Phụ nữ Trung Quốc có một cuộc chiến vaccine khác
Nhiều phụ nữ Trung Quốc phải giành giật cơ hội để được tiêm vaccine phòng virus gây ung thư cổ tử cung. Có người chấp nhận trả giá cao để mua liều tiêm trên thị trường chợ đen.
Dù là một người làm việc trong bệnh viện, Sophie Li (y tá phẫu thuật) vẫn cảm thấy việc giành cơ hội được tiêm vaccine bảo vệ khỏi virus gây ung thư cổ tử cung (HPV) là một cuộc chiến khó khăn.
3 năm trước, ngay trước khi bước vào tuổi 26, ngưỡng để việc tiêm phòng HPV đạt hiệu quả cao, Li nghe một người bạn mách nhỏ rằng trạm phòng dịch địa phương đang cung cấp một lô vaccine.
Cả hai chạy ngay đến phòng khám và may mắn trở thành những người cuối cùng trong danh sách 20 cái tên được tiêm vaccine phòng HPV ngày hôm đó. Những người đứng chờ phía sau họ phải thất vọng trở về.
"Tôi không thể nào đặt lịch hẹn tiêm cho mình. Tôi không biết vaccine đã đi đâu hết", Li nói với South China Morning Post.
HPV là một trong những virus gây bệnh tình dục lây nhiễm nhiều nhất trên thế giới. Có hơn 100 chủng virus, một số trong đó đặc biệt nguy hiểm vì chúng có thể gây ung thư cổ tử cung.
Thế nhưng trong khi nhận thức về mối nguy hiểm này càng tăng, khả năng tiếp cận vaccine đối với những phụ nữ ở Trung Quốc như Li lại rất thấp, xuất phát từ thiếu nguồn cung do sự chậm trễ trong phê duyệt và năng lực sản xuất yếu kém. Nhiều người phải rất cố gắng để được bảo vệ khỏi căn bệnh nguy hiểm.
Giành giật cơ hội
Năm 2020, Đại hội đồng Y tế Thế giới (World Health Assembly) đã thông qua một chiến lược toàn cầu nhằm loại bỏ ung thư cổ tử cung như một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Trong đó, tiêm chủng và sàng lọc sớm là các hình thức phòng ngừa chính.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong khi cả nam giới và phụ nữ đều có thể bị nhiễm HPV, phụ nữ phải đối diện nguy cơ tử vong cao hơn. Virus này là nguyên nhân gây ra hơn 95% trường hợp mắc ung thư cổ tử cung.
Một bác sĩ phụ khoa đến từ thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) nói với tờ Post rằng HPV đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ, vì nó có thể gây ra những thay đổi bệnh lý cho cổ tử cung.
"Nếu virus tồn tại trong cơ thể lâu ngày, nó có thể dẫn đến bệnh mụn cóc sinh dục hoặc thậm chí ung thư", nữ bác sĩ nói.
Theo Trung tâm Thông tin HPV, ung thư cổ tử cung được xếp hạng là loại ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi 15-44. Trung tâm trực thuộc WHO ước tính mỗi năm, gần 110.000 phụ nữ nước này được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung và hơn 59.000 người chết vì bệnh này.
Trong nhiều năm liền, những phụ nữ như Li phải giành giật cơ hội được tiêm vaccine HPV thông qua tin tức truyền miệng.
Một số người thậm chí trả giá cao để mua liều tiêm vaccine trên thị trường chợ đen.
Trường hợp cực đoan từng diễn ra khi một lập trình viên ở tỉnh Giang Tây đã bị cảnh sát bắt giữ vào tháng 12/2021 vì viết chương trình để tự động đặt chỗ tiêm vaccine từ website chính thức, sau đó bán lại chúng để kiếm lời.
Tại Trung Quốc, giá vaccine HPV dao động từ 1.800 nhân dân tệ (282 USD) đến 3.900 nhân dân tệ đối với liều nhập khẩu, và có giá dưới 1.000 tệ với vaccine sản xuất trong nước.
