Phụ nữ Sóc Trăng tăng cường giám sát, phản biện xã hội

Nhiều năm qua, bên cạnh triển khai nhiều phong trào hoạt động công tác hội khá sôi nổi, các cấp hội LHPN còn quan tâm thực hiện công tác chính sách - luật pháp và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, nhận thức về pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn.

Có thể nói, thời gian qua, công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được các cấp hội quan tâm thực hiện; tích cực góp ý xây dựng luật pháp khi có yêu cầu, tham gia giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu tố có liên quan, nhằm bảo vệ quyền, lợi chính đáng cho phụ nữ. Đồng thời, chú trọng chăm bồi, giới thiệu cán bộ, hội viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp, tăng tỷ lệ chi hội trưởng là đảng viên, góp phần thực hiện thắng lợi Kết luận số 11/KL-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính tri - xã hội”.

Bà Nguyễn Thị Diện – Trưởng Ban Tuyên giáo, Chính sách – Luật pháp, Hội LHPN tỉnh cho biết, Ban Thường vụ Hội luôn quan tâm tuyên truyền, thực hiện công tác chính sách – luật pháp đến mọi đối tượng, trong đó, chú trọng công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu, đề xuất các chính sách, góp phần giải quyết những vấn đề có liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Hàng năm, Tỉnh hội đều xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế hoặc tham gia cùng các đoàn giám sát cùng cấp.

Cụ thể, năm 2019, Tỉnh hội cử cán bộ tham gia 3 đoàn giám sát xây dựng Đảng, chính quyền: Đoàn giám sát của Trung ương Hội LHPN Việt Nam giám sát đảm bảo an toàn cho học sinh trường dân tộc nội trú tại Trường THCS Dân tộc nội trú Mỹ Xuyên, UBND huyện Mỹ Xuyên và tại UBND tỉnh; đoàn giám sát của Đại biểu Quốc hội giám sát về tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh (2015 - 2019); đoàn giám sát của HĐND tỉnh về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Các cấp hội cử 22 cán bộ tham gia đoàn giám sát HĐND cùng cấp nắm tình hình thực thi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của các cấp ủy đảng, chính quyền và ban ngành liên quan; giám sát thực hiện cải cách hành chính... Bên cạnh đó, các cấp hội tham gia giám sát việc cấp phát 1.036 thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, điều chỉnh sai sót giới tính cho 6 trẻ em; việc hỗ trợ tiền điện cho 373 hộ nghèo, hộ khó khăn số tiền, hỗ trợ bảo trợ xã hội cho 336 đối tượng.

Quan tâm thực hiện các vấn đề liên quan đến chính sách phụ nữ. Ảnh: Đ.H

Quan tâm thực hiện các vấn đề liên quan đến chính sách phụ nữ. Ảnh: Đ.H

Hội LHPN huyện, thị xã, thành phố tham mưu xây dựng 6 đề án, kế hoạch, chương trình phối hợp liên quan đến tổ chức hội, gia đình, phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới gửi các ngành liên và đã được cấp kinh phí thực hiện trong năm: Hỗ trợ chính sách hàng tháng 270.000đ/người/tháng cho đối tượng là mẹ đơn thân, nuôi con nhỏ và bước đầu đã hỗ trợ được 6 chị; xây dựng hồ bơi và các khóa dạy bơi cho trẻ trong công tác phòng tránh đuối nước ở trẻ; kinh phí tuyên truyền về bình đẳng giới...

Đặc biệt, Tỉnh hội đã thực hiện kế hoạch giám sát Chương III “Hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” theo Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, ngày 9-5-2017 “Quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em” của Chính phủ. Trên cơ sở kế hoạch của Tỉnh hội, hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố dựa trên tình hình thực tế tại địa phương đã xây dựng kế hoạch giám sát triển khai đến 109/109 hội cơ sở để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện cụ thể. Kết quả cụ thể, tổng số trẻ em trên địa bàn tỉnh là 336.959 trẻ em, chiếm 28,09% dân số (có 168.582 nữ); trong đó có 134.165 trẻ em dưới 6 tuổi và 202.794 trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 2.837 trẻ, chiếm 0,84% trẻ em, trong đó có 16 trẻ em bị xâm hại tình dục. Đối với các vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra, phần lớn các cơ quan chức năng đã chủ động vào cuộc, kịp thời chỉ đạo và phối hợp thực hiện các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ để hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ một cách kịp thời. Nhận thấy đây là một vấn đề rất đáng được quan tâm, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, năm 2020, Hội LHPN tỉnh tiếp tục thực hiện giám sát chuyên đề đối với nội dung “Hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, các cấp hội phối hợp cùng ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; nhìn chung tư tưởng quần chúng nhân dân rất phấn khởi khi được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước kịp thời, giảm bớt được khó khăn trong cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh cũng nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Một số đơn vị chưa thật sự quan tâm thực chất đối với công tác giám sát, phản biện xã hội; tình trạng tảo hôn, xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, có những vụ việc xâm hại nhiều năm liền; quy trình can thiệp, hỗ trợ, xử lý các vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em có ban hành nhưng cán bộ phụ trách ở cơ sở xử lý chưa kịp thời; kinh phí dành cho hoạt động này còn hạn chế, chủ yếu hội LHPN tranh thủ vận động từ các chương trình, dự án trong và ngoài tỉnh để thực hiện...

Hy vọng rằng, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh sẽ tăng cường nhiều hơn nữa đối với việc thực hiện các hoạt động phong trào công tác hội, trong đó có việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội, góp phần nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò, vị trí của phụ nữ, về công tác phụ nữ cũng như bình đẳng giới.

MAI KHÔI

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/doan-the/phu-nu-soc-trang-tang-cuong-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-38692.html