Phụ nữ thời 4.0 và chuyện 'nữ công gia chánh'

Từ xưa, quan điểm 'nữ công gia chánh' luôn được xem là thước đo để đánh giá phẩm chất người phụ nữ. Tuy nhiên, đối với phụ nữ thời hiện đại, khái niệm này đã có nhiều thay đổi. Làm sao để vừa hoàn thành tốt công việc xã hội bận rộn, mà vẫn 'giữ lửa' hôn nhân, chăm lo tốt cho tổ ấm, con cái, người thân là vấn đề mà nhiều người phụ nữ trong xã hội hiện nay luôn hướng tới.

Hai vợ chồng chị Nhũ Thị Thanh Thủy, phường Phố Cò (TP. Sông Công) cùng nhau chia sẻ việc nhà, xây đắp hạnh phúc tổ ấm.

Hai vợ chồng chị Nhũ Thị Thanh Thủy, phường Phố Cò (TP. Sông Công) cùng nhau chia sẻ việc nhà, xây đắp hạnh phúc tổ ấm.

Người “xây tổ ấm”

Cha ông ta vẫn có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, ý nói người đàn ông lo đáp ứng nhu cầu về vật chất, công danh, còn vai trò của người phụ nữ trong cuộc sống lại gắn với công việc nhà, chăm lo vun vén hạnh phúc gia đình, nội trợ, chăm sóc nhà cửa, con cái. Nhưng đó là quan niệm từ ngày xưa, còn ngày nay, phụ nữ không chỉ quanh quẩn trong nhà làm nội trợ, mà phần lớn đều tham gia công tác xã hội, ra ngoài kiếm tiền, bình đẳng với nam giới.

Chung sống trong gia đình có ba thế hệ nên ông Lưu Văn Hùng, xóm Gốc Vối 2, xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên) hiểu rất rõ về sự thay đổi của vai trò người phụ nữ xưa và nay. Ở độ tuổi 70, song ông vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, cùng vợ chồng người con út chăm sóc vườn rau, cây trái trong nhà bốn mùa xanh tốt, trĩu quả. Trò chuyện với chúng tôi, ông cười bảo: Thời chúng tôi, hầu hết phụ nữ chỉ ở nhà lo cơm dẻo, canh ngọt, may vá, thêu thùa, chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con cái. Ngày nay, phụ nữ ra ngoài làm công tác xã hội không hề thua kém cánh đàn ông. Bằng chứng là, ngày càng có nhiều phụ nữ giữ vai trò cán bộ quản lý tại các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp.

Theo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, hiện toàn tỉnh có 188 cơ sở hội (gồm 177 hội liên hiệp phụ nữ xã, phường, thị trấn và 11 cơ sở trực thuộc), có 2.254 chi hội; trên 309 nghìn hội viên.

Trong số này, nhiều chị em là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã và là chủ hộ giữ vai trò phát triển kinh tế chủ đạo trong gia đình. Song phải khẳng định, người phụ nữ dù ở thời nào thì vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng tổ ấm gia đình.

Nói về vấn đề này, PGS.TS tâm lý Phùng Thị Hằng cho biết: Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ được coi trọng, tôn vinh, được tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, dù người phụ nữ có tham gia công tác nào thì họ vẫn giữ vai trò làm vợ, làm mẹ, họ có những phẩm chất mà người đàn ông khó có được: Sự dịu dàng, lòng vị tha, sự kiên nhẫn, sự khéo léo trong ứng xử giao tiếp… Tất cả điều đó cần thiết để tạo dựng cuộc sống hạnh phúc gia đình, giúp người phụ nữ làm tròn bổn phận làm vợ, làm mẹ, khẳng định vai trò “giữ lửa” trong cuộc sống gia đình.

Đồng tình với quan điểm phụ nữ cơ bản là người quản lý và sắp xếp tài chính trong mỗi gia đình, tổ chức các hoạt động hằng ngày, đến lên kế hoạch cho tương lai, chị Nguyễn Thị Trang, xã Thanh Ninh (Phú Bình) bày tỏ: Thời nào thì tôi thấy nữ công gia chánh vẫn là nét đẹp mà mỗi người phụ nữ cần có, là điểm hấp dẫn của người phụ nữ, luôn được mọi người yêu mến, trân trọng. Thời hiện đại, phụ nữ tham gia nhiều công việc xã hội nên bếp núc, may vá có sự thay đổi là điều đương nhiên. Vấn đề là người phụ nữ thông minh phải biết điều chỉnh phù hợp. Người phụ nữ thành công với tôi, không chỉ là kiếm nhiều tiền, làm cán bộ, lãnh đạo giỏi, mà cũng phải biết vào bếp nấu bữa cơm ngon cho gia đình, biết chăm sóc, dạy dỗ con nên người. Chính vì thế, phụ nữ ngày nay khoác trên mình thêm nhiều gánh nặng hơn.

