Phụ nữ toàn cầu vẫn đối mặt bất bình đẳng việc làm
Dù đã đạt được nhiều tiến bộ, bất bình đẳng dai dẳng vẫn tồn tại giữa nam giới và nữ giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và điều kiện làm việc.
Báo cáo từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 cho thấy nữ giới trên toàn cầu vẫn gặp bất lợi trong tìm kiếm cơ hội việc làm cũng như dễ trở thành nạn nhân của thất nghiệp.
Khoảng cách về cơ hội tiếp cận việc làm
Theo báo cáo "Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới – Xu hướng cho Phụ nữ: Báo cáo nhanh 2018" mới được ILO công bố, 48,5% phụ nữ trên thế giới tham gia vào lực lượng lao động. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nam giới tham gia lực lượng lao động, hiện ở mức 75%.
Trên toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới là 6%. Dẫu đã giảm 0,2% so với thống kê năm 2017, tỷ lệ này vẫn cao hơn 0,8% so với nam giới.
“Triển vọng về việc làm của phụ nữ còn rất lâu mới có thể bình đẳng so với nam giới dù cho đã đạt được nhiều tiến bộ và có nhiều cam kết cải thiện hơn nữa tình trạng này” bà Deborah Greenfield, phó tổng giám đốc ILO phụ trách chính sách, cho biết.
Bà Greenfield khẳng định cộng đồng quốc tế cần hành động mạnh mẽ hơn để đảo ngược tình trạng bất bình bình đẳng dai dẳng mà phụ nữ phải gánh chịu, đưa ra các chính sách hướng tới phụ nữ, giảm nhẹ các trách nhiệm gia đình đã và đang kìm hãm sự phát triển của phụ nữ.
Báo cáo của ILO cho thấy sự chênh lệch trong cơ hội tiếp cận việc làm giữa nam giới và nữ giới có sự khác biệt giữa các khu vực, tùy thuộc vào mức độ giàu có của các quốc gia.
Tình trạng bất bình đẳng trong lao động tại các nước phát triển là tương đối nhỏ và đang ngày càng thu hẹp. Trong khi đó, bất bình đẳng trên thị trường lao động đang ngày một gia tăng tại các nước đang phát triển, đặc biệt tại các quốc gia Arab và Bắc Phi.
Bất bình đẳng trong chất lượng việc làm
Bất chấp sự phát triển kinh tế xã hội, chất lượng việc làm của phụ nữ vẫn còn khoảng cách đáng kể so với nam giới. Trong nhiều trường hợp, phụ nữ tham gia vào những công việc gia đình hoặc công việc phi chính thức, loại hình công việc không có hợp đồng bằng văn bản, thiếu sự tôn trọng và bảo vệ của pháp luật lao động, cũng như không có thỏa ước tập thể.
Tại các nước đang phát triển, số phụ nữ tham gia loại hình công việc trên chiếm 42% tổng lực lượng lao động nữ, nhiều hơn gấp đôi so với tỷ lệ 20% của nam giới.
Trong lĩnh vực kinh doanh, ILO ghi nhận số lượng nam giới đảm trách vị trí người sử dụng lao động cao gấp 4 lần so với nữ giới. Số liệu tương tự được ghi nhận đối với các vị trí quản lý.
Các chuyên gia nhận định bất bình đẳng dai dẳng mà phụ nữ phải gánh chịu sẽ làm giảm khả năng các xã hội xây dựng lộ trình tăng trưởng kinh tế cùng với phát triển xã hội.
"Xóa bỏ khoảng cách giới trong thế giới việc làm cần được ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030”, Damian Grimshaw, vụ trưởng vụ Nghiên cứu của ILO, kết luận.
Bất bình đẳng về giới trên thị trường lao động Việt Nam
Dẫu bất bình đẳng giới trên thị trường lao động Việt Nam không rõ rệt như tại nhiều quốc gia, tỷ lệ tiếp cận thị trường và chất lượng việc làm của nữ giới vẫn có khoảng cách so với nam giới.
Theo báo cáo "Điều tra lao động việc làm quốc gia" mới nhất (năm 2016), tỷ lệ nữ giới có việc làm thấp hơn 9% so với năm giới (71% so với 80,6%). Khoảng cách về giới thể hiện rõ nhất trên khía cạnh loại hình công việc. Tỷ lệ lao động nữ đảm nhận các công việc tự do hoặc lao động gia đình không được trả lương cao hơn 12,4% so với nam giới.
Đối với loại hình lao động có hợp đồng, thu nhập từ công việc quy định trong hợp đồng của nam giới là khoảng 5,3 triệu đồng, cao hơn 10,7% so với mức 4,7 triệu đồng của nữ giới.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phu-nu-toan-cau-van-doi-mat-bat-binh-dang-viec-lam-post824541.html