Phụ nữ Sóc Trăng tích cực tham gia 'cuộc đua' chuyển đổi số

Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu, có vai trò, tác động to lớn trong tất cả các lĩnh vực. Chuyển đổi số cũng là công cụ đắc lực để nâng cao vị thế, phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức, quản lý

Năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Sóc Trăng đã triển khai và thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động của hội. Một trong những điểm nổi bật đó là Ban Thường vụ Tỉnh hội đã ban hành 20 văn bản triển khai hoạt động này và tổ chức Cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt hội”. Từ đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc của chị em phụ nữ đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện, trên địa bàn có 121 cơ quan chuyên trách hội LHPN và 775 chi hội phụ nữ, 4 đơn vị trực thuộc với 259.940 cán bộ, hội viên. Trong đó, tỷ lệ thu hút phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia vào tổ chức hội chiếm 59,41%. 100% hội viên đều có điện thoại cá nhân để thông tin, liên lạc và trên 95% có điện thoại thông minh kết nối internet. Tỷ lệ hội viên sử dụng mạng xã hội chiếm khoảng 70%. Đây là tiền đề thuận lợi để chị em phụ nữ tham gia thành công vào tiến trình chuyển đổi số.

Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng thường xuyên quan tâm tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, hội viên, phụ nữ các cấp. Ảnh: SỚM MAI

Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng thường xuyên quan tâm tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, hội viên, phụ nữ các cấp. Ảnh: SỚM MAI

Theo đồng chí Nguyễn Thị Diện - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, xác định “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội” là khâu đột phá, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh hội thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội ở cơ sở và lồng ghép tập huấn phần mềm quản lý hội viên. Chỉ đạo các cấp hội ứng dụng công nghệ thông tin và thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, tuyên truyền kịp thời nội dung, hoạt động, phong trào của hội, của địa phương. Tổ chức thực hiện sử dụng hộp thư công và hộp thư điện tử trong nhận, gửi văn bản; hiện có 291 cán bộ hội chuyên trách các cấp có địa chỉ hộp thư điện tử và thường xuyên sử dụng hộp thư để trao đổi thông tin, thực hiện chế độ báo cáo trong làm việc, trong trao đổi thông tin một cách thuận tiện, nhanh chóng. Tỉnh hội còn hợp đồng với doanh nghiệp thiết kế phần mềm quản lý Chương trình tín dụng tiết kiệm và đưa vào hoạt động khá hiệu quả.

Đặc biệt, đã tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ nữ cấp huyện, cấp cơ sở. Các cấp còn cử trên 100 lượt cán bộ hội tham dự các lớp tập huấn về chuyển đổi số, sử dụng các phần mềm quản lý, hướng dẫn sử dụng các nền tảng mạng xã hội, kỹ thuật quay video, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch… Tất cả đã góp phần nâng cao hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ thông tin của chị em phụ nữ, đáp ứng với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, vận động

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số sẽ giúp phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động, sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả công việc. Do vậy, thời gian qua, Hội LHPN đã đẩy mạnh thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ hội viên phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Các cấp hội đã tập trung đổi mới nội dung công tác tuyên truyền, giáo dục, thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng và kết hợp giữa tuyên truyền miệng với ứng dụng công nghệ thông tin (trực tuyến, trực tiếp), lồng ghép vào các cuộc sinh hoạt định kỳ tổ, câu lạc bộ. Đồng thời, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền qua trang website Tỉnh hội; nhóm Facebook “Phụ nữ Sóc Trăng” (có trên 9.200 thành viên); nhóm “Phụ nữ Sóc Trăng khởi nghiệp” (có trên 1.300 thành viên); 3 nhóm Zalo nội bộ (có 99 thành viên) và các phương tiện thông tin đại chúng.

Không những vậy, các cấp hội đã ứng dụng các công cụ, phần mềm để xây dựng các tài liệu tuyên truyền trực tuyến như tờ rơi điện tử, các video clip, hình ảnh, tiểu phẩm… để tuyên truyền, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, gương điển hình, mô hình tiêu biểu trong các phong trào. Đây cũng là kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả, tập hợp phụ nữ tham gia vào các hoạt động hội. Từ đó, góp phần thực hiện các mô hình “Tập hợp phụ nữ trên không gian mạng” trên các trang mạng xã hội một cách đa dạng, linh hoạt, phù hợp trong tình hình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hội hiện nay.

Cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp tích cực tham gia vào công việc chuyển đổi số. Ảnh: SỚM MAI

Cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp tích cực tham gia vào công việc chuyển đổi số. Ảnh: SỚM MAI

Tiếp nối triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, Tỉnh hội đã chú trọng triển khai thực hiện chủ đề năm 2024: “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội” gắn với tuyên truyền Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới và các quy định mới. Qua đó, đã nhận được 64 bài dự thi đến từ 11 huyện, thị xã, thành phố; thành lập Ban Giám khảo chấm thi sơ khảo tại tỉnh và chọn 3 bài dự thi tốt nhất gửi tham gia Trung ương. Từ năm 2022 đến nay, đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức 10 lớp tập huấn giảm nghèo về thông tin cho 800 cán bộ, hội viên phụ nữ dự có lồng ghép triển khai các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh hội tổ chức trên 100 cuộc truyền thông, nói chuyện chuyên đề tại cơ sở về các nội dung liên quan đến phong trào phụ nữ và công tác hội, các chương trình phối hợp, đề án, dự án thu hút hàng nghìn hội viên phụ nữ tham gia. Thông qua việc sử dụng nhiều phương thức như trình chiếu slide PowerPoint, clip, video, phóng sự ngắn… đã nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ thông tin và các phần mềm vào hoạt động truyền thông ngày càng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay.

Các cấp hội phối hợp tham gia với công an và các ngành liên quan cùng cấp tuyên truyền, triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh năm 2023, phát động phong trào chiến dịch “90 ngày, đêm” vận động, tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Thông qua các cuộc họp tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm hằng tháng, cán bộ ban và các cấp hội chủ động tuyên truyền ý nghĩa về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc và cuộc sống hằng ngày như các trang mạng xã hội Zalo, Facebook để họp nhóm, tuyên truyền thông tin kịp thời. Đối với các tổ, nhóm, câu lạc bộ, hợp tác xã trong khởi sự kinh doanh, buôn bán mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để thực hiện hoạt động kinh doanh ngày càng hiệu quả để bán hàng, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương.

Nhờ sự linh hoạt trong chỉ đạo của hội LHPN các cấp và sự nhạy bén, chủ động, trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ, các hoạt động của hội đang từng bước được đổi mới về nội dung và phương thức truyền tải để phù hợp thời đại công nghệ số. Nhờ đó, giúp hội viên, phụ nữ mạnh dạn tham gia quá trình chuyển đổi số, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong nhiều hoạt động, góp phần xây dựng hội vững mạnh.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/chuyen-doi-so/phu-nu-soc-trang-tich-cuc-tham-gia-cuoc-dua-chuyen-doi-so-74018.html