Nghị trường 'nóng' với tranh luận chuyển phân bón sang chịu thuế 5%

Chiều 24/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Vấn đề chuyển mặt hàng phân bón từ không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế VAT nhận được sự quan tâm của nhiều các đại biểu.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) phát biểu tại hội trường chiều 24/6.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) phát biểu tại hội trường chiều 24/6.

Theo dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi, mặt hàng phân bón được chuyển từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Theo cơ quan soạn thảo, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm khiến giá thành sản phẩm tăng, lợi nhuận giảm, bất lợi cho việc cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề trên vì có thể ảnh hưởng đến quyền lợi người nông dân và nền nông nghiệp. Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) cho biết, phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. “Thuế VAT là thuế gián thu, người chịu thuế VAT là người tiêu dùng cuối cùng, vì vậy việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5%, người nông dân trực tiếp sử dụng phân bón sẽ chịu tác động lớn,” ông Tú nói.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ hơn về tác động của việc chuyển phân bón sang mặt hàng chịu thuế suất thuế VAT 5%, những tác động đến giá thành phân bón trên thị trường trong nước sẽ như thế nào và giá phân bón sẽ tăng hay giảm bao nhiêu?

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) nêu ý kiến cử tri phản ánh chi phí đầu tư cho mỗi kỳ canh tác gồm giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật, giá xăng dầu, giá thuê nhân công, vận chuyển... đều tăng mạnh. Sự mâu thuẫn giữa giá nông sản và giá phân bón kéo dài thời gian qua vẫn luôn là vấn đề nóng của nông nghiệp Việt Nam.

Đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%. “Nếu đánh thuế 5% đối với mặt hàng phân bón thì nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỷ đồng, còn nếu áp thuế 0% thì khoảng 2.000 tỷ đồng từ NSNN sẽ được hỗ trợ lại cho doanh nghiệp và nông dân,” đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng).

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng).

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) cho rằng cần có khảo sát, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế với mức thuế suất là 5% ở cả hai góc độ. Một là nhìn từ góc độ tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hai là góc độ tác động từ việc tăng giá của sản phẩm phân bón, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Ông Tuấn đề nghị không tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, nhưng bổ sung doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước vào khoản 1 Điều 5 của dự thảo Luật là đối tượng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Ngoài ra, để khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch, đại biểu cho rằng Luật cần phải phân loại “mặt hàng phân bón” ra thành hai nhóm hàng hóa. Đó là "phân bón hóa học" và "phân bón hữu cơ", trong đó đặc biệt ưu tiên miễn thuế giá trị gia tăng và nhiều chính sách ưu đãi khác đối với mặt hàng phân bón hữu cơ.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) chia sẻ “ấm ức” của các doanh nghiệp hiện nay khi không phải đối tượng chịu thuế GTGT nhưng lại không được hoàn thuế đầu vào các vật tư sản xuất, làm sản phẩm kém tính cạnh tranh hơn hàng nhập khẩu ngay trên sân nhà. Tuy nhiên theo ông, đánh thuế VAT 5% với phân bón lại thu từ người nông dân. Bởi đặc thù nông nghiệp Việt Nam là nhỏ lẻ, không đủ điều kiện khấu trừ VAT đầu vào nên toàn bộ 5% sẽ cấu phần từ giá thành nông phẩm.

Tăng thuế thì doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, Nhà nước tăng thu nhưng nông dân có thể chịu thiệt, ông bày tỏ trăn trở.

Với lập luận doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào khi chịu thuế 5% sẽ giảm giá thành sản phẩm, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng chỉ là lý thuyết trong điều kiện kinh tế tập trung kế hoạch. Còn hiện nay là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn trong nước đều đã hội nhập hoàn toàn với quốc tế, giá sản phẩm do thị trường thế giới quyết định.

Nếu giá trong nước thấp, doanh nghiệp sẵn sàng xuất khẩu để thu lợi nhuận tối đa, không thể đòi hỏi doanh nghiệp hi sinh lợi ích chính đáng này. Đại biểu Trần Văn Lâm

Từ phân tích trên, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị không nên chuyển các mặt hàng phân bón, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng, tàu đánh bắt xa bờ sang đối tượng chịu thuế giá trị tăng, nếu chuyển thì nên đưa vào đối tượng chịu thuế suất 0%, doanh nghiệp có thể được hoàn đầu vào mà không ảnh hưởng đến nông dân.

"NÓI GIÁ PHÂN BÓN TĂNG DO TĂNG THUẾ LÀ KHÔNG ĐÚNG"

Ở chiều ngược lại, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) cho rằng, việc đưa mặt hàng phân bón trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp, giúp cho doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu, qua đó giúp cho doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân, tăng thu nhập cho ngân sách Nhà nước. Đại biểu cũng nêu thực tế, nhiều nước trên thế giới đã coi phân bón là đối tượng chịu thuế như Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Thái Lan...

Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai), Luật Thuế GTGT (VAT) liên quan đến 25% thu ngân sách, liên quan đến mọi đối tượng nên cần có một sắc thuế trung lập, khách quan để xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh. Đại biểu nhận thấy, việc Chính phủ đề xuất mức thuế 5% đối với mặt hàng phân bón và một số mặt hàng nông nghiệp là có cơ sở, cần đánh giá nhiều chiều và phân tích thấu đáo.

Đại biểu đề nghị làm rõ giá phân bón tăng thời gian qua có phải do tăng thuế không? Ông cho rằng điều này không đúng vì giá phân bón tăng là do chi phí đầu vào, do vật tư… Do đó, nếu cho rằng tăng thuế mặt hàng này lên 5% làm tăng giá phân bón thì cần phải đánh giá hết sức kỹ lưỡng.

“Nếu doanh nghiệp được khấu trừ 5% này thì họ được đầu tư mở rộng thêm. Giá phân bón trong nước có thể cạnh tranh được với nhập khẩu thì người dân được lợi chứ không phải bị thiệt,” đại biểu phân tích.

Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, ông An cho rằng cần nhiều phương án, chính sách khác nhau. Tuy nhiên ông không đồng tình với ý kiến đề nghị khấu trừ hoặc đưa về mức thuế suất 0% vì đây là chính sách chỉ áp dụng cho xuất khẩu. “Chúng ta cần lựa chọn một giải pháp phù hợp. Đề nghị Chính phủ cần thiết xây dựng các tiêu chí, xác định rõ xem mặt hàng nào là không chịu thuế, mặt hàng nào là 0%, mặt hàng nào là 5%, 10%”, đại biểu nêu rõ.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nghi-truong-nong-voi-tranh-luan-chuyen-phan-bon-sang-chiu-thue-5-post35983.html