Phụ nữ từ chối sinh con, chính phủ Singapore phải hỗ trợ tối đa
Chính phủ Singapore tạo nhiều cơ hội để phụ nữ có thể mang thai, nhằm cân bằng tỷ lệ sinh con khá thấp do tâm lý muốn có cuộc sống hoàn hảo mới xây dựng tổ ấm ở đảo quốc sư tử.
Sau khoảng thời gian cố gắng mang thai tự nhiên 5 năm, Hazzny Gani (45 tuổi, nội trợ) quyết định đến phòng khám sinh sản khi cô 35 tuổi.
Cô cảm thấy mình không còn trẻ nữa và quyết định tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm vì sợ rằng chờ đợi thụ thai tự nhiên sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng khi sinh.
Hazzny cảm thấy mình thật may mắn vì đã thành công trong lần nỗ lực đầu tiên. Mặc dù vậy, quá trình điều trị của cô tốn khoảng 6.500 USD.
“Khi nhận ra đó là tất cả số tiền chúng tôi phải bỏ ra, tôi thật sự biết ơn vì chỉ thực hiện việc này một lần duy nhất. Những người bạn của tôi đã phải trải qua nhiều cuộc điều trị nhưng kết quả lại không như mong muốn.
Chính phủ nên có biện pháp giúp những gia đình có thu nhập thấp vì có thể nhiều người trong số họ rất muốn có con nhưng không có khả năng chi trả”, cô chia sẻ.
Theo các báo cáo trên truyền thông Singapore, nhiều phụ nữ trên 45 tuổi đã phải đi đường cao tốc đến Malaysia, nơi có các phòng khám sinh sản chỉ cách trạm kiểm soát Woodlands 10 phút.
Các thủ tục ở Malaysia được cho là rẻ hơn, các phòng khám ở đây còn được phép thử phôi trước khi cấy vào tử cung, điều giúp cải thiện tỷ lệ thành công cho ca điều trị.
Theo thông tin, việc giảm chi phí thụ tinh trong ống nghiệm đã được Chính phủ Singapore công bố thực hiện vào tháng 8 năm nay.
Josephine Teo, Bộ trưởng Bộ Nhân lực Singapore, cho rằng động thái này nhằm mục đích tăng tỷ lệ sinh sản ở xã hội lão hóa nhanh thứ hai thế giới này, chỉ sau Hàn Quốc.
Số tiền trợ cấp được dự báo sẽ tiết kiệm khoảng 75% chi phí điều trị thụ tinh trong ống nghiệm cho các cặp vợ chồng Singapore, con số có thể lên đến 5.600 USD.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng công bố sẽ loại bỏ việc giới hạn độ tuổi thực hiện phẫu thuật thụ tinh trong ống nghiệm, hiện là 45 tuổi và 10 chu kỳ điều trị cho mỗi phụ nữ.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng biện pháp mới này của Chính phủ sẽ chỉ mang lại lợi ích cho phần nhỏ phụ nữ, làm tăng tỷ lệ sinh ở quốc gia này nhưng không nhiều.
Theo thống kê dân số mới nhất được công bố vào tháng trước, Singapore đã ghi nhận 32.413 ca sinh vào năm 2018, tăng nhẹ so với 32.356 của năm 2017.
Thế nhưng, trong cùng khoảng thời gian, tổng tỷ suất sinh đã giảm từ 1,16 xuống 1,14. Lý do cho sự trái ngược này là có nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, từ 15 đến 49 tuổi, quyết định không sinh con.
Hiện tại, các số liệu tổng hợp cho thấy Singapore là một trong những quốc gia có mức sinh thấp nhất thế giới và đang có khoảng cách lớn so với các nước láng giềng châu Á như Malaysia, Indonesia, Nhật Bản.
Leong Chan-Hoong, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Chính sách của NUS, cho biết thời gian làm việc kéo dài chính là lý do khiến các cặp vợ chồng ở đây gác lại việc sinh con.
Hơn thế, giới trẻ ở đảo quốc sư tử là những người khá cầu toàn. Họ muốn có cuộc sống hoàn hảo và sự nghiệp tài chính vững chắc rồi mới bắt đầu xây dựng tổ ấm.
Tài chính được xem là gánh nặng hàng đầu của những cặp vợ chồng trẻ. Tâm lý này đã khiến nhiều người trẻ Singapore e ngại việc sinh con, trong đó có Chris Tan, nhà sáng tạo nội dung của một công ty quảng cáo ở Singapore, đã kết hôn 7 năm.
Cô cho rằng việc có con là một cam kết lớn, và cô có thể giúp nhiều đứa trẻ hơn từ chi phí nuôi con của mình.
Chris Tan chỉ ra việc có con năm 45 tuổi đòi hỏi một kế hoạch tài chính chu toàn.
Cô giải thích: “Khi bạn 60 tuổi, con của bạn chỉ mới 15, thậm chí chưa phải độ tuổi trưởng thành. Nếu bạn không có chính sách tiết kiệm và chi tiêu tốt để đảm bảo rằng việc giáo dục con cái sẽ được quản lý chu đáo, bạn sẽ phải làm việc đến năm 70 tuổi”.
Tuy nhiên, ông Leong cũng nói: “Các cặp vợ chồng có thể nhận được trợ cấp và những sự yêu cầu mà họ cần, nhưng nếu họ không tự tin vào khả năng của bản thân, những con số đó sẽ không có ý nghĩa gì”.