Phụ nữ thường vượt trội hơn nam giới trong môn bắn súng Olympic, đã đến lúc thi đấu chung?

Cơ quan quản lý môn thể thao này cho biết có rất ít sự khác biệt về thành tích giữa các giới tính. Và vì đây lại không phải là môn đối kháng trực tiếp, nên có người mới đặt ra câu hỏi thú vị: Đàn ông và phụ nữ có nên cạnh tranh trực tiếp với tư cách cá nhân không?

Hãy tưởng tượng bạn đang xem nội dung tiếp sức 4x400m hỗn hợp trên đường đua ở Paris 2024, kiểm tra thời gian cho từng vòng chạy và phát hiện ra rằng VĐV nữ ở hầu hết các đội trong trận chung kết đều chạy nhanh hơn nam. Hoặc hãy tưởng tượng xem bạn đang xem nội dung tiếp sức hỗn hợp trong hồ bơi, trong đó mỗi đội chỉ định hai nữ và hai nam thực hiện các lần xuống nước và xem nữ vượt qua nam ở nội dung bơi bướm.

Nhưng cụ thể hơn, không cần phải tưởng tượng, đó là sự kiện tranh huy chương đầu tiên Paris 2024, môn bắn súng trường hơi đồng đội hỗn hợp và chứng kiến phụ nữ đạt điểm cao hơn nam giới ở 8 trong số 10 đội dẫn đầu. Ở vòng loại, chỉ có Kazakhstan và Mexico lọt vào top 10 với VĐV nam trong đội bắn súng hai người của họ có thành tích tốt hơn nữ. Xạ thủ của Kazakhstan, Islam Satpayev, có số điểm cao nhất loạt bắn vòng loại, nhưng 5 điểm cao tiếp theo thuộc về nữ. Ở đầu bên kia của bảng, sáu điểm kém nhất đều thuộc về VĐV nam giới.

Satpayev thi đấu không tốt trong trận tranh huy chương đồng, nhưng nữ đồng đội Alexandra Le đã giúp Kazakhstan lên bục vinh quang khi có thành tích gần ngang với xạ thủ nam. Trong trận tranh huy chương vàng, Huang Yuting, 17 tuổi, là VĐV bắn súng ổn định nhất khi cô và đồng đội của mình, Sheng Lihao, 19 tuổi, vượt qua Hàn Quốc.

Kết quả này không phải là một sự may mắn. Các nhà nghiên cứu đã xem kết quả của Tokyo 2020 và hầu như không tìm thấy sự khác biệt giữa nam và nữ trong các cuộc thi súng hơi. Liên đoàn bắn súng thể thao quốc tế đã thừa nhận : “Mặc dù ISSF muốn duy trì hai hạng mục nam và nữ riêng biệt như các môn thể thao khác, nhưng bằng chứng thực tế thi đấu xác nhận rằng nam và nữ thường có điểm số tương tự nhau. Vì vậy, riêng bắn súng, không nhất thiết phải thi đấu theo giới tính nhân danh sự công bằng”.

Có một chi tiết thú vị, đó là khi phụ nữ lần đầu tiên có mặt ở môn bắn súng Olympic, thì họ lại thi đấu chung với nam trong các sự kiện mở rộng (dành cho cả nam và nữ) vào năm 1968 ở Helsinki – Phần Lan. Vào năm 1976, nữ xạ thủ Margaret Murdock về nhất ở nội dung súng trường ba vị trí cùng điểm với VĐV nam Lanny Bassham. Căn cứ trên một vài tiêu chí, HCV đã được trao cho Bassham, nhưng anh vẫn nhất quyết đòi đưa người nữ đồng hương Mỹ của mình bước lên bục cao nhất. Nhiều năm sau, Bassham tiếp tục nói rằng Murdock xứng đáng nhận được HCV.

Tuy nhiên, chỉ có một số phụ nữ thi đấu ở các nội dung mở rộng vào năm 1976 và 1980. Bắt đầu từ năm 1984, các nội dung dành cho nữ dần dần được thêm vào Thế vận hội, và lần cuối cùng mà nam, nữ thi đấu chung với nhau là ở Barcelona 1992, khi đó có xạ thủ nữ là Shan Zhang của Trung Quốc, đã giành được HCV. Giờ đây, nam và nữ chỉ thi đấu với nhau trong các nội dung đồng đội hỗn hợp.

Ngược lại, tại các trường đại học Mỹ, nam và nữ cạnh tranh nhau trong các cuộc thi bắn súng, dẫn đến một số trường hợp thú vị. Ví dụ như Mary Tucker, người giành huy chương bạc môn súng trường hơi đồng đội hỗn hợp ở Tokyo, đã giành chiến thắng ở trường đại học với thành tích ngang với với người đoạt huy chương vàng ở Tokyo là xạ thủ nam Will Shaner.

Phụ nữ cần sự kiện riêng hay nên tổ chức sự kiện riêng là hai câu hỏi khác nhau. Đó là câu hỏi dành cho các môn thể thao thuộc về yếu tố trí tuệ, tinh thần hơn là thể chất, như cờ vua và poker. Jennifer Shahade, một tay chơi poker thành đạt, người nữ đầu tiên chiến thắng giải đấu, cho biết: “Ngay cả với sự thành công của phụ nữ trong các giải đấu mở rộng, các giải đấu cờ vua dành riêng cho nữ vẫn rất đáng hoan nghênh vì chúng giúp giải quyết sự mất cân bằng lịch sử về bình đẳng giới”.

Trong Thế vận hội, các vận động viên sẽ không muốn kết hợp nội dung của nam với nội dung của nữ nếu điều đó có nghĩa là môn thể thao của họ sẽ có ít nội dung hơn. Nhưng bắn súng Olympic hiện có ít nội dung hơn so với giải vô địch thế giới. Có lẽ việc kết hợp nam và nữ trong môn súng hơi sẽ mở ra cơ hội mang trở lại một trong những nội dung bắn súng đã bị loại khỏi Thế vận hội trong những năm qua, chẳng hạn như súng trường nằm sấp hoặc nội dung từ khoảng cách xa hơn.

Tuy nhiên, không chỉ bắn súng mà chúng ta thấy kết quả của phụ nữ đôi khi ngang bằng với kết quả của nam giới. Bắn cung, giống như bắn súng, có một nội dung đồng đội hỗn hợp trong đó điểm số của nam và nữ được cộng lại, cự ly (70m) và kích thước mục tiêu là như nhau cho cả hai giới. Nam thường đạt điểm cao hơn, mặc dù kỷ lục thế giới của nữ là 694 cao hơn điểm số của nam cao nhất là 686 ở Thế vận hội. Cung thủ người Mỹ Brady Ellison giữ kỷ lục thế giới của nam cũng chỉ ở mức 702. Trong bảng xếp hạng kỷ lục của bắn cung, số điểm của cung thủ nam trung bình 658,9 điểm còn nữ đạt trung bình 646,8. Chênh lệch không lớn.

Tính đến thời điểm hiện tại, cuộc thi duy nhất mà phụ nữ đối đầu với nam giới, trong các nội dung cá nhân, là cưỡi ngựa. Liệu bắn súng có trở thành sự kiện tiếp theo trong đó nam và nữ cạnh tranh với nhau với tư cách cá nhân hay không thì chưa biết, nhưng trong số tất cả các môn thể thao trong chương trình Olympic hiện tại, đây là ứng cử viên có nhiều khả năng làm được điều đó nhất.

LONG KHANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phu-nu-thuong-vuot-troi-hon-nam-gioi-trong-mon-ban-sung-olympic-da-den-luc-thi-dau-chung-post751560.html