Thuốc chủng ngừa HPV được gọi là 2-valent, 4-valent hoặc 9-valent, tùy thuộc vào số lượng chủng virus mà chúng có thể phòng chống. Cả 4 loại vaccine được WHO kiểm định đều bảo vệ chống lại 2 chủng HPV số 16 và 18 - được biết là nguyên nhân gây ra 70% trường hợp ung thư cổ tử cung.
Loại 9-valent mà Li muốn sử dụng, cũng là loại cô được tiêm, là vaccine toàn diện và được tìm kiếm nhiều nhất, vì nó chống lại ít nhất 5 chủng HPV gây ra ung thư cổ tử cung.
Cervarix, vaccine HPV 2-valent của công ty dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh, là loại vaccine đầu tiên có mặt tại Trung Quốc vào năm 2017. Gardasil 9, loại vaccine 9-valent do công ty Merck của Mỹ sản xuất, đã được chấp thuận sử dụng tại nước này vào năm 2018, 4 năm sau khi nó được chấp thuận trong y tế Mỹ.
Vaccine HPV được sản xuất trong nước đầu tiên của Trung Quốc là Cecolin 2-valent của Innovax, chính thức được tung ra thị trường nước này vào năm 2020. Đây cũng là vaccine phòng HPV đầu tiên do Trung Quốc sản xuất đạt được tiêu chuẩn kiểm định của WHO. Hiện vaccine này đã được cung cấp thông qua các bệnh viện Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, vaccine 9-valent chỉ được phép sử dụng cho những người từ 16 đến 26 tuổi do thiếu dữ liệu lâm sàng trong nước, mặc dù nó đã được chấp thuận cho những người từ 9 đến 45 tuổi ở các quốc gia khác.
Lần đầu tiên Li biết về vaccine HPV và tác động của chúng đối với bệnh ung thư cổ tử cung trong một bài giảng tại bệnh viện, cô biết ngay rằng bản thân phải tiêm một loại vaccine.
Trong quá trình làm việc tại viện, Li đã chứng kiến nhiều phụ nữ khổ sở bởi căn bệnh này. “Tôi cảm thấy rất tiếc cho họ. Đó cũng là lý do tại sao tôi biết cần tiêm vaccine càng sớm càng tốt".
Vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất
Chen Jingjing (Bắc Kinh) cũng đang chạy đua với thời gian để được tiêm phòng HPV. Lần đầu cô biết về vaccine này thông qua một blog cách đây 5 năm, khi đã 27 tuổi. Vì vậy, năm ngoái, cô cuối cùng quyết định tiêm vaccine 4-valent, loại mà Trung Quốc cho phép dành cho lứa tuổi 9-45.
Nhưng ngay cả việc được tiêm loại đó cũng "khó như một trận chiến" đối với Chen.
Cô đã đặt lời nhắc trên ứng dụng thông tin y tế Dingxiangyuan, nó đã gửi thông báo cho cô khi vaccine có sẵn tại các bệnh viện khác nhau. Khi có tin nhắn đến, Chen lập tức bỏ mọi công việc đang làm, đăng nhập vào trang web của bệnh viện đó và cố gắng đăng ký.
Năm ngoái, cô đã thử đăng ký 4 lần. Nhưng ngay khi cô nhập thông tin cá nhân của mình, hệ thống sẽ báo "đã hết vaccine".
Đến lần thứ 5, cô gặp may mắn. "Chắc ai đó vừa bỏ yêu cầu tiêm chủng của họ", Chen thầm nghĩ.
Theo một báo cáo từ nhà phân tích ngành Huaxi Securities vào tháng trước, vẫn còn tiềm năng lớn cho thị trường vaccine HPV ở Trung Quốc, khi chỉ mới 7% trong số khoảng 381 triệu phụ nữ từ 9 đến 45 tuổi ở nước này được tiêm phòng.
