Phụ nữ tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường: Nhiều cách làm mới

Sau hơn hai năm triển khai, hội phụ nữ các cấp có nhiều mô hình, cách làm mới trong thực hiện Đề án tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Phụ nữ tự quản, ngõ sạch, phố đẹp

Trước đây, tại một số tuyến đường ngõ ở thôn Dĩnh Xuyên, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) thường xuyên có tình trạng lá rụng phủ lối đi, cỏ mọc um tùm. Giờ đây, cảnh quan môi trường của thôn đã đổi khác. Những con đường bê tông phẳng phiu, vững chắc trải dài, hai bên đường được trồng hoa, cây xanh.

Cán bộ Hội LHPN xã Đồng Tâm (Yên Thế) hướng dẫn phân loại rác thải cho hội viên thôn Liên Cơ.

Cán bộ Hội LHPN xã Đồng Tâm (Yên Thế) hướng dẫn phân loại rác thải cho hội viên thôn Liên Cơ.

Được biết, thời gian qua Chi hội Phụ nữ thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định. Bên cạnh đó, các chị phối hợp với các đoàn thể khác như Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường, vận động 100% gia đình hội viên ký cam kết giữ gìn vệ sinh, hướng dẫn các hộ chủ động phân loại rác tại nhà. Nhờ đó, người dân trong thôn không còn tùy tiện đổ rác ra đường.

Đa số các hộ đều trang bị thùng đựng và tự phân loại rác tại nhà. Các hộ chăn nuôi đầu tư làm hệ thống hầm biogas để xử lý chất thải, ngăn ngừa ô nhiễm, tránh làm ảnh hưởng tới cuộc sống của các hộ lân cận. Thành viên tổ phụ nữ tự quản luôn nêu cao trách nhiệm, nhắc nhở người thân trong gia đình và người dân cùng vệ sinh đường làng, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm.

Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn từ những việc nhỏ nhất, chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình “Ngõ tự quản của phụ nữ” đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Yên Dũng phát triển rộng khắp các xã, thị trấn. Đến nay, đã có 157 mô hình được triển khai tại các chi hội.

Chị Trịnh Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phùng Hưng, xã Tư Mại (Yên Dũng) cho biết: Sau gần 2 tháng triển khai “Ngõ phụ nữ tự quản”, đến nay các gia đình hội viên tổ chức vệ sinh, làm sạch đẹp ngõ xóm đã trở thành thói quen. Khi gia đình này bận thì gia đình hội viên khác sẽ giúp đỡ. Qua đó không chỉ góp phần giữ gìn cảnh quan xanh- sạch- đẹp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân mà còn gắn kết tình làng nghĩa xóm thông qua các buổi lao động tập trung, góp phần xây dựng nếp sống văn minh.

Ở nhiều địa bàn nông thôn, các chi hội phụ nữ sáng tạo trong giữ gìn về sinh môi trường, mang lại hiệu quả thiết thực như: Lắp đặt thùng rác tự quản tại gia đình ở xã Song Mai (TP Bắc Giang); những cánh đồng không có bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở huyện Yên Dũng...

Nhân rộng "Gia đình 5 có, 3 sạch”

Thực hiện Đề án, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, TP xây dựng mô hình điểm “Gia đình 5 có, 3 sạch”. 5 có là: Có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa; 3 sạch là: Sạch nhà, sạch bếp và sạch ngõ.

Mô hình "Gia đình 5 có, 3 sạch" kế thừa các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch” với mức độ cao hơn để phù hợp với giai đoạn mới và được triển khai tại các địa bàn đã về đích nông thôn mới, đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao.

Đồng chí Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Việc xây dựng mô hình là cách làm sáng tạo, thiết thực nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và đội ngũ cán bộ hội các cấp trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Mô hình kế thừa các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch” với mức độ cao hơn để phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn mới và được triển khai tại các địa bàn đã về đích nông thôn mới, đang tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao.

Với mô hình này, các chị em có dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, phòng, chống bạo lực gia đình, cách chăm sóc, nuôi dạy con, kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… tạo sự đoàn kết, gắn bó, cải thiện chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và thúc đẩy các thành viên tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, nhất là nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Với sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh, ngày 27/4/2023, 9 mô hình điểm tại 9 xã, thị trấn với hơn 1,6 nghìn thành viên tham gia đã được Hội LHPN các huyện, TP đồng loạt ra mắt.

Chị Nguyễn Thị Duy Hiếu, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Tâm (Yên Thế) cho biết: "Chúng tôi lựa chọn thôn Liên Cơ để triển khai điểm vì đây là thôn nông thôn mới kiểu mẫu. 128 hội viên phụ nữ tham gia là đại diện của những hộ điển hình trong các phong trào thi đua tại địa phương. Để hoạt động hiệu quả, Hội LHPN xã thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động, thăm hỏi các thành viên và chia sẻ kiến thức mới, hướng dẫn bà con thực hiện bảo đảm hiệu quả, thiết thực".

Với ý nghĩa, mục tiêu của mô hình, kế thừa kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN các cấp trong tỉnh nhân rộng ra các địa bàn. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn triển khai nội dung "5 có, 3 sạch" gắn với vun đắp giá trị gia đình Việt Nam phù hợp với tình hình thực tế. Tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ cùng các thành viên trong gia đình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng cuộc sống gia đình "no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", phát triển kinh tế - xã hội địa phương .

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/405550/phu-nu-tham-gia-giu-gin-ve-sinh-moi-truong-nhieu-cach-lam-moi.html