Phụ nữ và thuốc lá: Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Thuốc lá đã và đang gây ra nhiều tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của phụ nữ do ảnh hưởng của việc hút thuốc lá và hút thuốc thụ động.

Giống như nhiều quốc gia khác ở châu Á, tỷ lệ nam giới hút thuốc ở Việt Nam nhiều hơn nữ giới, nam giới là 42,3% và nữ giới chỉ là 1,7%. Nhưng trên thực tế, thuốc lá đã và đang gây ra nhiều tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của phụ nữ do ảnh hưởng của việc hút thuốc lá và hút thuốc thụ động.

Từ thực tế trên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng phối hợp để tìm hiểu và làm rõ những mối đe dọa tiềm ẩn với sức khỏe phụ nữ gây ra bởi thuốc lá và sự cần thiết trong việc tăng cường các chính sách kiểm soát thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của phụ nữ Việt Nam.

Thuốc lá đã và đang gây ra nhiều tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của phụ nữ.

Thuốc lá đã và đang gây ra nhiều tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của phụ nữ.

Mọi loại thuốc lá đều có hại, bao gồm thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử hoặc vapes, các sản phẩm thuốc lá nung nóng (HTP) và shisha. Tại Việt Nam, một nghiên cứu năm 2006 ước tính mỗi năm có ít nhất 40.000 người chết do sử dụng thuốc lá, và con số này có xu hướng tiếp tục gia tăng, do đó số tử vong hiện nay nhiều khả năng sẽ cao hơn rất nhiều.

Tác động của thuốc lá đối với phụ nữ ở Việt Nam thường không được chú ý vì đây là nhóm đối tượng rất ít hút thuốc. Tuy nhiên, với tổng dân số của nước ta, thì tỷ lệ 1,7% phụ nữ Việt Nam hút thuốc, tương đương với hơn 400.000 phụ nữ đang sử dụng thuốc lá và những trường hợp này có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và các bệnh ung thư như: ung thư phổi, ung thư miệng, họng và hệ tiêu hóa, bàng quang, tuyến tụy, thận, ung thư vú và cổ tử cung. Đây là thực trạng đáng báo động cần phải có hành động kịp thời.

Mặc dù, phụ nữ ở Việt Nam ít hút thuốc hơn nam giới nhưng 48,2% phụ nữ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc thụ động độc hại tại nhà và 25,4% phụ nữ hít phải khói thuốc thụ động tại nơi làm việc.

Trong thời gian ngắn, việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động có thể gây ra các tác động gây viêm và ảnh hưởng niêm mạc hô hấp ngay trong vòng 60 phút sau khi tiếp xúc và kéo dài ít nhất ba giờ sau đó. Về lâu dài, việc này có thể gây ra bệnh tim, mạch vành, đột quỵ, ung thư phổi, ung thư vú ở phụ nữ và các bệnh khác cũng như tử vong sớm.

Khói thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ. Ước tính có hơn 19.000 người ở Việt Nam chết do hút thuốc lá thụ động vào năm 2019, phần lớn (khoảng 60%) trong số những ca tử vong này là phụ nữ.

Hiện nay, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống nạn dịch thuốc lá. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của WHO, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các đối tác khác đã và đang tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, trẻ em và cộng đồng về tác hại của thuốc lá và hút thuốc lá thụ động. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức và chúng ta cần phải hành động nhiều hơn nữa.

Ưu tiên chính là tăng cường thực thi các quy định của pháp luật về môi trường không khói thuốc, điều rất quan trọng để bảo vệ phụ nữ và cộng đồng khỏi khói thuốc thụ động. Cần thực hiện nghiêm việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nơi làm việc và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, chúng ta phải có biện pháp phòng ngừa ngành công nghiệp thuốc lá đang nhắm vào phụ nữ để thay thế lượng nam giới hút thuốc lá có xu hướng giảm dần.

Để ngăn chặn được điều này, biện pháp quan trọng nhất là phải tăng thuế và giá thuốc lá để khuyến khích những người hút thuốc hiện tại bỏ thuốc lá và giảm sức hấp dẫn của việc hút thuốc đối với những người khác, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái.

Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cũng cần tăng cường việc thực thi quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ đối với các sản phẩm thuốc lá và sản phẩm chứa nicotine, bao gồm cả thuốc lá điện tử; Đẩy mạnh các nỗ lực cấm bán các sản phẩm thuốc lá và nicotine mới (vì hiện các sản phẩm này đều là hàng lậu) là yếu tố hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và giám sát việc phòng chống tác hại thuốc lá để giúp giới trẻ, đặc biệt là trẻ em gái hạn chế tiếp xúc và bị cám dỗ bởi thuốc lá điện tử hay các sản phẩm tương tự khác.

Nếu chúng ta có thể ngăn chặn một người nào đó bắt đầu sử dụng thuốc lá khi họ còn trẻ, thì điều đó giống như một loại vắc-xin bảo vệ họ suốt đời khỏi việc hút thuốc, bởi vì mọi người ít có khả năng bắt đầu sử dụng thuốc lá khi họ trưởng thành.

Bằng cách thực hiện các biện pháp này, Việt Nam có thể bảo vệ phụ nữ - đặc biệt là phụ nữ trẻ và trẻ em gái - khỏi tác hại của thuốc lá và nicotine.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phu-nu-va-thuoc-la-nhieu-nguy-co-tiem-an-342796.html