Cần sự đồng hành, sẻ chia

Cũng chính bởi phụ nữ tham gia làm công tác xã hội, đóng góp vào việc phát triển kinh tế, nên quan niệm “nữ công gia chánh” ngày nay đã có phần thay đổi. Ngày càng có nhiều người đàn ông sẵn sàng chung tay san sẻ công việc nhà cửa, chăm sóc con cái với vợ. Hình ảnh những người đàn ông sau giờ làm việc về nhà lau nhà, nấu cơm, rửa bát không còn là hiếm.

Bữa cơm đầm ấm, hạnh phúc của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, phường Mỏ Chè (TP. Sông Công).

Bữa cơm đầm ấm, hạnh phúc của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, phường Mỏ Chè (TP. Sông Công).

Trong căn nhà gọn gàng, ngăn nắp của gia đình chị Nhũ Thị Thanh Thủy, ở tổ dân phố Thanh Xuân 2, phường Phố Cò (TP. Sông Công), chúng tôi thấy nhiều đồ dùng hiện đại được trang bị giúp việc nội trợ trở nên nhẹ nhàng hơn. Ngày cuối tuần thư thả ngồi cắm hoa ngoài bàn trà ở sân vườn cùng chồng sau khi dọn dẹp nhà cửa, chị chia sẻ: Hai vợ chồng tôi đang làm công nhân ở Nhà máy Mani khá bận rộn. Khi trở về nhà, chúng tôi mỗi người một việc, người nấu nướng, người dọn dẹp và cùng chăm lo, giáo dục con cái. Tôi thấy làm việc nhà là một thú vui tiếp thêm động lực sau mỗi ngày làm ca kíp mệt nhoài ở công ty.

Ấm áp, giản dị, tràn đầy tình yêu thương cũng là những gì chúng tôi cảm nhận được khi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, ở tổ 8, phường Mỏ Chè (TP. Sông Công). Chị Huệ là trụ cột gia đình trong phát triển kinh tế, đồng thời là người phụ nữ đảm đang được bà con xóm làng yêu thương, trân trọng. Sự khéo léo của chị không chỉ ở việc chị biết sắp xếp công việc gia đình mà còn là sợi dây kết nối giữa các thành viên cùng chung tay vun đắp tổ ấm. Ngoài công việc ở công ty, chồng chị - anh Hứa Đức Sánh cùng con trai lại xăn xắn tay chân cùng lau nhà, rửa bát, nấu cơm hỗ trợ vợ. Anh bảo: Tôi thấy vợ mình làm việc ở công ty đã rất vất vả, nên thường bảo ban các con về nhà giúp mẹ làm việc nhà, cùng xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc.

Ngoài được chồng, con, người thân hỗ trợ, san sẻ gánh nặng việc nhà, để cân bằng công việc xã hội và gia đình, nhiều người phụ nữ đã chủ động mua sắm, sử dụng các thiết bị hiện đại như máy rửa bát, rô bốt hút bụi, máy giặt, sấy quần áo… để giảm bớt thời gian, công sức vào công việc nhà, để chuyện “nữ công gia chánh” không còn là gánh nặng.

Thực tế cho thấy, dù xưa hay nay thì vai trò của phụ nữ hiện đại trong việc xây dựng tổ ấm gia đình là không thể thay thế, họ vừa là người hỗ trợ, vừa là người định hướng và thúc đẩy sự phát triển của cả gia đình. Để phát huy vai trò của người phụ nữ trong thời đại mới, đòi hỏi mỗi phụ nữ thời 4.0 cần linh hoạt, khoa học sắp xếp hài hòa giữa công việc xã hội và gia đình.

Nhằm giúp chị em phụ nữ thể hiện tốt nhất vai trò của mình, thời gian qua, hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc trong thời công nghệ 4.0. Đồng thời các cấp hội cũng hỗ trợ xây dựng các mô hình mẫu phụ nữ làm kinh tế giỏi, là chủ hợp tác xã, mô hình gia đình 5 không 3 sạch, nhà sạch vườn đẹp; hộ gia đình 3 sạch nông thôn mới… Qua đó, vừa khẳng định được vai trò của người phụ nữ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, vừa phát huy vai trò truyền thống của người phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc.

Theo một số liệu nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, có đến 90% số người làm đầu bếp là đàn ông. Điều này cho thấy, người đàn ông hoàn toàn có khả năng nấu nướng, nội trợ như người phụ nữ. Như vậy, làm việc nhà giống nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa là hoạt động liên quan đến bản năng, thiên hướng tự nhiên của con người, chứ không phụ thuộc vào những “khuôn mẫu”, trói buộc nữ giới.

Hải Hằng - Linh Lan

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202410/phu-nu-thoi-40-va-chuyen-nu-cong-gia-chanh-8cd0756/