Phụ nữ thay đổi hành vi trong bảo đảm an toàn thực phẩm

Thời gian qua, nhiều mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) không chỉ tác động đến bản thân hội viên phụ nữ mà còn tạo chuyển biến mạnh mẽ đến cộng đồng xã hội.

Hiệu quả từ mô hình trồng rau sạch tại nhà

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã chủ động tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên, Nhân dân về ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.

Chủ tịch Hội LHPN phường Phương Canh Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, Hội đã ra mắt các Chi hội thay đổi hành vi trong ATTP đối với 8/8 Chi hội Phụ nữ khu dân cư trên địa bàn như các mô hình “Chi hội thay đổi hành vi trong ATTP”, “Trồng rau sạch tại nhà”...

Hội viên phụ nữ phường Phương Canh tận dụng những khoảng đất trống, góc sân tại nhà để trồng rau sạch.

Hội viên phụ nữ phường Phương Canh tận dụng những khoảng đất trống, góc sân tại nhà để trồng rau sạch.

Các mô hình nhằm tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thay đổi thói quen, chuyển đổi hành vi trong ATTP như: hạn chế sử dụng túi nilon; nói “không” với thực phẩm bẩn; sử dụng làn nhựa đi chợ hàng ngày, bảo đảm vệ sinh bếp ăn, sử dụng 2 dao 2 thớt trong chế biến thực phẩm…

Thời gian qua, Hội LHPN quận Nam Từ Liêm, đã ra mắt và duy trì nâng cao chất lượng hoạt động của 119 mô hình “Chi hội thay đổi hành vi ATTP”. Các mô hình này không chỉ tác động đến bản thân hội viên phụ nữ mà còn tác động cả đến cộng đồng, góp phần tạo chuyển biến trong thực hành các hành vi bảo đảm ATTP.

Chủ tịch Hội LHPN quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Kim Dung

Không chỉ vậy, hàng năm, Hội LHPN phường cũng thành lập 1 đoàn kiểm tra, giám sát các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm do chính hội viên phụ nữ làm chủ.

Từ năm 2022 đến nay, Hội LHPN phường Phương Canh đã ra mắt thành công và duy trì mô hình “Trồng rau sạch tại nhà”.

Theo đó, các hộ gia đình đã tận dụng khu đất trống hay các khoảng sân thượng để cải tạo, thiết kế trồng đan xen các loại rau màu với mục đích cải thiện bữa ăn cho gia đình. Ngoài ra, việc trồng rau sạch cũng góp phần tạo thêm khoảng xanh cho ngôi nhà, động viên các thành viên trong gia đình sau một ngày làm việc, lao động vất vả trở về nhà cùng nhau lao động, nấu ăn…

Từ 2 chi hội với 30 hội viên, đến nay, tổng số hộ gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ hưởng ứng mô hình trồng rau sạch tại nhà đã tăng lên đến 8/8 chi hội khu dân cư với 70 hộ.

Việc tận dụng những khoảng đất trống, góc sân tại nhà để trồng rau sạch không phải là mô hình mới. Tuy nhiên, để tạo thành một hoạt động ý nghĩa, phong trào rộng khắp hiệu quả được đông đảo hội viên phụ nữ cùng tham gia là một điểm mới.

Để tiếp tục lan tỏa, nhân rộng mô hình trồng rau sạch tại nhà, Chủ tịch Hội LHPN phường Phương Canh đề xuất Hội LHPN các cấp thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn lựa chọn rau an toàn; lựa chọn cách trồng và chăm sóc rau phù hợp với kinh tế của mỗi gia đình.

Ngoài ra, Hội Phụ nữ cơ sở căn cứ tình hình thực tế, vận động các nguồn lực kinh tế để chia sẻ, hỗ trợ hạt giống, cây giống cho hội viên, tạo mọi điều kiện cho nhiều hộ tham gia, tạo thành một phong trào trồng rau xanh, sạch rộng khắp trong toàn địa bàn.

Bảo vệ môi trường từ mô hình phân loại rác hữu cơ

Không chỉ ra mắt các mô hình “Chi hội phụ nữ thay đổi hành vi trong ATTP”, Hội LHPN phường Cầu Diễn còn tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân tham gia thực hiện mô hình phân loại và xử lý, tái chế rác thải tại hộ gia đình nhằm bảo đảm các thực phẩm an toàn, bảo vệ môi trường sống.

Chủ tịch Hội LHPN phường Cầu Diễn Lê Thị Hồng cho biết, năm 2023, Hội LHPN phường tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, hội viên về mô hình phân loại rác hữu cơ là các loại cơm, rau, canh, xương, vỏ trứng… ủ cùng với men, mật để biến rác thải thành phân bón.

Hiện nay, một số gia đình hội viên tại Chi hội 2 vẫn đang duy trì triển khai mô hình, đem lại hiệu quả cao. Nước ủ từ rác thải hữu cơ trong sinh hoạt gia đình trở thành phân bón cho cây cối, rau quả trong vườn nhà; vừa hạn chế được lượng rác thải ra môi trường, vừa đem lại nguồn rau sạch cho bữa ăn gia đình.

Hàng ngày, tại chợ cóc Nguyễn Đổng Chi (phường Cầu Diễn), thải ra một lượng vỏ dứa rất lớn. Đây là một trong những nguồn nguyên liệu có thể tận dụng rất tốt cho việc làm IMO (loại chế phẩm được điều chế bằng cách tận dụng các nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương).

Việc trồng rau sạch góp phần tạo thêm khoảng xanh cho ngôi nhà.

Việc trồng rau sạch góp phần tạo thêm khoảng xanh cho ngôi nhà.

Do đó, hội viên phụ nữ Chi hội 5, Hội LHPN phường Cầu Diễn đã học hỏi trên mạng, áp dụng thành công nước IMO bồ hòn kết hợp vỏ dứa để sử dụng làm nước rửa bát, ngâm rau củ quả, lau nhà, tẩy rửa nhà vệ sinh, chăm sóc rau sạch và cây cảnh…

Lúc đầu chỉ vài người tham gia nhưng đến nay có khoảng 20 thành viên tham gia mô hình này. Đây là một sản phẩm rất hữu ích cho các bà nội trợ, vừa giảm được chi phí, vừa bảo đảm ATTP, bảo vệ môi trường sinh thái.

Trên cơ sở thành công của Chi hội 5, Hội LHPN phường Cầu Diễn đã ra mắt mô hình tại phường để lan tỏa tới các chi hội khác trên địa bàn. “Chúng ta cần phải có giải pháp triệt để, triển khai đồng bộ từ các cấp, ngành thì vấn đề phân loại rác thải tại nguồn mới có thể thành công, đạt hiệu quả cao” – Chủ tịch Hội LHPN phường Cầu Diễn Lê Thị Hồng nhấn mạnh.

Việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Đặc biệt, với lượng rác hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50 - 70%) như lá rau, vỏ củ, quả, lá cây… Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường, tạo được nguồn thực phẩm an toàn cho các gia đình.

Chủ tịch Hội LHPN phường Cầu Diễn Lê Thị Hồng

Hà Linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phu-nu-thay-doi-hanh-vi-trong-bao-dam-an-toan-thuc-pham.html