Phụ nữ và những biểu tượng

BHG - Bức tượng khổng lồ mang tên Nữ thần Tự do soi sáng thế giới, đặt trên bến cảng New York không chỉ là biểu tượng quốc gia của nước Mỹ mà nó còn là di sản văn hóa thế giới. Người Pháp đã tạo ra tác phẩm này và tặng người bạn Mỹ một di sản, khánh thành ngày 28.10.1886. Tượng Nữ thần Tự do có rất nhiều bản sao trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhưng nó không tồn tại trên đất nước ta vì lí do lịch sử. Cũng phải kể đến một bức tượng khác, ra đời trước đó khoảng 130 năm trước Công nguyên là Thần Vệ nữ Hy Lạp cổ đại, khắc họa Aphrodite – vị nữ thần tình yêu và sắc đẹp của người Hy Lạp. Cả hai bức tượng này đều bắt nguồn từ thần thoại.

Phụ nữ Báo Hà Giang hưởng ứng Tuần lễ áo dài . Ảnh: TL

Phụ nữ Báo Hà Giang hưởng ứng Tuần lễ áo dài . Ảnh: TL

Có thể liệt kê rất nhiều nữ thần nổi tiếng trên thế giới trong cổ tích hay huyền thoại. Hằng Nga ở Cung trăng trong văn hóa nhiều nước Phương Đông là một ví dụ. Như vậy nhân loại đã suy tôn sắc đẹp và quyền lực của nó từ rất lâu. Có lẽ khởi nguồn từ thời mẫu hệ và ngày nay hiệu ứng từ phái đẹp vẫn đang làm cả hành tinh khuynh đảo. Thậm chí người ta gọi là thời đại “một nửa đàn ông là đàn bà”. Có thể hiểu trên trái đất này loài người hai phần ba là nữ tính. Đàn ông bị át vía, bị lép vế quá chăng? Thì hiện tại người ta vẫn tranh luận nhau bằng bài thơ vui (không rõ tác giả) mà ngẫm ra rất thú vị:

Nếu như không có đàn bà

Thì trên thế gới chỉ là số không.

Nhưng mà không có đàn ông

Thì trên thế giới cũng không có gì.

Theo Kinh thánh, khi Thượng đế “chế tạo” loài người lúc đầu chỉ có đàn bà. Rồi ngài lấy chiếc xương sườn của người đàn bà “chế” ra đàn ông. Như vậy là công thức hai trong một bắt đầu từ đó. Đàn ông và đàn bà là hai nửa của một sinh thể sống, không thể thiếu nhau được. Từ đó suy ra tôn vinh phụ nữ cũng chính là nâng cấp nam giới. Tuy nhiên trong hiện thực, trong sự đời vẫn luôn diễn ra những câu chuyện rắc rối, kể cả chuyện xã hội cũng như gia đình. Những giá trị của phái đẹp mà người ta đã suy tôn và dựng tượng chỉ như là hình tượng nghệ thuật, hoặc giả chỉ có trong cuộc sống ảo. Trong thực tại phụ nữ bị đối xử bất công và bị bóc lột. Chính điều này, khi dồn nén đỉnh điểm đã xảy ra sự kiện ngày 8 tháng 3 năm 1899, những nữ công nhân của thành phố Chicago và New York đã đứng lên, đòi sự tôn trọng, tăng lương và giảm giờ làm. Sau đó phong trào này ngày một lan rộng và phải đến một cuộc họp của 100 phụ nữ đến từ 17 quốc gia mới quyết định lấy ngày 8 tháng 3 là ngày Quốc tế Phụ nữ với khẩu hiệu: Ngày làm 8 giờ - Việc làm ngang nhau – Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

Phụ nữ Sở GT-VT Hà Giang tham gia, góp phần lan tỏa hình ảnh tuần lễ áo dài. ảnh: Quỳnh Hương

Phụ nữ Sở GT-VT Hà Giang tham gia, góp phần lan tỏa hình ảnh tuần lễ áo dài. ảnh: Quỳnh Hương

Sự kiện lịch sử đó đã tạo nên một biểu tượng tinh thần trong chúng ta về người phụ nữ đòi quyền bình đẳng và sự công bằng. Vì sao những quyền đơn giản kia của phụ nữ và trẻ em lại chậm được nhìn nhận như vậy? Có phải vì giới mày râu chậm hiểu? Hay là người ta – đàn ông – còn mải mê với việc “kinh bang tế thế” ngoài thân, xa vời mà quên đi sự thiết thực nơi gia đình với một nửa của mình. Dù sao thì những câu hỏi và trả lời về đàn ông và đàn bà vẫn là muôn thuở. Chỉ biết rằng phụ nữ luôn xứng đáng được tôn vinh và chia sẻ.

Có thể ở một nơi chốn nào đó, ở một thời điểm nào đó, cuộc mưu sinh của những người phụ nữ còn quá lầm than, dân trí còn ở mức thấp, tâm thức chưa được khai mở, nên họ đã để rơi báu vật của mình. Đó là quyền năng đã được xác định, đã được xây nên tượng đài: Sắc đẹp, tình yêu thương và hình thể phồn thực. Ngay cả sự mạnh mẽ kinh hồn hay là sự yếu đuối nao lòng ở phụ nữ cũng thực sự là một quyền năng.

Ngày của hoa tươi, của những lời chúc tụng có cánh, của những món quà ý nghĩa, không chỉ vì đó là ngày Quốc tế Phụ nữ, có lẽ cũng cần phải như thế, nhưng nó còn là dịp để chia sẻ yêu thương và bày tỏ sự tôn trọng. Tất cả những điều này chỉ diễn ra ở nơi cư dân có đời sống khấm khá hay là đô thị. Còn vùng cư dân mà nhiều đối tượng là những người yếu thế, tất cả còn u minh, có phần xa lạ với văn minh tô vẽ, sẽ cảm thấy tổn thương khi họ không hiểu thực chất ý nghĩa vấn đề đòi quyền của phụ nữ chưa hề kết thúc và qui luật phát triển xã hội với khoảng cách giàu - nghèo. Rất cần một sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ.

Cái đẹp, cụ thể hơn là sắc đẹp và tình yêu là “ngôn ngữ” phổ thông ở mọi vùng miền. Ai cũng nghe hiểu và đón nhận được ngay, có thể không cần “phiên dịch”. Bởi nó thiên về trực giác và trực cảm. Khi điều này thuộc về phụ nữ thì họ là chúa tể. Nhiều người biết rằng “Chúa tể” của chúng ta muốn gì trong cuộc đời này? Xin thưa, Chúa tể - người phụ nữ - muốn được tự do định đoạt cuộc sống của chính mình. Vâng, hãy chờ chút, “hãy đợi đấy”, điều lớn lao ấy đã, đang và sẽ đến. Biểu tượng Nữ thần Tự do soi sáng thế giới, một di sản văn hóa nhân loại, thật sự có ý nghĩa thời sự trong cuộc sống hôm nay giữa cuộc đấu tranh bền bỉ, nhuốm màu hòa bình của phụ nữ các châu lục.

CẨM NGÀ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202303/phu-nu-va-nhung-bieu-tuong-7241b88/