng của mình...

Đồng chí Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Nhằm tạo điều kiện và hạn chế những rào cản cho phụ nữ khởi nghiệp, năm 2018 (từ Đề án 939 của Chính phủ về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp), Hội đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” và UBND tỉnh phê duyệt, đến nay đã đạt được những kết quả khả quan. Nhiều chị em mạnh dạn vượt qua rào cản để khởi sự kinh doanh. Hội phát động “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp” hàng năm và có trên 170 ý tưởng khởi nghiệp, trong đó 38 ý tưởng tiêu biểu được chọn để trao giải, tôn vinh; có gần 200 người được khảo sát nhu cầu, tham gia khóa tập huấn kiến thức, hỗ trợ vay vốn để khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Hội xây dựng “Phiên chợ nông sản an toàn”, CLB “Vườn ươm khởi nghiệp”, “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số”; vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, tổ liên kết, HTX; giúp phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, tranh thủ chương trình, đề án đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để giúp chị em hình thành, phát triển ý tưởng, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Điều quan trọng khi khởi nghiệp là bản thân mỗi người phải dám nghĩ, dám làm với con đường mình chọn, tiếp theo là gia đình, xã hội, đặc biệt là các cấp Hội cần hỗ trợ, giúp chị em tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp.

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/phu-nu-nong-thon-va-cau-chuyen-khoi-nghiep-280153-85.html