Trên ứng dụng Xiaohongshu lifestyle và trang tiểu blog Weibo, vaccine HPV là chủ đề được thảo luận rất sôi nổi. Người dùng còn phát triển ngôn ngữ riêng, gọi việc đặt chỗ tiêm vaccine thành công là “vào bờ”, không còn phải “trôi dạt ngoài biển cả”.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, phụ nữ Trung Quốc có một lựa chọn khác là đi tiêm phòng ở Hong Kong hoặc Macau, nơi các loại vaccine này dễ dàng có sẵn hơn và giới hạn độ tuổi của bệnh nhân là 9-45.
Annie Lin, đại lý bảo hiểm có trụ sở tại Hong Kong, từng nhận được nhiều yêu cầu tiêm vaccine mỗi ngày từ các khách hàng ở Trung Quốc đại lục. Lin cho biết các đại lý bảo hiểm thường duy trì mối quan hệ tốt với phòng khám tư nhân, đưa khách hàng đến cho họ.
Hiện tại, khi biên giới Hong Kong và đại lục vẫn đóng cửa, cô giúp khách hàng đăng ký ở Macau, nơi đã mở cửa trở lại cho một số khách du lịch đại lục vào tháng 8/2020.
Hiện tại, sự thiếu hụt vaccine ở Trung Quốc phần lớn là do thiếu nguồn cung.
Qiao Youlin, giáo sư dịch tễ học tại Bệnh viện Ung thư thuộc Học viện Khoa học Y tế Trung Quốc, nói với đài truyền hình CCTV rằng trước đây, việc phê duyệt vaccine 2-valent và 4-valent từ GlaxoSmithKline và Merck mất tới 8 năm.
Vào năm 2018, Trung Quốc đã phê duyệt loại 9-valent từ Merck trong vòng 9 ngày, nhưng việc sản xuất vaccine vẫn chưa bắt kịp nhu cầu.
Trước đó, Merck đã thông báo rằng họ đang tăng tốc sản xuất và dự kiến tăng nguồn cung sang Trung Quốc trong năm nay. Đồng thời, hơn 10 công ty y tế đang phát triển vaccine nội địa.
Trước tình trạng khan hiếm, các chuyên gia cũng như phương tiện truyền thông đã tuyên truyền vận động phụ nữ không nên chờ đợi để đặt vaccine 9-valent mà hãy tiêm ngay loại có sẵn.
Một bài bình luận trên tờ Workers’ Daily vào tháng 12/2021 cho biết khó có thể thay đổi tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong một thời gian ngắn, đề nghị các nhà chức trách đưa ra hệ thống phân bổ tốt hơn cũng như thúc đẩy vắc xin 2-valent và 4-valent để giảm áp lực cung cấp cho loại 9-valent.
Bác sĩ phụ khoa ở Hàng Châu cho biết: “Hãy chọn bất kỳ mũi tiêm nào mà bạn có thể đặt lịch hẹn trước. Nó chắc chắn tốt hơn là không có mũi tiêm nào".
Phù hợp với lời kêu gọi của WHO nhằm loại bỏ ung thư cổ tử cung vào năm 2018, Trung Quốc đã giới thiệu tiêm vaccine 2-valent trong nước miễn phí cho trẻ em gái dưới 14 tuổi tại nhiều thành phố, đồng thời thúc đẩy nâng cao nhận thức.
Qiao nói với CCTV rằng đề xuất của anh là tiêm phòng miễn phí cho trẻ em gái dưới 15 tuổi, độ tuổi mà vaccine hiệu quả nhất và cần được bảo vệ nhiều nhất.
Trong khi đó, đối với những phụ nữ khác ở Trung Quốc, giành cơ hội tiêm vaccine HPV giống như một "cuộc chiến sinh tồn".
Dù đã bỏ lỡ cơ hội nhận được vaccine 9-valent, Chen cho biết cô rất vui khi được bảo vệ chống lại các chủng nguy hiểm nhất thông qua vaccine 4-valent. "Ít nhất bây giờ tôi được bảo vệ", cô nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-nu-trung-quoc-co-mot-cuoc-chien-vaccine-khac-post1294635.html